Ảnh hưởng của Covid-19 đến việc tính toán tổn thất tín dụng dự kiến theo IFRS 9
![]() | Xu hướng nổi bật ngành Ngân hàng: Chuyển đổi mô hình và quy trình tín dụng |
![]() | Chuyển đổi tài chính trong hệ thống tài chính - ngân hàng hậu COVID-19 |
Những thay đổi căn bản của chuẩn mực
IFRS 9 đưa ra mô hình tính toán và ghi nhận tổn thất tín dụng mới đối với các tài sản tài chính, đó là tổn thất tín dụng dự kiến (expected credit loss - ECL) để thay thế cho mô hình tổn thất tín dụng đã phát sinh (incurred credit loss) của IAS 39, theo đó dự phòng tổn thất tín dụng thường được ghi nhận sớm hơn trong vòng đời của các tài sản tài chính, bao gồm các khoản tín dụng. Đây là thay đổi có ảnh hưởng lớn nhất của IFRS 9 so với IAS 39.
![]() |
Mô hình ECL yêu cầu đơn vị báo cáo phải sắp xếp phân loại các tài sản tài chính vào một trong 3 giai đoạn rủi ro theo mô hình ba giai đoạn (three-stage model) dựa trên những thay đổi về rủi ro tín dụng của các tài sản tài chính kể từ lúc ghi nhận ban đầu đến thời điểm lập báo cáo để làm cơ sở cho việc tính toán tổn thất tín dụng dự kiến.
Giai đoạn 1 - các tài sản tài chính được phân loại vào giai đoạn này là các tài sản tài chính có rủi ro thấp tại thời điểm báo cáo hoặc không có sự thay đổi đáng kể về rủi ro tín dụng kể từ thời điểm ghi nhận ban đầu. Ví dụ, các khoản nợ trong hạn và không có dấu hiệu suy giảm khả năng trả nợ sẽ thuộc nhóm này.
Giai đoạn 2 - bao gồm các tài sản tài chính mặc dù không có bằng chứng khách quan của việc bị suy giảm giá trị nhưng rủi ro tín dụng của chúng đã gia tăng đáng kể kể từ thời điểm ghi nhận ban đầu, ví dụ khi xếp hạng tín dụng thấp đi đáng kể. Ví dụ, các khoản nợ trong hạn nhưng khách hàng có xếp hạng tín dụng xấu đi hơn một số bậc nhất định so với trước sẽ thuộc nhóm này.
Giai đoạn 3 - bao gồm các tài sản tài chính có dấu hiệu khách quan của việc bị suy giảm giá trị, ví dụ khi người đi vay mất khả năng thanh toán khoản vay đến hạn.
Thách thức trong việc tính toán tổn thất suy giảm giá trị dự kiến trong các ngân hàng
Tùy thuộc vào việc tài sản tài chính thuộc giai đoạn nào trong mô hình ba giai đoạn, ECL sẽ được tính dự kiến trong vòng 12 tháng tới (đối với các tài sản tài chính tại Giai đoạn 1) hay trong suốt vòng đời của tài sản (đối với các tài sản tài chính tại Giai đoạn 2 và 3).
Cho dù áp dụng theo cách nào thì IFRS 9 cũng yêu cầu các việc tính toán phải phản ánh: một cách không thiên vị và có trọng số dựa trên xác suất được xác định bằng việc đánh giá các kết quả; thông tin hợp lý và sẵn có; điều kiện hiện tại cũng như các dự báo về tương lai.
Theo đó, thứ nhất, một trong những khó khăn điển hình khi tính toán ECL là phải thu thập được thông tin hợp lý và sẵn có, bao gồm cả việc cân nhắc ảnh hưởng của các thông tin dự báo về tương lai (forward-looking information), và phù hợp với sản phẩm cụ thể, người đi vay, mô hình kinh doanh và môi trường kinh tế và pháp luật liên quan đến khoản cho vay được đánh giá. Các ngân hàng cần sử dụng kinh nghiệm của mình để xác định rằng thông tin nào là hợp lý và có thể hỗ trợ.
