Ám ảnh căn bệnh ung thư
Ung thư đã trở thành "đại dịch"
Chưa bao giờ Việt Nam lại có nhiều bệnh nhân ung thư như hiện nay, nhiều đến mức không ít người đã xem ung thư là "căn bệnh thế kỷ" chứ không phải là HIV/AIDS.
Ở các bệnh viện lớn như Nhi Trung ương, K Trung ương, Viện huyết học - Truyền máu Trung ương và các bệnh viện ung bướu của các tỉnh, thành phố, mỗi năm điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhi ung thư. Từ em bé vừa lọt lòng đến những học sinh phổ thông, tất cả các em bị bệnh ung thư đánh cắp tuổi thơ và phải bỏ dở việc học hành. Tại các khoa điều trị ung thư cho người lớn cũng đủ mọi thành phần và lứa tuổi.
Ngay cả nhiều người làm trong ngành y cũng không thoát khỏi căn bệnh quái ác này. Một bác sỹ đang là lãnh đạo của một bệnh viện lớn bỗng đứng trước "án tử" vì ung thư gan giai đoạn cuối. Có những cặp vợ chồng bác sỹ đều qua đời vì ung thư ruột… Thế mới biết, ung thư có thể đến với bất cứ ai.
![]() |
Thức ăn nhiễm bẩn, một trong những tác nhân quan trọng gây nên ung thư |
Đến nay, những trường hợp một gia đình có đến 4 người chết vì ung thư như nhà cụ Tuất ở làng Lũng Vị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội không còn là chuyện hiếm. Hàng chục thôn, xóm có tỷ lệ mắc và tử vong cao gấp nhiều lần so với mức trung bình cả nước được gọi là làng ung thư.
Theo số liệu thống kê giai đoạn 2005 - 2010, cứ mỗi năm nước ta phát hiện thêm khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và có khoảng 95.000 trường hợp tử vong vì bệnh này. Trong đó, trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới phát hiện, chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới.
Hội Ung thư Việt Nam và Bộ Y tế nhận định ung thư là vấn đề quốc gia và ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Thậm chí theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: "Bệnh ung thư đang là một đại dịch ở Việt Nam".
Giáo sư Đức nói: “Trước đây chúng ta lo lắng cho tương lai về một đại dịch ung thư thì nay đã là sự thật. Chúng ta phải thấy rằng, bệnh ung thư đang phát triển trở thành một vấn đề rất bức xúc trong xã hội, là một vấn đề rất bức xúc đối với mỗi gia đình, từng dòng họ, tập thể, cơ quan, xí nghiệp, trường học… Ở đâu chúng ta cũng đều thấy thân nhân, đồng nghiệp, họ hàng, bạn bè của chúng ta chết vì ung thư, hiện tượng này đang diễn ra trước mắt, hàng năm và rất nhiều... Từ nay đến 2020 tỷ lệ ung thư còn tăng cao hơn vì chúng ta chưa kiểm soát được các yếu tố nguy cơ”.
Đâu là nguyên nhân?
Theo các chuyên gia có nhiều nguyên nhân làm cho tỷ lệ ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng cao, song tự chung lại có 3 nhóm nguyên nhân lớn là cường độ lao động, ô nhiễm môi trường và chế độ ăn uống.
Cường độ lao động cao, ít có thời gian để nghỉ ngơi tái tạo sức lao động khiến sức khỏe giảm sút, khả năng chống đỡ bệnh tật kém. Trong khi vấn đề vệ sinh an toàn lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa được chú trọng cũng khiến người lao động dễ mắc phải các chứng bệnh nghề nghiệp. Trong khi có nhiều nhóm bệnh nghề nghiệp dễ dẫn đến các dạng ung thư như: Ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng và hít phải bụi amiăng; Ung thư da, mũi, miệng, gan do tiếp xúc với hóa chất sử dụng trong công nghiệp...
Một nguyên nhân nữa là ô nhiễm môi trường. Mức ô nhiễm ở Việt Nam hiện nay đang ở mức cao. Ra đường thì gặp ô nhiễm không khí, bụi, thuốc trừ sâu, khói thuốc lá, ở nhà thì ăn thực phẩm, uống nguồn nước ô nhiễm, mỹ phẩm, nước hoa…
GS.TS. Mai Trọng Khoa nhận định, hơn 80% trường hợp ung thư là do yếu tố môi trường bên ngoài tác động vào như không khí ô nhiễm, thực phẩm, nước uống mất vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường làm việc độc hại. Trong đó khoảng 30% căn nguyên gây ung thư là do thuốc lá, đặc biệt là ung thư phổi.
Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm "bẩn" đang hàng ngày hàng giờ đầu độc người dân. Theo đánh giá của các chuyên gia về ung thư, ăn uống thực phẩm không đảm bảo là căn nguyên hàng đầu dẫn đến ung thư. Dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn chiếm trên 30% căn nguyên gây ung thư như ăn nhiều chất béo, đạm, đặc biệt là mỡ động vật, ít rau quả, sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm ô nhiễm hóa chất bảo quản.
Các ung thư đường tiêu hóa như đại trực tràng, ung thư vú liên quan chặt chẽ căn nguyên này. Những thực phẩm chứa chất độc hại khi vào cơ thể thông qua ăn uống sẽ đi qua máu, tác động vào từng tế bào gây ra nhiều loại bệnh ung thư hơn.
Khi cơ thể bị nhiễm hóa chất có thể gây ngộ độc lập tức nhưng nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể, đến một lúc nào đó, đủ lượng sẽ gây đột biến tế bào. Nếu đột biến nhẹ, tế bào có thể tự điều chỉnh. Nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ nhờn, mất khả năng điều chỉnh trở thành tế bào đột biến ác tính.
Chế độ dinh dưỡng của người Việt Nam lại thiếu khoa học càng nhân lên mối nguy hại của thực phẩm bẩn và làm gia tăng các trường hợp bị ung thư.
Cùng với ô nhiễm môi trường và thực phẩm không an toàn, thuốc lá là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ung thư. Theo Bệnh viên K Trung ương, trong số 150.000 bệnh nhân ung thư được phát hiện mỗi năm có 30% số trường hợp do thuốc lá gây ra. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết: “Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư, nhưng chúng tôi thấy hơn 90% các trường hợp ung thư phổi là do người nghiện thuốc lá. Còn ung thư vòm họng cũng có 85% là người nghiện thuốc lá…”.
GS. Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho hay, 80% nguyên nhân gây ung thư có thể phòng tránh được liên quan đến hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, nguồn nước không sạch và bệnh nghề nghiệp..., trong khi chỉ có 20% còn lại không thể phòng tránh được là tuổi cao và gen di truyền...
Điều đó cũng có nghĩa, một chế độ làm việc, nghỉ ngơi khoa học; sinh hoạt lành mạnh; ăn uống đúng cách sẽ giảm thiểu được nguy cơ bị ưng thư.
Để phòng chống ung thư, mọi người nên chú ý đến những lưu ý sau:
Nên | Không nên |
Tăng cường ăn rau xanh và hoa quả sạch. Chất xơ từ rau trái sẽ giúp hệ bài tiết dễ dàng hơn và hấp thụ nhiều chất độc trong ruột hơn. | Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu |
Sử dụng các chế phẩm, thực phẩm chức năng chứa vitamin C, E, tinh nghệ, Potandim, sụn vi cá mập, tinh chất trà xanh, đậu nành để làm sạch gốc tự do trong cơ thể để dự phòng và hỗ trợ điều trị ung thư. | Ăn nhiều thịt đỏ, ăn nhiều đồ béo, đồ ăn nhanh |
Đi tầm soát ung thư 6 tháng/lần | Lơ là việc phòng ngừa sau khi đã được chữa trị ung thư thành công. Vì người từng là nạn nhân của ung thư sẽ rất dễ bị tái phát, di căn. |
Duy trì thói quen tập thể dục ít nhất là 30 phút/ngày | Tiếp xúc với hóa chất như: thuốc diệt cỏ, thuốc diệt côn trùng, các chất tẩy rửa mạnh, nước hoa xịt phòng… |
Tráng bát đũa, ly uống nước lại bằng nước đun sôi sau khi rửa sạch để loại bỏ lượng nước rửa bát còn tồn dư bám vào. | Sử dụng lò vi sóng để làm nóng thức ăn chứa trong hộp nhựa, trong bao gói sử dụng một lần. |
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
