Bác sĩ rởm
Xe ôm trở thành… bác sĩ
Gần đây, trên địa bàn Thừa Thiên - Huế liên tiếp xuất hiện hiện tượng giả danh bác sĩ để trục lợi. Thậm chí, có những đối tượng hành nghề xe ôm cũng giả danh thành lương y có uy tín rồi khám bệnh, kê đơn bốc thuốc bán cho người dân. Vấn nạn này đã để lại những hệ lụy nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người.
![]() |
Để tránh bị lừa, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có uy tín |
Ông Nguyễn Đình Hạp, trú TP. Huế (Thừa Thiên - Huế) vốn hành nghề xe ôm trước cổng các bệnh viện. Thế nhưng, ông ta đã liều lĩnh giả danh một lương y có uy tín để khám bệnh, kê đơn bốc thuốc bán cho người dân, bất chấp những hậu quả.
Khi bị quần chúng phát hiện, tố giác công an và thanh tra Sở Y tế Thừa Thiên - Huế đã vào cuộc điều tra. Tại nhà riêng của ông Hạp, lực lượng chức năng thu giữ 113 hũ thuốc bắc, được chuẩn bị sẵn để bán cho người bệnh. Tại thời điểm kiểm tra, “lương y” Nguyễn Đình Hạp không xuất trình được bất kỳ giấy phép, bằng cấp chứng chỉ để hoạt động ngành y, ngoại trừ một giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lại mang tên của một người khác nhưng cũng đã hết hạn sử dụng.
Trong số nạn nhân của bác sĩ rởm này có ông Võ T., trú tại huyện Phú Ninh (Quảng Nam). Theo lời kể của ông T. ông được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam chẩn đoán mắc bệnh ung bướu. Lo lắng cho bệnh tật của mình, ông bắt xe đò ra Bệnh viện Trung ương Huế để khám chữa bệnh.
Trong thời gian điều trị tại TP. Huế, ông T. tình cờ được một người xe ôm giới thiệu đến phòng khám của ông Nguyễn Đình Hạp, với lời cam kết “không chữa lành bệnh không lấy tiền”. Tại phòng khám chui này, ông T. đã mua 12 hộp, chứa các viên thuốc vo tròn màu đen, với giá 7,2 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi uống thuốc bệnh tình của nạn nhân không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng thêm.
Tương tự, cũng từ xe ôm bỗng trở thành bác sĩ còn có ông Huỳnh Thất, cùng trú tại Thừa Thiên - Huế. Mặc dù, chưa một ngày ngồi trên ghế trường y nhưng ông ta cũng thành lập phòng khám riêng, ngang nhiên bốc thuốc chữa bệnh.
Đặc biệt, tinh vi vị bác sĩ rởm này còn móc nối với cánh xe ôm, túc trực tại cổng các bệnh viện lớn trên địa bàn Thừa Thiên - Huế như, Bệnh viện Đại học y dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế và các bến xe, ga tàu... tìm cách mồi chài, lôi kéo bệnh nhân đến phòng khám của mình. Sau mỗi phi vụ lôi kéo như vậy, các xe ôm sẽ được trích “hoa hồng” lên đến từ 30 - 40% tổng số tiền khám, lấy thuốc của các nạn nhân.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Hoạt động trong một thời gian dài, các bác sĩ rởm như Nguyễn Đình Hạp, Huỳnh Thất đã khiến nhiều nạn nhân điêu đứng, khi tiền mất, tật mang, thậm chí có trường hợp bệnh tình còn nặng hơn… Bệnh nhân của các đối tượng chủ yếu là những nạn nhân nghèo, đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Điều đáng nói các đối tượng giả danh bác sĩ như Nguyễn Đình Hạp, Huỳnh Thất, từng bị cơ quan chức năng xử phạt, nhưng vì hám lợi nên vẫn chứng nào, tật nấy. Theo ông Trần Đình Oanh, Chánh thanh tra Sở Y tế Thừa Thiên - Huế, đối tượng Huỳnh Thất hoàn toàn là người không có bằng cấp về y tế, tuy nhiên vẫn tiến hành khám chữa bệnh.
Trước đó, vào năm 2012 cơ quan chức năng đã từng lập biên bản xử lý 25 triệu đồng, nhưng ông Thất vẫn ngoan cố tiếp tục vi phạm, cấu kết với cánh xe ôm, không có lương tâm lừa đảo những người bệnh chủ yếu ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh…
Theo đó, khi các bệnh nhân đã đến những cơ sở có uy tín để khám chữa bệnh, nhưng các đối tượng “cò” vẫn tìm cách móc nối, rủ rê về phòng khám chui của ông Huỳnh Thất. Với những sai phạm liên tiếp, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Thất 95 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc là việc các đối tượng ngang nhiên mạo danh bác sĩ để trục lợi diễn ra công khai trong một thời gian dài, nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp “mạnh tay” để xử lý, ngăn chặn. Hành vi trái pháp luật, vi phạm đạo đức, coi thường sức khỏe, tính mạng của những người tự xưng y bác sĩ, tự lập phòng khám vẫn chưa được xử lý dứt điểm, mà chỉ xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, thiếu sự răn đe.
Đặc biệt, hành vi giả danh bác sĩ không chỉ để lại hậu quả là tiền mất, bệnh không khỏi mà còn nguy hiểm đến tính mạng; Ảnh hưởng đến uy tín, y đức của ngành y… Do vậy, để tự bảo vệ mình, người dân cần đến các cơ sở khám bệnh có uy tín, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác với những lời mời chào ở các cổng bệnh viện hay bến xe… Có như vậy mới tránh sập bẫy của các bác sĩ rởm.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
