Cần đặt hàng đúng cách để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị
![]() |
Xin ông cho biết quan điểm của mình về cơ hội và thách thức của các cơ quan báo chí trong vòng xoáy chuyển đổi số, kinh tế số hiện nay?
Những năm gần đây, chuyển đổi số diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, và báo chí không ngoại lệ. Kỷ nguyên số, chuyển đổi số đem lại nhiều cơ hội và cùng không ít thách thức đối với hoạt động báo chí. Tôi nghĩ, cơ hội và thách thức không biệt lập mà đan xen nhau, vì thế không nên tách rời cơ hội với thách thức, bởi vì trong cơ hội có thách thức và ngược lại.
Cơ hội lớn nhất đối với báo chí, theo tôi, đó là chúng ta sử dụng công nghệ truyền thông mới không chỉ là để dưa các nội dung, các sản phẩm báo chí lên các nền tảng số mà nội dung và công nghệ gắn với nhau trong qua trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Xây dựng toà soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện, đa nền tảng không thể tách rời chuyển đổi số. Chuyển đổi số chính là xương sống cho tiến trình này.
Sự vượt trội của mạng xã hội, của các nền tảng số chính là tốc độ và sự kết nối – tốc độ siêu nhanh và kết nối không giới hạn. Nếu xét trên khía cạnh này, rõ ràng báo chí truyền thống hầu như không thể cạnh tranh được. Vậy báo chí sống bằng gì, tồn tại bằng cách gì? Theo tôi, đó chính là độ tin cậy, sức thuyết phục, được thể hiện bằng tính chính xác của thông tin, khả năng lột tả được bản chất của vấn đề, mức độ ảnh hưởng, tác động của thông tin có ích đối với xã hội. Báo chí trí tuệ trong thời đại số hoá có thể phân tích và đưa ra được giải pháp cho các vấn đề ấy.
Điều này càng trở nên quan trọng và ý nghĩa hơn khi người đọc đã quá mệt mỏi với các thông tin hỗn loạn, thiếu độ kiểm chứng ở trên mạng xã hội, cần những thông tin chính xác, độ tin cậy cao. Chỉ có báo chí, với trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo mới có thể tạo ra sự tin cậy và sức thuyết phục đó. Đấy cũng chính là thế mạnh vượt trội của báo chí so với mạng xã hội.
Ông vừa đề cập đến nội dung và công nghệ, vậy theo ông, đối với báo chí trong thời đại số hoá, yếu tố nào quan trọng hơn?
Trong thời đại số, phải có cả hai yếu tố: nội dung và công nghệ. Tôi muốn nhấn mạnh, báo chí truyền thống có giá trị cốt lõi rất đáng tự hào. Không bao giờ để mất giá trị cốt lõi đó trong thời đại số. Nhưng báo chí truyền thống có một nhược điểm là chậm nhạy bén với cái mới và với công nghệ truyền thông mới. Nên khả năng lan toả sẽ bị hạn chế, dẫn đến hiệu ứng với xã hội cũng không cao.
Rõ ràng, công nghệ là yếu tố không thể thiếu. Nhưng nếu nhấn mạnh quá mức đến công nghệ, coi công nghệ là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề của báo chí trong thời đại số là không phù hợp. Không thể nào dùng công nghệ để che lấp sự kém cỏi, thiếu vắng, sự hẫng hụt, thiếu tính trách nhiệm trong việc sản xuất nội dung.
Cho nên, báo chí phải đi bằng hai chân: nội dung và công nghệ. Nói song hành là chưa đủ, phải kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn với nhau chứ không chỉ là song hành. Người làm nội dung và người làm công nghệ không thể tách rời nhau. Thậm chí trong một ekip làm việc, như một số cơ quan báo chí các nước đã làm, cứ ba người làm nội dung thì có một người làm công nghệ.
Còn nếu cá nhân một người làm báo cần phải vươn tới vừa làm nội dung vừa làm công nghệ. Tức là một người có thể lên khuôn, dựng bài, có thể làm các dạng Longform, E-magazine, Mega Story... Thậm chí làm báo trên điện thoại di động, từ viết tin bài, ghi âm, chụp ảnh, quay phim, dựng video... Nói chung là một dạng “tòa soạn hội tụ” có thể ở ngay trên điện thoại di động.
Gần đây, người ta nói đến nhiều đến AI là trí tuệ nhân tạo. Và hiện đang tồn tại hai xu hướng: Hoặc là háo hức hoặc là hoảng sợ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đó là những điều có trong diễn biến tâm lý hiện nay của xã hội nói chung, trong đó có của người làm báo. Vấn đề là phải biết bản thân mình cần cái gì và giải quyết cái cần đó như thế nào. Trí tuệ nhân tạo rất tốt, chuyển đổi số rất tốt, nhưng cái đó phải xuất phát từ tình hình thực tế của Việt Nam nói chung và của từng cơ quan báo chí nói riêng. Nhu cầu này, tốc độ này, tiến trình này không giống, không có mẫu số chung, không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí ở Việt Nam.
Báo chí nằm trong không gian chung chuyển đổi số và sử dụng AI của Việt Nam. Vậy để sát với thực tế ở Việt Nam, theo tôi, báo chí không được trì trệ nhưng cũng không nên hoảng hốt, mà cần điềm tĩnh, tự chủ để tìm sự vận dụng cho phù hợp với thực tế của từng toà soạn.
