Mở rộng bảo hiểm nông nghiệp
![]() | Thúc đẩy nối lại bảo hiểm nông nghiệp |
![]() | Triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp |
![]() | Những điều cần biết về bảo hiểm nông nghiệp |
Vẫn lúng túng sau thí điểm
Tổng kết của Bộ Tài chính trên cơ sở báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến thời điểm giữa năm nay, việc triển khai các chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp (theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp) vẫn còn rất hạn chế và đạt hiệu quả khá thấp.
Cụ thể, đến nay mới chỉ có 3 doanh nghiệp bảo hiểm là Bảo Việt, Bảo Minh và MIC được Bộ Tài chính phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp để bán tại các địa phương. Trong số 19 tỉnh thuộc danh sách triển khai sản phẩm này mới có 7 địa phương hoàn thành phê duyệt những trường hợp được hỗ trợ.
![]() |
Bảo hiểm nuôi tôm là sản phẩm được các hộ dân tham gia lớn nhất giai đoạn thí điểm 2011-2013 |
Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ bán được các sản phẩm tại 4 địa phương là Thái Bình, Nghệ An (đối với cây lúa) và Hà Giang, Bình Định (đối với vật nuôi). Giá trị bảo hiểm cây lúa mới đạt khoảng 65,8 tỷ đồng, cho hơn 12.200 hộ. Giá trị bảo hiểm vật nuôi mới đạt 77 tỷ đồng, với 3.800 hộ tham gia. Tổng ngân sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho người mua mới khoảng 5,52 tỷ đồng, hầu hết các hộ được hỗ trợ là hộ nghèo và cận nghèo.
Theo phân tích của các địa phương đang triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp, sở dĩ việc thực hiện chính sách này diễn ra chậm là do các bên tham gia gặp nhiều lúng túng. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 58 từ tháng 4/2018, nhưng đến tháng 7/2020 Bộ NN&PTNT mới ra được thông tư hướng dẫn; các doanh nghiệp bảo hiểm cũng mất nhiều thời gian nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và thỏa thuận, đàm phán với nhà tái bảo hiểm quốc tế nên thực tế sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp bắt đầu triển khai từ tháng 6/2020.
Bên cạnh đó, dù đã trải qua giai đoạn thí điểm 2011-2013 theo Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng cơ bản bảo hiểm nông nghiệp vẫn là loại hình sản phẩm có nghiệp vụ phức tạp, cần năng lực tài chính lớn và mạng lưới phân phối đủ rộng nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia. Chưa kể rằng, việc đào tạo nhân sự phụ trách bảo hiểm nông nghiệp tốn nhiều kinh phí và việc thuyết phục người dân tham gia các sản phẩm này cũng không dễ dàng.
Cần tính toán hỗ trợ cho doanh nghiệp
Để nối lại và thúc đẩy phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, mới đây Bộ Tài chính đã chính thức trình Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ sản phẩm này. Theo đó, nếu quyết định được chấp thuận và ban hành kịp thời sẽ là văn bản pháp lý nối tiếp Quyết định số 03/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo kéo dài chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, vì các quyết định cũ sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2021.
Tại dự thảo Quyết định lần này, Bộ Tài chính cho rằng, việc mở rộng các lĩnh vực được hưởng hỗ trợ phí cũng như địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết. Vì vậy, Bộ đề xuất Chính phủ xem xét bố trí nguồn ngân sách khoảng 83,2 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ 90% phí mua bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và 20% cho các hộ, đơn vị sản xuất thông thường. Với nguồn kinh phí hỗ trợ như trên, phạm vi áp dụng hỗ trợ được đề xuất mở rộng thêm, chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi heo và nuôi tôm. Dự thảo cũng đề nghị địa bàn được hỗ trợ sẽ mở rộng từ 19 lên 32 tỉnh, thành phố, trải đều ở các khu vực kinh tế trọng điểm từ trung du miền núi phía Bắc đến Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ghi nhận của Thời báo Ngân hàng, mặc dù đánh giá khá cao đề xuất của Bộ Tài chính trong việc tiếp tục chính sách bảo hiểm nông nghiệp, tuy nhiên cả các chuyên gia lĩnh vực bảo hiểm và lĩnh vực nông nghiệp đều cho rằng việc hỗ trợ cho loại hình bảo hiểm này vẫn chỉ hướng tới người mua bảo hiểm, chưa tính cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn nguồn hỗ trợ vẫn tập trung vào hộ nghèo, hộ cận nghèo nên chính sách này mang tính chất an sinh xã hội nhiều hơn là tính thị trường, rất khó để các doanh nghiệp triển khai mở rộng khách hàng và sản phẩm.
Ông Hoàng Xuân Điều - Phó Ban phụ trách Bảo hiểm nông nghiệp của Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, lĩnh vực nông sản, thủy sản được triển khai hỗ trợ bảo hiểm cần được tiếp tục mở rộng hơn nữa. Bên cạnh các loại gia súc lớn như trâu bò, heo và các loại thủy sản như tôm sú, tôm thẻ cần bổ sung thêm các loại cá có giá trị xuất khẩu lớn như cá tra, basa và các gia cầm như gà, vịt. Ở nhóm cây trồng, ngoài cây lúa cần bổ sung thêm các loại khác như cây cà phê, cao su, cây làm nguyên liệu giấy… Danh sách các địa phương cũng không nên cố định mà có thể mở rộng. Đặc biệt là phải có chính sách để thu hút bà con nông dân tham gia bảo hiểm, không chỉ hộ nghèo, cận nghèo mà cả các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã và các hộ sản xuất nông nghiệp khác.
Một số chuyên gia của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng, để khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia nhiều hơn thì các văn bản pháp lý mới phải tính toán hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp. Theo đó, cần có cơ chế giao cho địa phương trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm cơ sở dữ liệu về tổn thất để nhà tái bảo hiểm quốc tế có đủ cơ sở cung cấp vốn. Các địa phương cũng cần ban hành quy trình kỹ thuật nuôi, trồng phù hợp với đặc thù của từng địa phương để doanh nghiệp tính toán điều kiện bảo hiểm và mức phí phù hợp.
Ngoài ra, hiện nay quy mô sản xuất nông nghiệp ở đa số các lĩnh vực triển khai bảo hiểm nông nghiệp không lớn, doanh nghiệp cần chi phí để xây dựng bộ nguyên tắc bảo hiểm, đào tạo nhân sự chuyên trách, cộng tác viên cơ sở. Vì vậy, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp cũng cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận các khoản tài trợ, các khóa tập huấn nghiệp vụ liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp để tăng năng lực, ngày một mở rộng địa bàn bao phủ bảo hiểm trong nông nghiệp.
Tin liên quan
Tin khác

Hướng đi mới trong phát triển thị trường carbon Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái

Hợp tác xã chuyển đổi xanh để bứt phá
![[Infographic] Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 13%](https://tbnhnew.mastercms.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/11/14/220250411141315.jpg?rt=20250411141318?250411021821)
[Infographic] Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 13%

Kon Tum đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng

Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Ngư dân Thanh Hóa trúng mùa cá trích, thu nhập tăng cao

Phân bổ nguồn vốn đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia tránh chồng chéo, dàn trải

Xuất cấp 1.453 tấn gạo cho 3 tỉnh dịp giáp hạt đầu năm 2025
