Đã đến lúc nói không với thủy điện nhỏ
Rút giấy phép hoạt động
Thời gian qua, người dân khu vực miền Trung điêu đứng do phải gánh chịu cảnh bão chồng bão, mưa lũ chồng chất. Theo nhiều người, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự xuất hiện ngày càng nhiều các thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn. Bởi vậy, câu hỏi về những lợi ích lẫn bất cập của các thủy điện nhỏ lại được đưa ra mổ xẻ, thậm chí còn làm “nóng” cả nghị trường Quốc hội.
Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị thu hồi quyết định dừng xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2, nằm trên địa bàn huyện Nam Trà My. Điều đáng nói, chỉ trước đó vài ngày chính quyền địa phương đã có quyết định đồng ý xây dựng thủy điện này! Sự việc ngay lập tức, gây sự chú ý của dư luận trong cả nước... Cụ thể, ngày 20/11/2020 UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 3272/QĐ-UBND, về việc cho Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển điện Cửu Long thuê đất, để xây dựng Nhà máy thủy điện Đắk Di 2 tại xã Trà Don và xã Trà Nam. Tuy nhiên, sau khi quyết định trên được công bố, dư luận rất bức xúc. Bởi, khu vực Nam Trà My vừa liên tiếp xảy ra các trận lở núi gây chết nhiều người, trong đợt mưa lũ vừa qua. Trong đó nhiều người cho rằng nguyên nhân một phần do các thủy điện.
![]() |
Một thủy điện trên địa bàn Quảng Nam đang tiến hành xả lũ |
Điều này cũng dễ hiểu, bởi trên địa bàn huyện Nam Trà My, nơi cấp phép xây dựng thủy điện Đắk Di 2 đã có đến 2 vụ sạt núi, vùi lấp hàng chục hộ dân, 32 người chết và mất tích. Bên cạnh, hàng nghìn hộ dân địa phương còn phải chịu cảnh cô lập, mất nhà, mất đất sản xuất, cơ sở hạ tầng tan hoang, giao thông chia cắt, trường học sập đổ... Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” như vậy, việc chính quyền cho phép xây dựng thêm thủy địa không khác gì đổ thêm dầu vào lửa... Bởi vậy, đến ngày 26/11/2020, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị cấp dưới ra quyết định thu hồi quyết định số 3272/QĐ-UBND. Lý do đề nghị thu hồi quyết định trên, do chưa thực hiện đúng chủ trương của địa phương về rà soát thủy điện vừa và nhỏ.
Giữa những luồng bức xúc của dư luận với các dự án thủy điện nhỏ, “chết yểu” từ trong trứng nước như dự án Nhà máy thủy điện Đắk Di 2 cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, “mạnh tay” hơn kể cả những thủy điện đã hoạt động, cũng bị thu hồi giấy phép hoạt động do những sai phạm. Đó là câu chuyện tại Nhà máy thủy điện Thượng Nhật, ở Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, mới đây Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) đã quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của Nhà máy thủy điện Thượng Nhật. Nguyên nhân, do thủy điện này vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định, không thực hiện quan trắc theo quy định. Trong quá trình vận hành, nhiều lần thủy điện này tự ý tích nước trong mùa mưa lũ tại bão số 9, bão số 13, cố tình phớt lờ mọi cảnh báo, yêu cầu điều tiết của lãnh đạo địa phương. Được biết, dự án Nhà máy thủy điện Thượng Nhật có công suất chỉ 11MW, dung tích toàn bộ hồ chứa 17 triệu m3, kinh phí đầu tư hơn 341 tỷ đồng.
Cần nghiêm túc rà soát, chấn chỉnh
Đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực miền Trung đã để lại những hậu quả rất nặng nề. Trong đó, các thủy điện nhỏ đang xem như là một “tội đồ” góp phần gây nên tình trạng trên. Theo các chuyên gia trong ngành, việc vận hành hồ thủy điện nhỏ cũng ảnh hưởng đến quy trình xả lũ, liên quan đến việc lũ lên nhanh, chậm; làm gia tăng dòng chảy, gây nên tình trạng lũ chồng lũ… Thậm chí có nhà máy thủy điện nhỏ và vừa không thực hiện được chức năng thoát lũ, cắt lũ. Dung tích hồ chứa của một số thủy điện rất nhỏ, không đủ để chứa nước lũ nên gây ngập lụt nghiêm trọng ở các khu vực hạ lưu. Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến lượng mưa tại khu vực miền Trung đang lớn hơn nhiều năm trước, dẫn đến việc phòng, chống lũ càng gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, thời gian gần đây, liên tiếp các sự cố xảy ra liên quan đến những nhà máy thủy điện, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, có thể kể đến việc thủy điện Đăk Mi 4, ở huyện Nam Giang (Quảng Nam) xả lũ với lưu lượng trên 7.000 m3/giây, khiến hàng trăm hộ dân ở xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ bị trôi hết tài sản, nhà cửa. Nghiêm trọng hơn là sự việc tại thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), khiến cả nước bàng hoàng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ và công nhân đã tử vong. Nhiều người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy... Trước quá nhiều những đau thương này, nhiều người đã phải đặt ra câu hỏi về sự cần thiết cũng như các thông tin liên quan đến các dự án thủy điện nhỏ. Theo ông Phan Thái Bình - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, các cơ quan chức năng cần có rà soát, đánh giá lại toàn bộ tác động, mức độ an toàn của hệ thống hồ chứa, hồ thủy điện. Sau đó, thông tin rộng rãi để người dân hiểu rõ, chứ hiện nay, nhân dân đang rất bất an vì nhiều thông tin trái chiều gây hoang mang trong dư luận...
Điều đáng nói, trong lúc người dân bất an thì tại miền Trung, cũng như ở một số nơi khác trong cả nước lại đang có hiện tượng “bội thực” thủy điện. Trong đó, Quảng Nam đang được xem là “thủ phủ” của các công trình thủy điện. Hiện, trên địa bàn tỉnh có tới 46 công trình thủy điện, trong đó nhiều thủy điện nhỏ và vừa. Cụ thể, hiện Quảng Nam có 10 thuỷ điện lớn trên thượng nguồn sông Vu Gia, Thu Bồn đang hoạt động và đang xây dựng sắp đưa vào hoạt động với năng lực phát điện gần 1.200kW. Bên cạnh, địa phương còn có thêm 36 thuỷ điện vừa và nhỏ, với công suất phát điện 560kW. Tương tự, tại Thừa Thiên - Huế, trong một đoạn thượng nguồn sông Bồ ngắn chưa đầy 30km và dốc thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có tới 4 thủy điện công suất nhỏ, tạo thành hệ thống “thủy điện bậc thang”. Để thực hiện các dự án này, rõ ràng địa phương phải chuyển đổi mục đích đất và khai thác, tận thu một diện tích không nhỏ rừng tự nhiên...
Với hàng trăm thủy điện nhỏ và vừa đang tồn tại trong cả nước, đây đang là những quả “bom nước”, treo lơ lửng trên đầu hàng triệu hộ dân. Bởi vậy, có lẽ đã đến lúc chúng ta nói câu giã từ với các thủy điện nhỏ. Còn đối với những dự án đã “lỡ” cấp phép hoạt động thì cần được nghiêm túc rà soát, đánh giá lại khả năng vận hành một cách an toàn nhất, cho người dân bớt bất an.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
