Cần xử lý nghiêm nạn “chặt chém”
Trước đó, chị Nguyễn Thị Diệp Thy, một du khách từ TP. Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng đi du lịch, sau đó du khách này có đến quán Đỉnh Khôi gần vòng xoay Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp mua cơm xào hải sản. Khi tính tiền, nhân viên của quán chốt giá 400 nghìn đồng cho 2 hộp cơm.
Thấy du khách phản ứng, chủ quán này đã giải thích do cơm có nhiều hải sản và không chịu xuất hóa đơn. Tuy nhiên, theo người mua, hộp cơm chỉ có vài lát mực, chứ không có nhiều hải sản như lời của chủ quán…
![]() |
Vấn nạn “chặt chém” đang ảnh hưởng đến thương hiệu của du lịch Đà Nẵng |
Liên quan đến vụ việc, theo ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà, cơ quan chức năng của địa phương đã tiến hành kiểm tra và thấy rằng quán ăn Đỉnh Khôi có niêm yết giá. Việc bán hộp cơm xào hải sản với giá 200 nghìn đồng/hộp là đúng với giá niêm yết. Tuy nhiên, quán ăn Đỉnh Khôi bán một hộp cơm hải sản với giá như vậy là quá đắt.
Vì thế, UBND quận Sơn Trà đã chỉ đạo Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ mời chủ hộ kinh doanh lên làm việc và xử lý, quyết không để tồn tại việc kinh doanh phục vụ du lịch với giá đắt đỏ như vậy.
Tương tự, theo ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin và Du lịch TP. Đà Nẵng, sau khi có thông tin về vụ việc, Sở Văn hoá - Thông tin và Du lịch thành phố đã đến kiểm tra và phát hiện đúng là quán Đỉnh Khôi có bán cơm xào giá 200 nghìn đồng/hộp. Sau khi kiểm tra thì quán có niêm yết giá cơm đúng với giá bán.
Tuy nhiên, giá một hộp cơm 200 nghìn đồng/hộp, theo ông Cường khẳng định là quá cao. Xung quanh vụ việc này, nhiều người cho rằng do chủ quán đã niêm yết giá, khách hàng đã đồng ý mua nên ngành chức năng chỉ thực hiện được việc nhắc nhở, tuyên truyền chứ khó để đưa ra chế tài xử lý. Tuy nhiên, dù sao đi nữa việc hộp cơm hải sản được “treo giá” đến 200 nghìn đồng/hộp, ít nhiều đã ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của du lịch TP. Đà Nẵng.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn xuất hiện những điểm trông giữ xe tự phát, trái phép với giá 10 nghìn đồng/xe máy dưới lòng đường Bạch Đằng, đường 2-9 đoạn cạnh cầu Rồng. Điều đáng nói là theo phản ánh của lực lượng bảo vệ dân phố, các đối tượng trông giữ xe trái phép là người từ địa phương khác đến, thậm chí còn hăm dọa lực lượng bảo vệ dân phố khi được nhắc nhở.
Trước đó, các vụ việc như “tính nhầm hoá đơn”, giá tôm hùm lên tới 3,5 triệu đồng/kg, tôm tít 2,2 triệu đồng/kg, cua gạch 1 triệu đồng/kg, ép khách du lịch phải vào mua hàng tại một số cơ sở kinh doanh… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu du lịch của thành phố bên bờ sông Hàn.
Ông Nguyễn Văn Định, một du khách đến từ TP. Vinh (Nghệ An) cho rằng, mặc dù có niêm yết giá, nhưng tại một số quán hải sản ven đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp vẫn có giá cao đến mức bất hợp lý, đặc biệt trong các ngày lễ tết sẽ ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch Đà Nẵng đối với du khách cả trong và ngoài nước, đặc biệt tại một địa phương như Đà Nẵng, trong nhiều năm qua đã xây dựng được cho mình một hình ảnh thân thiện, hấp dẫn, an toàn đối với khách du lịch thập phương.
Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 vừa qua, TP. Đà Nẵng đón lượng khách du lịch tương đối cao, do thời tiết thuận lợi, kỳ nghỉ kéo dài… Theo đó, trong dịp này, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch đến thành phố đạt 222.108 lượt, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong đó, khách quốc tế 79.233 lượt khách tăng 16,7%, khách nội địa 142.875 lượt khách, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Thành phố đã đón 175 chuyến bay, đưa 18.870 lượt khách đến Đà Nẵng, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo ông Trần Chí Cường, để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút du khách. Phần lớn các khách sạn đều có các chương trình khuyến mãi và tổ chức các hoạt động chào đón năm mới, tạo không khí sôi động, hấp dẫn du khách...
Tuy nhiên, trong nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch cũng như chính quyền lẫn người dân địa phương… thì vụ việc hộp cơm có giá 200 nghìn đồng/hộp đã khiến du lịch Đà Nẵng “mất điểm”, trong mắt nhiều du khách, những “hạt sạn” đã khiến nhiều nỗ lực đã trở thành công cốc. Mặc dù, vẫn biết chuyện “chặt chém” du khách đầu xuân năm mới ở các điểm du lịch không còn là chuyện mới mẻ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, những câu chuyện này lại xảy ra ở Đà Nẵng, một thành phố được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, thiên đường nghỉ dưỡng đã và đang khiến nhiều người bất bình. Hiện, dư luận đang mong muốn cơ quan chức năng ở Đà Nẵng vào cuộc quyết liệt để bảo vệ du khách cũng như uy tín, thương hiệu của du lịch địa phương.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ

TP. Hồ Chí Minh gấp rút hoàn thiện công tác chuẩn bị cho đại lễ 30/4
