Đà Nẵng muốn được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù
Mới đây, tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Thành ủy Đà Nẵng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2023 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trong đó, quan tâm, xem xét, cho phép TP. Đà Nẵng áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị và sửa đổi, bổ sung một số quy định để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
![]() |
TP. Đà Nẵng đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 |
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của UBND quận, UBND phường theo hướng bổ sung người đứng đầu cơ quan quân sự, cơ quan công an; bổ sung quy định về việc bãi bỏ văn bản của HĐND quận, HĐND phường, UBND phường ban hành trước ngày 1/7/2021; bổ sung quy định về thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, HĐND phường quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành; sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách; bổ sung quy định thực hiện thống nhất, liên thông một chế độ công vụ đối với cán bộ phường và cán bộ, công chức xã.
Về cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, cho phép Thành phố được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù. Theo ông Quảng, vừa qua, Quốc hội ban hành các nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương. Trong đó, có một số cơ chế, chính sách vượt trội trên nhiều lĩnh vực, tạo điều kiện để các địa phương đẩy nhanh quá trình quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, Đà Nẵng đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét thống nhất chủ trương để sau khi sơ kết Nghị quyết số 119/2020/QH14, cho phép Đà Nẵng được áp dụng các cơ chế chính sách tương tự như một số địa phương như: Cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư; Cơ chế, chính sách về quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường; Chính sách về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Cơ chế, chính sách tiền lương và tổ chức bộ máy chính quyền.
Cùng với đó, lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng đề xuất cho phép địa phương được áp dụng một số cơ chế, chính sách mới. Ông Quảng cho rằng, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: “Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; những việc đã rõ, được thực tế chứng minh là hiệu quả thì làm ngay, việc gì mới, phức tạp nhưng cấp thiết thì nghiên cứu thực hiện thí điểm; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược”. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định: “Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng...”.
![]() |
Đà Nẵng đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, sớm đề xuất ban hành những chính sách đột phá để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn |
Trên cơ sở các định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đề xuất một số cơ chế, chính sách bước đầu. Trong đó, về cơ chế, chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, TP. Đà Nẵng đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, sớm đề xuất ban hành những chính sách đột phá để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Nhất là đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chính sách thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các giai đoạn của sản xuất chip bán dẫn.
Cùng đó, giao TP. Đà Nẵng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu các cơ chế, chính sách cụ thể trong quá trình sửa đổi Nghị quyết số 119/2020/QH14 và cho phép thành phố được thực hiện thí điểm một số chính sách về lĩnh vực này.
Về hình thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, trên cơ sở chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, TP. Đà Nẵng đã xây dựng và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.
Đề án đưa ra mô hình phát triển Trung tâm tài chính Đà Nẵng dựa trên 3 chức năng chính, gồm: (1) Cung cấp dịch vụ tài chính hay còn gọi là trung tâm tài chính hải ngoại (offshore); (2) Trung tâm công nghệ tài chính (fintech); (3) Hoạt động phụ trợ cho hoạt động tài chính và dịch vụ tiện ích.
Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm ủng hộ và cho ý kiến về các định hướng phát triển trung tâm tài chính quốc tế của TP. Đà Nẵng để trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu các cơ chế, chính sách cụ thể.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ
