Anh thương binh hơn 20 năm chữa bệnh cho người nghèo
![]() | Về nơi một thời hoa lửa |
![]() | Sau nửa thế kỷ làm “liệt sĩ" |
Từ những mất mát cá nhân
Sinh ra trong một gia đình quê gốc ở Nam Định có đến 3 đời làm nghề bốc thuốc nam, ngay từ bé, ông Đỗ Viết Sót đã được các cụ thân sinh truyền nghề để cứu người. Dường như, ngay từ thuở bé những bài thuốc nam đã ăn sâu vào từng mạch máu của ông Sót bởi ông được tiếp xúc với những bài thuốc, sự chỉ dạy của người thân trong gia đình thường xuyên.
![]() |
Vợ chồng ông Đỗ Viết Sót |
Tuy nhiên, năm 19 tuổi (1974), tạm gác việc học nghề gia truyền, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Sót nhập ngũ cùng đồng chí, đồng đội thuộc đơn vị E1 - Quân đoàn 4 chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, ông tham gia tiếp quản Sài Gòn và chính trong những ngày ở lại thành phố được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông này, ông đã học được các phương pháp bấm huyệt.
Học xong, chưa kịp “hành nghề”, ông đã lại được đơn vị điều động tham gia chiến dịch phản công biên giới Tây - Nam nhằm chặn đứng các hoạt động quân sự của quân Khmer Đỏ tấn công vào lãnh thổ Việt Nam. Song cuộc đời binh nghiệp của ông xảy ra biến cố, bởi trong một lần cùng 2 đồng đội đi tuần ở Bến Sỏi (Tây Ninh), ông đã vấp phải mìn của kẻ địch, khiến chân trái bị phá nát, phải cắt bỏ 1/3.
Thời điểm ấy ông tưởng đã “gục lên súng mũ bỏ quên đời”, ấy thế mà đồng đội đã nhanh chóng đưa ông đi cấp cứu, thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Cũng vì thương tích này nên sau khi xuất viện, anh lính trẻ mang quân hàm trung sĩ Đỗ Viết Sót khi ấy đã được phục viên ra Bắc.
Trở về quê với chiếc chân giả bước thấp bước cao, ông Sót tiếp tục phụ giúp cha mẹ về nghề thuốc nam và lập gia đình. Sinh được 4 mặt con thì các cụ thân sinh lần lượt quá cố, vợ chồng ông chưa biết phải làm gì ngoài nông nghiệp thì người con thứ 4 bị bệnh qua đời khi chưa đầy 10 tuổi. Không lâu sau nỗi đau mất mát con cái, vợ chồng ông tiếp tục đối diện với khó khăn khi người con thứ 3 bị ngã gãy tay.
Dù cách thành phố chỉ 15km, nhưng vì ở nơi hẻo lánh, đường sá, giao thông đi lại khó khăn, nhà lại nghèo nên vợ chồng ông phải tự xoay xở mọi cách để cứu con. “Trong lúc bế tắc, bỗng nhiên “bệnh nghề nghiệp” của tôi trỗi dậy, thế là tôi tự khám, rồi bấm huyệt, bốc thuốc cho con và thật sung sướng khi con tôi đã lành bệnh”, ông Sót nở nụ cười hiền trên môi chia sẻ.
Sau ca “cấp cứu” cho chính con của mình, ông Sót không muốn “sống trong sợ hãi” thêm một lần nào nữa nên đã không ngại băng rừng, vượt núi tìm cây thuốc về dự trữ. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, ông biến nhà mình thành “kho thuốc nam”, để hễ ai trong gia đình trái gió trở trời hoặc hàng xóm đau ốm, sẵn thuốc đó ông bốc, kết hợp với các phương pháp bấm huyệt để chữa trị cho mọi người.
