Cẩn trọng với mua, bán online trong mùa dịch
Lợi dụng “bão dịch” để lừa đảo
Trong thời gian giãn cách xã hội ở các địa phương như hiện nay, việc mua bán online cũng có dịp “lên ngôi”. Do hạn chế tiếp xúc, điều kiện đi lại khó khăn, nhiều người tiêu dùng đã lên mạng để đặt mua các sản phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, lợi dụng điều này không ít đối tượng làm ăn bất chính, dùng đủ “chiêu” để lừa đảo.
Trong rất nhiều kiểu lừa đảo trên mạng như hiện nay, phổ biến nhất phải kể đến tình trạng các đối tượng đã sử dụng các số điện thoại không rõ nguồn gốc, sim rác giả mua bán hàng online, yêu cầu chuyển tiền trước rồi chiếm đoạt… Mới đây, Công an TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã nhận được hồ sơ tố cáo của các nạn nhân, khai báo về việc mình bị lừa đảo khi đặt mua hàng tại các trang facebook có tên: Rau hữu cơ Đà Lạt, Rau hữu cơ-hoa Đà Lạt… mà tài khoản nhận tiền là Cao Thị Mỹ Linh, trú tại TP. Đà Lạt.
![]() |
Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác khi mua bán online |
Theo chị, Phạm Thúy Vân, trú tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), khi chị vào trang Rau hữu cơ-hoa Đà Lạt để tìm hiểu thông tin. Sau khi nhắn tin qua messenger, ngay lập tức trang này có phản hồi giới thiệu và chào giá các mặt hàng rau củ quả cho chị Vân. Người có tên là Cao Thị Mỹ Linh đã gửi cho nạn nhân ảnh chụp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sổ hộ khẩu đi kèm các mặt hàng, nguồn hàng, quy cách đóng gói rất chuyên nghiệp. Tin vào trang này là chỗ làm ăn uy tín, bởi có đến hàng ngàn thành viên nên chị Vân đã đặt mua hàng, với giá trị đơn hàng hơn 2 triệu đồng. Sau đó, chị Vân đã được hẹn giao hàng vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, đợi mãi không nhận được hàng, chị Vân gọi lại vào số điện thoại của người bán thì không liên lạc được. Khi nạn nhân vào lại facebook Rau hữu cơ-hoa Đà Lạt thì bị người dùng chặn.
Tương tự, mới đây Công an TP. Đà Nẵng cũng đã nhận được thông tin về việc xuất hiện tình trạng giả shipper lừa đảo nhận đơn đặt mua thực phẩm của người dân qua điện thoại. Qua xác minh xác định hai trường hợp là shipper giả lừa đảo trên mạng xã hội một đối tượng ở Ninh Bình. Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng, cho biết công an thành phố đã xác minh 2 trường hợp là shipper giả lừa đảo trên mạng xã hội. Hiện, công an thành phố đang phối hợp với các địa phương để đấu tranh làm rõ hành vi lừa đảo của những đối tượng này. Trước đó, Công an TP. Hồ Chí Minh cũng phải khuyến cáo người dân lưu ý một số thủ đoạn mà các đối tượng thường xuyên sử dụng, khi mua bán giao dịch online, cũng như nhiều cách thức mua bán hàng khác trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay.
“Thượng đế” cần cảnh giác
Trên thực tế hiện nay, không riêng tại Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh mà ở nhiều địa phương trong cả nước, lợi dụng việc các hoạt động mua sắm trực tuyến gia tăng trong thời điểm dịch Covid-19, các đối tượng tội phạm mạng đã triệt để sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình trên, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã phải phát đi văn bản cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo thông qua việc mua, bán hàng online bằng số điện thoại không rõ nguồn gốc của một số đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người dân. Trong bối cảnh thành phố đang tập trung cao độ để phòng chống, dịch Covid-19, các cơ quan chức năng địa phương đã tiếp nhận thông tin một số đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người dân thông qua việc mua, bán hàng online bằng các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội... đang gây bức xúc cho nhiều người.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng này, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp thông tin, tuyên truyền đến người dân chỉ đặt hàng qua các kênh Hotline/Zalo/Facebook của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa, qua shipper công nghệ; không mua bán hàng hóa thông qua các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, đề nghị các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, đơn vị phân phối, cung ứng hàng hoá trên địa bàn thành phố quản lý chặt chẽ và yêu cầu đội ngũ nhân viên giao nhận hàng hóa của đơn vị mình phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và các quy định trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần tự nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để tự bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo. Theo Cục Cạnh tranh - Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thời gian gần đây, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 và hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng của cơ quan này đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng thương mại điện tử.
Nâng cao cảnh giác, người dùng không chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo, xâm hại người tiêu dùng. Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các review đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình. Đặc biệt, nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, các sàn đã được cơ quan chức năng cấp chứng nhận, cho phép hoạt động... Người dân tuyệt đối không mua bán hàng hóa qua các số điện thoại không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
