Cảnh báo tội phạm giả danh chiếm đoạt tiền từ tài khoản
![]() |
Nhiều thủ đoạn lừa đảo không mới
Anh Hoàng Sơn, một khách hàng của VPBank, cho biết mới đây, anh bất ngờ nhận được thông báo dưới dạng email của ngân hàng, yêu cầu anh phải nhập lại thông tin cá nhân kể cả số thẻ, ngày hết hạn và CVV...
Tuy nhiên, nhận thấy có nhiều điểm đáng nghi, anh đã liên lạc lại với tổng đài chăm sóc khách hàng của VPBank và được biết không có bất cứ một yêu cầu nào về việc cung cấp những thông tin trên từ phía ngân hàng.
Mặc dù trường hợp của anh Sơn không phải là “chiêu” lừa đảo mới, khách hàng cẩn trọng và chưa bị “sập bẫy”, nhưng cùng với nhiều vụ việc tương tự, nó cho thấy hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tiền tài khoản ngân hàng của khách hàng có dấu hiệu quay trở lại.
Trước đó, vào dịp cuối tháng 7/2018, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết thời gian gần đây, nhiều cán bộ, công chức và người dân trên ở TP. Hạ Long bị kẻ lạ giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện đe dọa, yêu cầu cung cấp các thông tin bí mật cá nhân… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn mới.
Đại úy Nguyễn Hoa Lương, Phó Đội trưởng, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh cho biết: “Để làm người nghe tin, chúng sử dụng ngôn ngữ điều tra của công an, tạo bối cảnh gọi báo Tổng đài Tổng cục cảnh sát để thông tin về vụ án. Bằng hình thức giả danh như trên, tội phạm sẽ chiếm đoạt thông tin cá nhân của người nghe điện thoại, có thể sử dụng để làm giấy tờ ngân hàng, mở thẻ tài khoản… từ tên người cung cấp thông tin”.
Nghiêm trong hơn, vào tháng 5/2018 vừa qua, một loạt các website giả danh trang của Vietcombank yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản và thẻ thanh toán.
Nhằm mục đích bảo vệ thông tin cá nhân và các thông tin giao dịch tài chính ngân hàng, phòng tránh và hạn chế tối đa rủi ro nếu kẻ gian thực hiện các hành vi gian lận, Vietcombank đã đưa ra thông báo đến khách hàng danh sách các trang điện tử (website) giả mạo, có tên miền gần giống trang điện tử của Vietcombank...
Ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng lưu ý chỉ giao dịch và sử dụng các dịch vụ tại trang website chính thức và duy nhất của Vietcombank tại địa chỉ www.vietcombank.com.vn.
Đồng thời, khách hàng cũng như đọc kỹ hướng dẫn giao dịch an toàn luôn được đăng tải trên website Vietcombank; tích cực chia sẻ rộng rãi thông tin để bạn bè và người thân cảnh giác để không bị lừa đảo bởi những hình thức giả mạo đang có xu hướng gia tăng.
Nhận diện chiêu thức và phòng tránh
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) lưu ý khách hàng một số thủ đoạn, cách thức lừa đảo của kẻ gian lợi dụng lòng tin của khách hàng để chiếm đoạt tài sản.
Chẳng hạn, kẻ gian giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin cho khách hàng từ số điện thoại lạ hoặc nhắn tin qua Facebook, Zalo, Viber… để chào mời dịch vụ hấp dẫn để lừa khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật (mã token, OTP, thông tin thẻ, số thẻ, tài khoản…).
Hoặc, đối tượng thông báo có người chuyển tiền tới tài khoản của khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự chủ quan để lừa khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật (mã token, OTP, thông tin thẻ, số thẻ, tài khoản…).
Một số thủ đoạn khác là giả danh cán bộ điều tra, cán bộ công an đề nghị cung cấp thông tin bảo mật để hỗ trợ điều tra, đề nghị chuyển tiền, nộp phí, thanh toán nợ.
Sau khi gọi điện, nhắn tin, kẻ gian sẽ thông qua các ứng dụng trên mạng, qua website giả mạo và gửi các đường link chứa mã độc tới khách hàng để tiếp tục lấy các thông tin bảo mật; hoặc có thể yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, bảo mật để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Khách hàng chỉ nhận ra bị lừa khi tiền trong tài khoản mất đi.
Cho nên, khách hàng cũng cần có những kiến thức để tự bảo vệ thông tin tài khoản của mình với những điều tuyệt đối không được vấp phải như sau: Tuyệt đối không truy cập các trang web không đáng tin cậy, hoặc nhấp vào bất kỳ đường dẫn nào yêu cầu cung cấp/cập nhật thông tin cá nhân và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử, bao gồm: tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP.
Đặc biệt phải tuyệt đối bảo mật mã OTP, không cung cấp cho bất kỳ ai và bằng bất kỳ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp…) vì mã OTP chỉ được xác thực trong các trường hợp khách hàng là người trực tiếp và chủ động thực hiện các giao dịch: chuyển khoản, thanh toán trực tuyến, thay đổi thông tin.
Chủ động áp dụng một số phương pháp xác thực người đang trao đổi qua mạng xã hội để nhận diện nguy cơ lừa đảo, ví dụ như liên hệ trực tiếp với người thân để xác thực các nội dung trao đổi trước đó; kiểm tra thông tin với tổng đài chăm sóc khách hàng của đơn vị chuyển tiền quốc tế đang được chỉ định chuyển tiền.
Trường hợp nếu lỡ cung cấp các thông tin nhạy cảm hoặc cảm thấy có nguy cơ bị tấn công tài khoản, cần ngay lập tức thay đổi mật khẩu hoặc các thông tin bảo mật, đồng thời thông báo tới phòng dịch vụ khách hàng của các ngân hàng để vô hiệu hóa tài khoản ngân hàng điện tử.
Khách hàng cần lưu ý, các ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, cũng như các thông tin bảo mật dịch vụ gồm tên đăng nhập, mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử, mã OTP dưới bất kỳ hình thức nào.
Vietcombank cũng khuyến cáo, trường hợp khách hàng nhận được cuộc gọi mà kẻ gian nhận là cán bộ tòa án gọi điện thông báo khởi kiện do chưa thanh toán số nợ trong thẻ Visa thì tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (tên, địa chỉ, ngày sinh, số CMND, số thẻ, số tài khoản, tên truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử qua internet, mobile…).
Khách hàng cũng cần cảnh giác trước những thủ đoạn gửi mail, tin nhắn yêu cầu khách hàng chuyển tiền, nạp tiền vào số điện thoại chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng.
Đồng thời, Vietcombank cũng khuyến nghị khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến của Vietcombank tuyệt đối không thực hiện gián tiếp thông qua các đường link nhận được từ email, tin nhắn hoặc trên trang web nào đó tạo ra mà phải truy cập trực tiếp vào trang chủ của Vietcombank.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