AI rồi sẽ trở nên phổ biến trong xã hội, trong báo chí. Nó có thể hỗ trợ, thay thao tác phóng viên ở một số công đoạn, nhưng không thay thế được hoàn toàn con người, không làm chủ được con người. Bởi AI không có cảm xúc, không có lý tưởng và cũng không có đạo đức. AI không đi sâu được vào trong tâm khảm, tâm lý, tâm trạng và rung cảm của con người để biết được thực sự con người đang cần gì, đang muốn gì. Những thứ đó chỉ có ở con người bằng xương, bằng thịt. Từ đó, có thể đi đến nhận định chung: AI rất tốt, rất siêu việt nhưng vẫn chỉ là sản phẩm của con người và con người phải làm chủ nó!
Bộ Thông tin & Truyền thông từng đưa ra nhận định, chưa bao giờ nguồn thu của các cơ quan báo chí đang bị tác động mạnh như bây giờ. Theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Hiện không nhiều các cơ quan báo chí có thể tự chủ được hoàn toàn về tài chính. Chỉ một số cơ quan báo chí lớn, chủ lực, được Nhà nước cấp kinh phí từ ngân sách, và hệ thống báo của một số các bộ, ngành, báo Đảng ở địa phương được cung cấp một phần kinh phí để duy trì hoạt động của tòa soạn. Còn nói chung, nhiều cơ quan báo chí đang gặp khó khăn về nguồn thu, mất cân đối thu chi.
Nguồn thu của báo chí đến từ 3 nguồn chính: 1. Thu từ phát hành đối với báo và tạp chí in; 2. Thu từ quảng cáo và hợp đồng truyền thông thông qua lượng truy cập đối với báo điện tử; 3. Thu từ tổ chức sự kiện, hay một số báo lập được công ty và tổ chức các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu của các cơ quan báo chí. Nhiều thống kê đã chỉ ra, các nền tảng này đã chiếm khoảng 80% doanh thu quảng cáo trực tuyến . Đây là một thách thức không hề nhỏ đối với báo chí trong nước.
Hiện, nhiều đơn vị báo chí đang gặp vấn đề trong việc cân đối thu chi trong hoạt động. Nguồn thu từ quảng cáo suy giảm và câu chuyện khó khăn trong tự chủ tài chính là những vấn đề có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới khả năng hoạt động ổn định và thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhiều cơ quan báo chí, nếu không sớm tìm ra cách thức giải quyết triệt để.
Vậy theo ông, cần có những giải pháp nào để các cơ quan báo chí tăng sức cạnh tranh, đảm bảo tôn chỉ mục đích trong hoạt động vừa có nguồn thu, phát triển bền vững trong vòng xoáy kinh tế hiện nay?
Trước hết, các cơ quan báo chí phải tạo ra được sản phẩm có chất lượng để hấp dẫn bạn đọc. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử cần xây dựng nền tảng thu phí ngay từ đầu. Hiện các cơ quan báo chí đang có những bước đi chưa phù hợp, đa phần bỏ qua việc thu phí đối với người đọc khi đưa nội dung lên nền tảng số, mạng xã hội. Nếu vẫn tiếp tục miễn thu phí nội dung thì sẽ là một sai lầm có tính chiến lược. Vì làm như vậy, báo điện tử sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt độc giả, đồng thời mất một nguồn doanh thu đáng kể về lâu dài.
Hiện mới chỉ có một số tòa soạn thực hiện thu phí nội dung ở trên báo điện tử, nhưng con số này vẫn còn quá lẻ loi. Việc trả phí nội dung từ người đọc cần phải trở thành xu thế, các sản phẩm báo chí phải trả tiền thì báo chí mới phát triển bền vững. Báo chí phải sống được bằng sản phẩm có chất lượng, nhà báo phải sống được bằng cách làm nghề chân chính của mình.
Ở góc độ khác, các cơ quan chủ quản cần phải dành kinh phí để đặt hàng các cơ quan báo chí. Kinh phí đó phải đủ để các cơ quan báo chí có thể tự trang trải cho hoạt động báo chí của mình, vừa đáp ứng tôn chỉ mục đích, lại có thể tự chủ và tăng sức cạnh tranh. Bản sắc của tờ báo cần bắt đầu từ chính tôn chỉ mục đích gắn với bản lĩnh và phương thức thể hiện.
Và đứng ở góc độ vĩ mô, rất nên có một đề án ở cấp Quốc gia về kinh tế báo chí. Đồng thời, cần tạo một hành lang pháp lý vừa rộng mở, vừa chặt chẽ cho cơ quan báo chí thông qua Luật Báo chí theo hướng tăng quyền tự chủ cho báo chí. Luật mới và đề án kinh tế báo chí cũng cần giúp giải quyết vấn đề đặt hàng báo chí. Theo tôi, cần nhìn rộng ra về vấn đề này, cơ quan chủ quản đặt hàng báo chí để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Báo chí phản ánh các hoạt động, truyền thông chính sách của một ngành hay tổ chức cần có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện. Thông qua hoạt động đặt hàng, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, góp phần tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội thì xứng đáng nhận được các khoản hỗ trợ để hoạt động ổn định. Đặt hàng báo chí đúng hướng sẽ góp phần giúp cơ quan báo chí vừa thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, vừa có kinh phí để duy trì hoạt động, vừa giúp cơ quan báo chí thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Việt Nam cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ hơn bằng các quy định pháp luật yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đang hoạt động phải trả phí khi sử dụng, chia sẻ thông tin của báo chí. Theo tôi, điều này rất cần cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc mạnh mẽ hơn và sớm tìm ra lộ trình và giải pháp phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