Thứ hai, việc tính toán rủi ro tín dụng cũng yêu cầu xếp hạng rủi ro tín dụng cần phải được rà soát lại khi có những thông tin mới hoặc kỳ vọng về rủi ro tín dụng của các ngân hàng thay đổi, ít nhất một năm một lần hoặc nhiều hơn đối với nhóm khách hàng có rủi ro tín dụng cao.
Bên cạnh đó, IFRS 9 cũng yêu cầu việc nhận diện liệu có sự gia tăng đáng kể rủi ro tín dụng (SICR) của các tài sản tài chính kể từ thời điểm ghi nhận ban đầu. Do đó, các ngân hàng cần phải có các quy trình để nhận diện được vấn đề này, bên cạnh hệ thống quản trị hiệu quả, quy trình kiểm soát, để có thể cho phép thu thập và xử lý khối lượng thông tin lớn. Ngân hàng cần xem xét thay đổi về xác suất vỡ nợ trong suốt vòng đời của tài sản tài chính để nhận diện có sự gia tăng đáng kể về rủi ro tín dụng.
Đối với các ngân hàng thực hiện chế độ báo cáo tài chính hiện hành do Ngân hàng Nhà nước ban hành theo các Chuẩn mực kế toán Việt Nam, việc tính toán tổn thất tín dụng đã phát sinh theo IAS 39 hoặc EC theo IFRS 9 vẫn còn là điều mới mẻ.
Ảnh hưởng của Covid-19 đến việc tính toán Tổn thất tín dụng dự kiến (ECL) cho các ngân hàng theo IFRS 9
Dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 và những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian qua đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai việc tính toán ECL theo IFRS 9 tại Việt Nam trên ba phương diện: xác định gia tăng rủi ro đáng kể để phân loại tài sản tài chính theo từng giai đoạn, mô hình dự báo tương lai và tính toán tổn thất.
Thứ nhất, về xác định gia tăng đáng kể rủi ro tín dụng, IFRS 9 có đưa ra quy định về việc một khoản vay bị quá hạn trên 30 ngày được phân loại vào Giai đoạn 2 (Stage 2). Quy định này là quy định có thể bác bỏ nếu Ngân hàng có cơ sở vững chắc để chứng minh về tính không phù hợp của giả định 30 ngày này.
Trong điều kiện dịch bệnh, giả định về 30 ngày quá hạn được cho là không phù hợp với nhiều khoản vay, đặc biệt với những khoản vay thuộc gói hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch Covid hay những khoản vay được hưởng lợi từ việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí hay giữ nguyên nhóm nợ theo thông tư số 01/2020/TT-NHNN. Lúc này, các ngân hàng nên dựa vào những tiêu chí định tính, định lượng khác để thay thế như suy giảm lợi nhuận hay thu nhập, suy giảm nhu cầu hàng hóa, dịch vụ của một số ngành cụ thể, thay đổi về dự báo kinh tế hay lịch sử vỡ nợ gần nhất của khách hàng nhằm xác định chỉ báo gia tăng đáng kể rủi ro tín dụng.
Thứ hai, về mô hình dự báo tương lai, trước diễn biến nhanh chóng và phức tạp của dịch bệnh, điều này đặt ra yêu cầu cần xây dựng thêm nhiều kịch bản kinh tế cũng như ước lượng trọng số xác suất phù hợp để có đánh giá thích hợp, phản ánh chân thực tác động của dịch bệnh tương ứng với các kịch bản kinh tế. Tuy nhiên, việc ước lượng tác động của Covid-19 đến nền kinh tế sẽ đặt ra nhiều khó khăn do khác biệt về đặc điểm cũng như mức độ nghiêm trọng so với những cuộc khủng hoảng kinh tế đã từng diễn ra trước đây.
