Mối đe dọa từ những công ty “ma”
![]() |
Ảnh minh họa |
Đóng bảo hiểm cho nhân viên ảo
Từ khoảng tháng 5/2013, Thắng nhận thấy có nhiều lỗ hổng trong Luật BHXH liên quan đến chế độ thai sản cho người lao động, có thể lợi dụng để chiếm đoạt tiền nên bàn với vợ thành lập nhiều công ty TNHH, cổ phần “ma”, tạo ra lý lịch nhiều nhân viên “ảo” và đóng BHXH, BHYT cho số hồ sơ nhân viên “ảo” này.
Mỗi hồ sơ, vợ chồng Thắng và Hằng đóng bảo hiểm từ 6-8 tháng rồi ngưng và làm thủ tục để được hưởng chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản và dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Trung bình mỗi hồ sơ nhân viên “ảo”, Thắng và Hằng đóng các loại bảo hiểm hết khoảng 14 triệu đồng nhưng làm thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm các loại khoảng 40 triệu đồng.
Theo khai nhận và hồ sơ xác minh ban đầu, Thắng và Hằng đã thực hiện 25 lần lãnh tiền “thai sản đơn vị” (961.500.000 đồng), 5 lần lãnh tiền “dưỡng sức” (7.762.500 đồng) và 10 lần lãnh tiền “thai sản cá nhân” (335.778.000 đồng). Tổng số tiền chiếm đoạt được từ các cơ quan bảo hiểm là 1.305.040.500 đồng.
Thắng và Hằng thừa nhận đã thành lập 10 công ty “ma” với nhiều tên giao dịch khác nhau trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Thắng đã thuê công ty luật tư vấn làm các thủ tục để thành lập tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh. Có công ty, Thắng lấy địa chỉ một nhà người quen làm trụ sở giao dịch, có công ty lấy một địa chỉ ngẫu nhiên không liên quan gì và cho Hằng cùng người thân là Phạm Thị Ngọc Quyên, Lê Thị Kiều Thu, Lê Thị Anh Thư làm giám đốc.
Tất cả các công ty trên không có bảng hiệu, không có trụ sở giao dịch thật, không có nhân viên và hoàn toàn không có hoạt động gì. Để tạo ra hồ sơ của các nhân viên trong các công ty trên, vợ chồng Thắng lấy một số lý lịch của người thân trong gia đình, một số lý lịch của người quen biết rồi tự đi đóng bảo hiểm. Đối với những người không lấy được giấy khai sinh Thắng nhờ người làm giả giấy khai sinh theo lý lịch hoặc theo CMND của những người này để làm thủ tục lãnh tiền.
Biến hàng cũ thành mới chiếm đoạt tiền nhà nước
Một trường hợp khác, đối tượng cũng đã lập nhiều công ty ma để hợp thức hóa hoặc giả các hợp đồng mua bán để chiếm đoạt tài sản. Điển hình như vụ Lê Văn La, SN 1963, trú tại P.Cống Vị, Q.Ba Đình, Hà Nội, nhân viên CTCP xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc.
Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Văn La, về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Mua trái phép hóa đơn giá trị gia tăng" theo điều 280 và 164a Bộ luật Hình sự. Khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Dậu (SN 1967) trú tại Lô 34, Đầm Hồng, Thanh Xuân, Hà Nội về hành vi "Bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng" theo điều 164a Bộ luật Hình sự.
Theo cơ quan điều tra, Lê Văn La là nhân viên kinh doanh phòng xuất nhập khẩu CTCP xuất nhập khẩu mỏ Việt Bắc (có 20% vốn nhà nước, trước đây là chi nhánh Tổng CTCP mỏ Việt Bắc), đã phối hợp với Nguyễn Thị Dậu thành lập 8 "doanh nghiệp ma" để bán hóa đơn nhằm hợp thức hàng hóa đầu vào không có nguồn gốc cho Lê Văn La.
Tại những vụ vi phạm này, Lê Văn La chịu trách nhiệm liên hệ với khách hàng là công ty khai thác mỏ tại Quảng Ninh, có nhu cầu mua vật tư thiết bị, thay thế cho máy móc, phương tiện hư hỏng. Nguồn hàng do Lê Văn La cung cấp cho các công ty này là vật tư cũ, trôi nổi trên thị trường, sau đó được hợp thức trên hợp đồng mua bán là hàng mới 100%, có nguồn gốc Nhật, Mỹ, Đức. Bằng thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt một số lượng lớn tiền thuế, cũng như hưởng chênh lệch bất hợp pháp từ việc nâng khống giá trị hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Nhìn nhận từ các vụ án, có thể thấy việc các cơ quan có thẩm quyền cấp nhà nước dễ dàng cho các công ty được đăng ký hoạt động là việc cần xem xét lại. Việc giám sát và thẩm định quyền đăng ký cần phải chi tiết và cụ thể hơn trước, tránh tình trạng sơ hở cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng làm việc bất chính.
Tin liên quan
Tin khác
