“Chặt chém” ở phố cổ
![]() | Và đó, “Hội An xưa” |
![]() | Bỏ chặt chém, khách sẽ đông |
![]() |
Hội An đang nỗ lực ngăn chặn vấn nạn “chặt chém” |
Nảy sinh những tiêu cực
Mới đây, dư luận xôn xao khi xem đoạn clip về một nhà thuốc ở Cửa Đại, TP. Hội An (Quảng Nam), bị khách hàng tố cáo khi cố tình “chặt chém” du khách nước ngoài. Theo nội dung của clip, cửa hàng bán thuốc tây này đã tính tiền cho du khách lên đến hơn 500 nghìn đồng, trong khi giá trị thực tế của số thuốc chỉ gần 200 nghìn đồng.
Theo đó, những thứ thuốc rất đơn giản và ít tiền, như thuốc chống say tàu xe có giá 5 nghìn đồng, được nhân viên quầy thuốc “chém” đến 50 nghìn đồng. Tương tự, loại thuốc khác có giá 30 nghìn đồng, cũng được nhân viên này kê lên đến 100 nghìn đồng…
Khi chính quyền TP. Hội An vào cuộc kiểm tra, buộc hoàn trả tiền cho du khách thì nữ nhân viên bán hàng giải thích rằng vì mới bán hàng nên không biết giá và “nghĩ khách Tây có nhiều tiền”...
Thực tế, trong thời gian gần đây tình trạng nâng giá, chèo kéo du khách… xảy ra khá phức tạp ở Hội An, trái hẳn với nét yên bình vốn có ở nơi đây. Bởi, trước đó cơ quan chức năng ở địa phương cũng đã làm việc với bà Đặng Thị K. trú tại phường Minh An về hành vi nâng giá, chửi bới du khách tham quan.
Còn du khách Nguyễn Ngọc Khánh trú tại TP. Vinh (Nghệ An) từng có chuyến du lịch tại Hội An lại than phiền về việc khi đến bến thuyền du lịch ở đường Bạch Đằng, đã bị các chủ thuyền chèo kéo rất phức tạp, giá cả không rõ ràng, không đi thì nhà thuyền tỏ thái độ khó chịu…
Du lịch phố cổ Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung đã tạo được nhiều dấu ấn trong lòng du khách cả trong và ngoài nước. Tham gia vào làm du lịch có đông đảo người dân địa phương và cả những nơi khác đến. Thực tế, kinh doanh thương mại là lĩnh vực gắn chặt với ngành “công nghiệp không khói” của địa phương.
Hiện, trên địa bàn Hội An có hơn 400 hộ bán vải kèm theo dịch vụ “may nóng”, hơn 450 hộ bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, túi xách, đèn lồng và đồ lưu niệm các loại... Các cơ sở buôn bán này tập trung chủ yếu trong phố cổ và các tuyến đường chính như: Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng và khu vực lân cận với mật độ dày đặc.
Điều đáng nói, trong thời gian gần đây do công tác quản lý, kiểm tra còn hạn chế đã xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch của Hội An. Số lượng ý kiến phản hồi của các “thượng đế” đến Hội An về Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam đang có dấu hiệu tăng lên.
Trong đó, phần đông là phàn nàn chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ du khách, môi trường du lịch và tình trạng chặt chém. Trong đó, 32 vụ việc du khách phàn nàn về thái độ phục vụ, nguyên nhân chủ yếu là do các chủ cửa hàng lưu niệm, các tiệm giày tại phố cổ Hội An gian lận, không thỏa thuận được giá cả, giao kèo, nhiều nơi không trả đủ tiền thừa cho khách hàng…
Sẽ “mạnh tay” ngăn chặn
Quay trở lại câu chuyện nhà thuốc ở Cửa Đại, bị khách hàng tố cáo khi cố tình “chặt chém” du khách nước ngoài, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An, việc phân biệt khách tây hay ta trong buôn bán của một số cửa hàng kinh doanh ở Hội An đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu du lịch của đô thị cổ Hội An.
Thu tiền khách cao hơn giá niêm yết chủ yếu tập trung vào những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, những người bán hàng rong. Dù chính quyền địa phương đã cương quyết xử lý nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để. Bởi, vì lợi nhuận trước mắt khi thấy khách tây là hét giá lên để thu lợi nhiều chứ không nghĩ đến thương hiệu du lịch chung của Hội An.
Thực tế, để ngăn chặn vấn nạn “chặt chém”, bảo vệ môi trường du lịch ở địa phương TP. Hội An đã có nhiều giải pháp ngăn chặn như, nếu phát hiện trường hợp chặt chém du khách, tùy theo mức độ vi phạm mà xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng.
Ngoài ra, còn tổ chức tuyên truyền, mở các lớp tập huấn văn hóa kinh doanh cho các tiểu thương, hộ kinh doanh. Đặc biệt, sẽ cấm kinh doanh vĩnh viễn đối với những cơ sở hay hộ kinh doanh nào tái phạm, làm hoen ố hình ảnh du lịch của Hội An.
Đối với việc xử lý vấn nạn buôn bán hàng rong, chèo kéo du khách ông Hồ Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, hàng rong là nét văn hóa truyền thống của phố cổ Hội An. Tuy nhiên, thời gian gần đây lại xuất hiện nhiều loại hàng rong biến tướng. Đây là đối tượng cần phải chỉnh đốn lại, thậm chí là nghiêm cấm để giữ trật tự cho phố cổ.
Bên cạnh, những ý kiến của các cơ quan chức năng nhiều du khách cho rằng, để bảo vệ môi trường du lịch phố cổ, tiếp tục đưa Hội An thành điểm đến ưa thích của du khách cả trong và ngoài nước, UBND TP. Hội An cần tiếp tục chấn chỉnh các loại hình hàng rong.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm để hạn chế nạn cò mồi, đeo bám, chèo kéo du khách. Các điểm du lịch cần tổ chức thực hiện niêm yết công khai giá dịch vụ của tất cả các cơ sở kinh doanh phục vụ du khách. Thường xuyên kiểm tra việc niêm yết và bán đúng giá, ngăn chặn hiện tượng lừa đảo, bán không đúng giá và tình trạng cò mồi...
Về lâu dài cần có quy hoạch tổng thể việc bày bán hàng rong trong địa bàn phố cổ. Điều này, vừa bảo tồn được nét văn hoá xưa trong phố cổ, đặc biệt góp phần ngăn chặn được tình trạng “chặt chém” hay chèo kéo du khách…
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ

TP. Hồ Chí Minh gấp rút hoàn thiện công tác chuẩn bị cho đại lễ 30/4