Thứ ba, việc tính toán tổn thất cũng được dự đoán sẽ gặp nhiều thách thức trong và sau thời kỳ dịch bệnh, một phần do hai yếu tố kể trên. Bên cạnh đó, sự suy thoái của nền kinh tế cũng gây tác động bất lợi, làm gia tăng dư nợ chịu rủi ro (EAD) khi khách hàng có xu hướng vay tuần hoàn nhiều hơn do thu nhập giảm và một số loại tài sản đảm bảo như bất động sản cho thuê có chiều hướng giảm về giá trị do nhu cầu không còn dồi dào như trước.
![]() |
Mặt khác, sự can thiệp hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 góp phần làm giảm xác suất vỡ nợ PD hay tỷ lệ tổn thất LGD của các khoản vay được hỗ trợ thông qua việc giảm lãi suất, giảm thuế, cơ cấu lại thời gian trả nợ hay bảo lãnh các khoản vay của các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, đối với các khoản phải thu đủ điều kiện áp dụng mô hình tính toán đơn giản hóa việc ước lượng ECL chỉ dựa trên dữ liệu lịch sử vỡ nợ của khách hàng được cho là không chính xác tại thời điểm hiện tại mà cần được điều chỉnh với thông tin dự báo tương lai (forward-looking information).
Giải pháp hiện tại cho các ngân hàng
Để khắc phục những khó khăn do tác động của Covid-19, trước hết các ngân hàng cần cân nhắc thận trọng tất cả các thông tin mới về tình hình kinh tế, hỗ trợ của Chính phủ,... kể cả sau khi hoàn tất tính toán ECL nhưng trước thời điểm cuối kỳ để có những đánh giá, điều chỉnh hợp lý và kịp thời trong phân loại giai đoạn, ước tính các giá trị PD, LGD, EAD. Đối với việc phân loại tài sản tài chính (staging), thay vì chỉ dựa vào số ngày nợ quá hạn, các ngân hàng cần dựa vào bản chất các khoản vay, cân nhắc các yếu tố định lượng và định tính thay thế để xác định gia tăng rủi ro trọng yếu. Đối với mô hình tính toán ECL trên các hệ thống phần mềm mà không được hiệu chỉnh để đánh giá tác động của Covid-19, các ngân hàng cũng cần có điều chỉnh tương ứng.
Về dài hạn, mô hình tính toán tổn thất tín dụng dự kiến theo IFRS9 đòi hỏi những nỗ lực lớn về công tác thu thập, lưu trữ dữ liệu lịch sử về tín dụng và đảm bảo chất lượng dữ liệu, cũng như kỹ năng xây dựng mô hình định lượng. Các Ngân hàng chú trọng đầu tư vào những lĩnh vực này sẽ sớm thu được lợi ích đáng kể không những tăng cường tính minh bạch và chuẩn mực của các báo cáo tài chính, nâng cao hơn nữa niềm tin của các cổ đông và các nhà đầu tư, mà còn tăng cường khả năng ra quyết định đúng đắn về mức lãi suất tín dụng và công tác quản trị nâng cao hiệu quả danh mục tín dụng.
Tin liên quan
Tin khác

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Tài chính số: Lối đi mới cho những người làm kinh doanh nhỏ nhưng nghĩ lớn

PwC đồng hành cùng sinh viên bắt nhịp xu hướng ngành Thuế

Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: có thể cân bằng giữa khuyến khích đầu tư và bảo đảm nguồn thu ngân sách?

Các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương đẩy mạnh cam kết phát thải ròng bằng 0

Y tế và giáo dục sẽ là tâm điểm các thương vụ M&A khủng năm 2025

Thị trường M&A năm 2025: Thương vụ "khủng", chiến lược thắng lợi và những yếu tố bất ngờ

Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và minh bạch hơn trong ngành bảo hiểm

CEO khu vực Châu Á Thái Bình Dương bước vào năm 2025 với sự lạc quan và thận trọng