Tình yêu với ngành y trong ông Sót cứ thế lớn lên theo thời gian và ông nảy ra ý định mở “bệnh viện tư nhân” ngay tại ngôi nhà ông đang sinh sống. Ông muốn bốc thuốc, bấm huyệt cứu người để sẻ chia nỗi đau, cứu chữa những người bệnh để cuộc sống nở rộ nguồn vui và ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.
…đến mở “bệnh viện tư nhân”
Không chỉ biến nhà mình thành kho thuốc nam, vợ chồng thương binh Đỗ Viết Sót còn biến nhà mình thành “bệnh viện” giữa núi rừng hẻo lánh ở mảnh đất Hòa Bình. Ngay đầu trái nhà, ông cất một “buồng bệnh” rộng chừng hơn 20 mét vuông, vừa đủ kê 3 giường bệnh bằng gỗ tạp. Cả ba giường, đều không có ga, gối trắng như những giường bệnh ở các bệnh viện hiện đại mà đơn giản chỉ là những manh chiếu cói, tuy đơn sơ nhưng sạch sẽ.
Cũng dễ hiểu vì ông Sót mở “phòng khám” để cứu chữa người bệnh là quan trọng hơn cả, còn cơ sở vật chất khang trang thì ông có muốn đầu tư cũng không lấy đâu ra kinh phí.
Trung bình mỗi ngày, ông Sót thăm khám, bấm huyệt cho khoảng 25-30 người, ngày nào đông thì gấp đôi và cứ có người bệnh đến nhờ khám chữa là ông sẵn sàng dừng mọi việc cá nhân để “tiếp quản” người bệnh đó. Bệnh nhân của ông đến từ khắp nơi. Ngoài người trong tỉnh, còn có người đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Lai Châu, Hà Giang…
Chứng kiến ông hành nghề, chúng tôi mới thấy ông đúng là điển hình cho câu nói: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Bệnh nhân tìm đến ông dù bị bệnh nặng hay nhẹ đều được chữa khỏi, được phục vụ tận tình, trong đó đa số là bệnh về xương, khớp. Người bệnh nào nhẹ thì “một bấm ăn ngay” còn nặng hơn thì phải mất thời gian khoảng 2-3 ngày, mỗi ngày 2 lần. Ông luôn gần gũi, tươi cười cùng với người bệnh và kiên trì, hết lòng cho công việc bốc thuốc kết hợp bấm huyệt.
Hỏi “thần y” về bí kíp bấm huyệt, ông Sót cho biết: “Không có bí kíp gì cả. Nếu có thì đó chính là sự cảm nhận từ chính 10 đầu ngón tay. Khi khám, bệnh “phản xạ” lên các đầu ngón tay thế nào, tôi sẽ biết bệnh tình nặng nhẹ ra sao, xương khớp bị tổn thương hay thái hóa đến mức nào, từ đó mới... bấm và kê thuốc nam cho uống bổ trợ.
Bệnh nhân nào nhẹ tôi cho “xuất viện” ngay để còn nhường chỗ cho người khác, còn bệnh nhân nào nặng, nhà ở xa thì tôi “mời” ở lại để tiếp tục điều trị và không tính thêm bất cứ khoản “viện phí” nào. Người bệnh tìm đến tôi chủ yếu là bà con nông dân chân lấm tay bùn, thường không có tiền để vào các bệnh viện lớn để thăm khám vì các khoản viện phí khá lớn”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đỗ Thị Tùng, giáo viên trường tiểu học Vầy Nưa, Đà Bắc bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cho biết: “Tôi đã đi chữa ở một số bệnh viện và cơ sở đông y nhưng không thấy tiến triển, trong người khi trái gió trở trời là lại thấy đau nhức.
Nghe tiếng “bác sĩ” Sót có thể chữa được nên tôi đã tìm đến và đã ở lại đây 5 ngày để chữa bệnh. Qua quá trình điều trị, tôi thấy bệnh tình đã thuyên giảm rất nhiều, được vợ chồng, người thân của gia đình xem như người trong nhà, luôn quan tâm, động viên chăm sóc và còn cho tôi ăn uống miễn phí nữa. Quả thật rất hiếm có những người như vợ chồng “bác sĩ” Sót”!
