Chống buôn lậu qua đường hàng không: Cuộc chiến gian nan
Hàng lậu trị giá hàng tỷ đồng
Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đã triệt phá đường dây 4 tiếp viên hàng không vận chuyển khoảng 11 kg ma túy được ngụy trang trong các tuýp kem đánh răng từ Pháp về Việt Nam. Đơn vị này cũng phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ lô hàng điện thoại di động trên 700 chiếc iPhone đã qua sử dụng được vận chuyển trái phép qua đường hàng không với giá trị ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Trước đó, Đội 2 (Cục Điều tra chống buôn lậu) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) đã giám sát, kiểm tra và phát hiện 724 chai rượu ngoại chủ yếu có nhãn hiệu Macallan, Beluga và 424 hộp thuốc lá điện tử HEETS với tổng trị giá của hàng hóa vi phạm tại thời điểm đó là hơn 9,2 tỷ đồng trên chuyến bay từ Matxcơva (Nga) về sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa).
![]() |
Đáng nói là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng quốc cấm qua cảng hàng không quốc tế đã liên tục "nóng" từ nhiều năm trước. Vào giữa tháng 11/2022, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện gần 26 kg ma túy được giấu trong các kiện hàng từ Đức, Mỹ về Việt Nam qua đường hàng không.
Năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Anh, Nguyễn Ngọc Sang và Phạm Duy Nhuận về hành vi buôn lậu vàng qua đường hàng không. Theo tài liệu điều tra, Ngọc Anh đặt mua 80 cây vàng với tổng giá trị gần 2,9 tỷ đồng và đề nghị cửa hàng chế thành 4 cục vàng nhằm mang lên máy bay cho gọn. Sau đó, Ngọc Anh và Sang làm thủ tục lên máy bay còn Nhuận tìm cách mang vàng lên tàu bay trước nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
Là đơn vị theo dõi hoạt động này trong nhiều năm, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế đang còn nhiều diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các mặt hàng chủ yếu là rượu, thuốc lá điếu, xì gà, điện thoại, vàng, ngoại tệ, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vũ khí, chất nổ, các chất ma tuý… trọng điểm là các tuyến hàng không giữa Việt Nam với các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, UAE, Singapore, Malaysia...
Theo các chuyên gia, lý do hàng không luôn là điểm “nóng” về các vụ buôn lậu, hàng cấm bởi ưu thế vận chuyển nhanh và xa. Hàng lậu có thể được mang trong hành lý cá nhân xách tay, ký gửi của đối tượng đi du lịch, học tập, công tác ở nước ngoài về hoặc của các công ty chuyển phát nhanh tại các kho hàng. Các đối tượng này thường cất giấu vào tư trang cá nhân, ngụy trang, đóng gói tinh vi để thoát khỏi máy soi chiếu ở sân bay. Nếu không có các biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua đường hàng không sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, thương hiệu hàng không quốc gia và tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay, an ninh hàng không, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Trước những diễn biến khó lường của tội phạm buôn lậu qua đường hàng không, mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp hàng không tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất hành lý của tổ bay trước và sau khi kết thúc chuyến bay, xử lý nghiêm theo quy định; quy định trách nhiệm và xử lý kỷ luật người đứng đầu đơn vị và người phụ trách triển khai các biện pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả khi để xảy ra vụ việc; nâng cao ý thức tới tất cả cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống chấp hành quy định về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, đồng thời qua đó rà soát, bổ sung các quy định, kế hoạch để bịt kín lỗ hổng nếu có… Các sân bay chỉ đạo lực lượng an ninh hàng không tăng cường kiểm soát người và đồ vật mang vào khu vực hạn chế của cảng hàng không; kiên quyết xử lý các trường hợp vào khu vực hạn chế không đúng mục đích, vận chuyển các đồ vật không nằm trong danh sách đăng ký…
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam và Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị, bộ phận trực thuộc phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng để tổ chức tập huấn cho lực lượng an ninh hàng không nhận biết hàng giả, kiến thức, kỹ năng chống buôn lậu, cũng như kịp thời trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Đặc biệt, mới đây, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa ký Quyết định thành lập tổ công tác liên ngành đôn đốc thực hiện Kế hoạch tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Theo đó, Tổ công tác chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; điều phối các đơn vị, lực lượng phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ, xử lý kịp thời, dứt điểm, hiệu quả các vụ việc, tình huống đột xuất, phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế; chủ trì, phối hợp phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch, cơ chế phối hợp phù hợp với diễn biến tình hình ở từng giai đoạn, đối với từng địa bàn, lĩnh vực; bảo đảm để các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, địa phương các cấp nâng cao hiệu quả thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế…
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
