Chậm đổi mới, bảo tàng vẫn chỉ là nơi trưng bày
Việt Nam có 162 bảo tàng, lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử, trong đó 120 hiện vật thuộc nhóm bảo vật quốc gia.
![]() |
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam luôn có những không gian trưng bày hấp dẫn du khách |
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là địa chỉ hàng đầu với nhiều ưu thế vượt trội, từ hiện vật quý hiếm, phong phú; vị trí đắc địa ngay trung tâm Thủ đô; không gian, kiến trúc độc đáo… Nhưng lạ là bảo tàng này lại chưa bao giờ lọt vào danh sách các điểm đến hàng đầu, mà lại là những Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam…
Ngay cả sáng thứ bảy - thời điểm được cho là khá lý tưởng để đón khách đến tham quan, nơi đây cũng vắng khách. 8 giờ sáng bảo tàng mở cửa, nhưng phải hơn một tiếng sau mới có người đến. Trong khi nhìn ra nhiều bảo tàng trên thế giới, khách phải đi sớm để xếp hàng vào tham quan. Mặc dù thời gian qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có nhiều đổi mới trong nghiệp vụ, từ việc thường xuyên tổ chức trưng bày hiện vật theo chuyên đề (hiện đang trưng bày hiện vật quý với chủ đề “Nét vàng son-sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng”) đến việc tham khảo cách làm của các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới, đưa hệ thống máy thuyết minh tự động miễn phí tới du khách, nhưng gần hai tiếng đồng hồ, 11 máy thiết bị thuyết minh tự động không có khách đến mượn; bình quân mỗi ngày bảo tàng chỉ đón khoảng 400 lượt khách.
Vắng vẻ hơn cả phải kể đến Bảo tàng Hà Nội nằm trên phố Phạm Hùng. Sáng Chủ nhật mát mẻ, không gian Bảo tàng rộng thoáng, cây xanh, hoa cảnh khá bắt mắt, nhưng trong khuôn viên rộng lớn này có lẽ nhân viên đếm được từng người khách, dù rằng nơi đây miễn phí vào cửa. Nằm trên đường Nguyễn Thái Học, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô. Tại đây lưu giữ và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu có giá trị, những bằng chứng sinh động về sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam từ xưa đến nay. Mặc dù vậy, lượng khách trung bình mỗi năm của bảo tàng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 50.000 - 60.000 lượt người, trong đó 90% là khách quốc tế.
Tương tự, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh (Yên Nghĩa, Hà Đông) có nhiều hiện vật đặc sắc như: Pháo cao xạ sử dụng trong chiến tranh chống Mỹ, hầm chỉ huy cơ bản đường Trường Sơn, các loại phương tiện vận tải… nhưng luôn trong tình trạng thưa vắng khách. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc trưng bày thiếu thu hút và đa dạng.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Tiến Đạt nhận định, sở dĩ hầu hết các bảo tàng ở Việt Nam chưa thu hút đông đảo du khách vì ánh sáng trong khu trưng bày chưa làm nổi bật được các tác phẩm, việc trình bày thiếu sống động. Còn website của các bảo tàng thì hình ảnh, tư liệu quá ít, thể hiện khô khan, thiếu điểm nhấn. Du khách muốn tìm hiểu một số hiện vật, bảo vật quốc gia thường rất khó tìm kiếm thông tin. Mặt khác, khâu phục vụ, thuyết minh cũng chưa được chu đáo nên du khách không hiểu được hết giá trị, ý nghĩa của các hiện vật.
Rõ ràng, nhu cầu của khách tham quan đến bảo tàng không còn chỉ đơn giản là ngắm nhìn hiện vật quý được trưng bày trong các tủ kính, mà họ muốn được tham gia, thực hành, trải nghiệm nhằm tìm hiểu kiến thức, thông tin. Tuy nhiên, với những yêu cầu này thì hệ thống bảo tàng ở Việt Nam vẫn đang ở “vạch xuất phát”. Trong khi đó, hiện nay mô hình “bảo tàng thông minh” với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ đang là hướng đi mới của nhiều bảo tàng trên thế giới.
Nhưng trong khi hầu hết các bảo tàng đều thưa vắng khách, thì Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) lại nườm nượp du khách, dẫu diện tích hạn hẹp. Trung bình mỗi ngày, bảo tàng này thu hút khoảng 1.000 lượt khách. Khách có thể sử dụng máy thuyết minh tự động với chi phí 30.000 đồng, có 3 thứ tiếng Anh, Pháp và Việt, thuyết minh trong 2 tiếng rưỡi với 57 bài phong phú các chủ đề về hôn nhân, cuộc sống gia đình… Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân bật mí, bên cạnh trưng bày thường xuyên, các bảo tàng cần đầu tư cho trưng bày chuyên đề với những kịch bản riêng, đề cao tính tương tác, khơi gợi tìm tòi, suy nghĩ từ công chúng. Khi đó, bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật, mà trở thành nơi phản biện xã hội, thu hút sự quan tâm, suy ngẫm của người xem.
Còn PGS.TS. Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học chia sẻ kinh nghiệm: Việc lồng ghép tương tác, trải nghiệm trong trưng bày giúp công chúng thu nhận thông tin hiện vật một cách chủ động và hiệu quả. Với những bảo tàng có các hoạt động tương tác, trải nghiệm độc đáo, mới lạ sẽ thu hút đông đảo công chúng đến tham quan. Để có được hiệu quả đó, những người làm công tác trưng bày bảo tàng cần nghiên cứu nội dung, lập kế hoạch trưng bày ngắn hạn, dài hạn, tạm thời. Đồng thời, họ cần tiếp cận, thay đổi cách thức trưng bày từ tĩnh sang động, kết hợp với công nghệ số, lồng ghép với các hoạt động trải nghiệm để thu hút khách tham quan.
Trước thực trạng này, vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã có công văn gửi các bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội ở TW và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW về việc định hướng hoạt động bảo tàng. Một trong số đó là xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”.
Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là bước tạo đà, còn triển khai ra sao là ở chính các bảo tàng. Hiện đang tồn tại một nghịch lý với các bảo tàng là nơi thì đang chật vật vì lượng khách đến thăm quá đông, nơi lại quá vắng khách. Đơn cử, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam dù rất muốn phát triển, gắn kết với du lịch nhưng đơn vị này lại “sợ” quá đông khách tham quan vì chỉ có khuôn viên có 300m2, một lượt phục vụ tối đa chỉ được 30 người. Còn Bảo tàng đường Hồ Chí Minh ở xa trung tâm, gắn kết du lịch khó khăn nên thường xuyên “vắng như chùa bà Đanh”. Vì vậy, với mỗi đặc trưng khác nhau, cần có định hướng, đổi mới, nâng cao chất lượng phù hợp để tránh bị tụt hậu.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