“Đa số người dân tìm đến đây đều là người nghèo, những người có hoàn cảnh rất khó khăn. Nếu đi viện chữa mất khoảng từ 3-4 triệu đồng thì đến chữa với vợ chồng “thầy” Sót chi phí sẽ giảm đi được… 8-10 lần. Tôi và nhiều người khác ở lại đây vợ chồng bác Sót không tính tiền ăn, ở. Vợ chồng bác chỉ lấy tiền thuốc, mỗi thang... 20 ngàn đồng!”, anh Khoa, một bệnh nhân bị vôi hóa cột sống đang “điều trị nội trú” tại nhà ông Sót chia sẻ với chúng tôi.
![]() |
“Thần y” Sót đang bấm huyệt cho người bệnh tại “phòng khám” là nhà riêng |
Và còn sống còn… bấm
Hiện trong gia đình ông Đỗ Viết Sót gồm vợ, 3 con đẻ và con rể không ai là không biết tìm thuốc và bốc thuốc. Nhưng về phương pháp bấm huyệt thì ngoài ông, không ai có thể làm được cho dù ông đã nhiều lần “cầm tay chỉ việc” một cách tỉ mỉ.
Không chỉ mong muốn người trong nhà nối nghề, ông Sót cho biết với bất cứ ai muốn học nghề bấm huyệt cứu người như ông đã, đang và còn làm, ông sẵn sàng nuôi ăn để truyền dạy. Và trên thực tế đã có một vài người khăn gói đến nhà ông, mong sẽ lĩnh hội được những “tuyệt chiêu đả huyệt cứu người” của người cựu chiến binh già, nhưng đến nay vẫn chưa ai... thành nghề. Thế mới biết những người như ông Sót trong cuộc sống hiện đại là không nhiều hay nói đúng hơn là “của hiếm”.
“Thần y” Đỗ Viết Sót vừa bấm huyệt cho bệnh nhân vừa lý giải: “Những người chưa biết qua về nghề đông y dạy sẽ rất khó. Nhưng dẫu biết về đông y thì vẫn khó dạy vì tôi nghĩ món này cần phải có năng khiếu. Tôi rất muốn các con mình sẽ nối nghiệp, nhưng có lẽ chúng nó còn quá trẻ chưa thể hiểu hết được. Tôi sẽ không đầu hàng và sẽ cố gắng hết mức để truyền lại ngón nghề cho con, để mai này nếu có lỡ về với tiên tổ còn có người bốc thuốc, bấm huyệt cho những người nghèo.
Nhiều người bảo tôi nên mở lớp truyền dạy, nhưng tôi đâu phải là thầy mà mở lớp, mở trường. Hơn nữa, thời gian cứu chữa cho bệnh nhân còn không có thì mở trường, mở lớp lấy thời gian đâu”.
Nhân lúc ông dừng tay ra nghỉ giải lao, tôi hỏi: “Năm nay bác cũng 60 rồi. Bác định khi nào thì nghỉ… bấm”? Vừa bưng vạt áo ba lỗ lên úp vào mặt để thấm đi những dòng mồ hôi chảy ròng trên khuôn mặt sạm nắng, ông Sót đáp: - Sinh nghề tử nghiệp, còn sống thì tôi còn… bấm!. Nói xong, ông nhấc chân trái - cái chân mà 1/3 là giả bấm chắc xuống nền bê tông, rảo nhanh vào phòng bệnh.
Cứ thế, đã hơn 20 năm qua, trong ngôi nhà ấy đã thân quen với hình ảnh ông Sót bước thấp bước cao, thầm lặng và miệt mài với công việc bốc thuốc, bấm huyệt cứu người. Và có người ví ông Sót như một bông hoa thắm sắc đang tỏa ngát hương tại miền quê nghèo ở tỉnh Hòa Bình.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
