Chính quyền đô thị: Hướng đến người dân và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước
Lấy người dân là trung tâm của mọi quyết sách
Theo Nghị quyết số 119, ngày 19/6/2020 của Quốc hội, từ ngày 1/7/2021, Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND quận, phường và một số cơ chế, chính sách đặc thù. Đây là cơ hội để thành phố chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, vận hành bộ máy chính quyền các cấp phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát triển trong giai đoạn mới.
Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa mới, các đại biểu đã bầu mỗi Ban của HĐND 1 Trưởng ban và 2 Phó Trưởng ban chuyên trách. Khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, không còn HĐND cấp quận, phường thì nhiệm vụ của các vị đại biểu HĐND thành phố sẽ chịu áp lực hơn nhiều. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, theo mô hình thí điểm tổ chức chính quyền đô thị thì vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, thường trực HĐND và các ban HĐND thành phố được tăng cường với nhiều yêu cầu mới và trách nhiệm lớn hơn, nhất là tăng cường giám sát việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở cấp quận, phường. HĐND thành phố cần xây dựng quy chế hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới; ban hành các nghị quyết có tính khả thi cao, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, lấy người dân là trung tâm trong mọi quyết sách.
![]() |
Từ ngày 1/7/2021, thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị |
Về vai trò giám sát hoạt động của cơ quan hành chính ở quận, phường, ông Dương Đình Liễu, Phó Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết: Vai trò giám sát, phối hợp giám sát giữa HĐND thành phố với Mặt trận được thực hiện thông qua những quy định cụ thể và hữu hiệu hơn. Theo Nghị định 34 của Chính phủ, UBND phường, quận là cấp hành chính. HĐND thành phố là cơ quan quyết định chủ trương, chính sách phù hợp theo Luật Tổ chức chính quyền quy định. Chức năng giám sát của các đoàn thể, chính trị xã hội, trong đó vai trò Ủy ban Mặt trận đặt vào một vị trí cao hơn, phối hợp với HĐND thành phố triển khai đồng bộ công tác giám sát, phản biện xã hội.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng là để phù hợp với tính chất, đặc điểm trong quản lý đô thị mà không làm giảm vai trò của cơ quan dân cử. Trái lại sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND thành phố và hiệu quả công tác giám sát, phản biện của Ủy ban Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm sự quản lý và chỉ đạo tập trung, thống nhất của UBND thành phố phù hợp với đổi mới về tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường theo hướng tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, năng động, linh hoạt; thực hiện thống nhất chế độ công vụ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước của thành phố; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND quận, phường, tăng cường chất lượng phục vụ tốt hơn để đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Ðà Nẵng, nguyên Trưởng ban Ban Tổ chức Thành ủy Ðà Nẵng cho rằng, từ năm 2009 đến 2016, Ðà Nẵng cùng một số địa phương được Quốc hội đồng ý cho phép thí điểm không tổ chức HÐND cấp quận, huyện, phường. Ðây chính là một mô hình phù hợp tính chất quy mô của Ðà Nẵng, phù hợp việc phân cấp trong quản lý đô thị. Trên cơ sở đó, thành phố chủ động sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, phù hợp từng vị trí việc làm, năng lực, trình độ, phẩm chất của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Nhờ đó, Ðà Nẵng phát triển nhanh hơn, xây dựng được mô hình chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp; dần trở thành điểm sáng về quản lý đô thị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, trở thành thành phố đáng sống. Tuy nhiên, đã đến lúc cần một cơ chế mới, tầm nhìn mới phù hợp với những đòi hỏi cấp thiết của thực tế.
Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhằm hướng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền và chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn. Nhiều năm qua người dân đã được hưởng lợi từ những dịch vụ công, nay sẽ được triển khai, đẩy mạnh hơn nữa, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại. Mô hình chính quyền đô thị đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu, huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, qua đó hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên.
Hơn 10 năm qua, cùng với thí điểm không tổ chức HÐND quận, huyện, phường (chỉ còn HÐND cấp xã), Ðà Nẵng luôn chú trọng cải cách hành chính, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, thể hiện rõ ở tinh thần làm việc của cán bộ, công chức, viên chức cũng như tính hiệu quả trong toàn bộ hoạt động của nền hành chính. Ðà Nẵng từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý công vụ khoa học, tuyển chọn, đào tạo công chức thực tài. Cải thiện chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả, đồng thời hình thành chính quyền điện tử, chính quyền số bảo đảm cung ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ công phục vụ nhân dân.
Nhiều năm nghiên cứu về mô hình chính quyền đô thị, Tiến sĩ Phạm Ði, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III cho rằng, mô hình chính quyền đô thị mà Ðà Nẵng đang hướng tới, chính là cách để mỗi người dân bày tỏ quan điểm, chính kiến đối với kế hoạch, chủ trương, quyết sách của chính quyền địa phương nơi mình sinh sống, đề cao tính tương tác giữa người dân và chính quyền. Bởi vậy, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ vẫn là nhân tố quyết định cho một chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hướng đến người dân, lắng nghe, giải quyết ngay những quyền lợi thiết thực của người dân.
Có thể nói, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là rất phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý đô thị đối với thành phố động lực miền Trung này. Nghị quyết số 119 của Quốc hội cùng với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ giúp Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên; tạo sức thu hút của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của cả nước như mục tiêu đã đề ra.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
