Hoàn thiện chính sách cho phát triển đô thị bền vững
Mới đây, Thành ủy TP.Thủ Đức đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý về định hướng quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040. Theo đó, định hướng quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040 là tăng cường kết nối về giao thông, phát huy vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng tầm và phát huy những lợi thế về vị trí “cửa ngõ”, kết nối TP.Thủ Đức với liên vùng. Chiến lược phát triển cho TP. Thủ Đức là sử dụng quỹ đất linh hoạt, hiệu quả, phân bổ mật độ dân số theo nhu cầu và khả năng đáp ứng của hạ tầng; kiến tạo các trung tâm đô thị chính và thứ cấp; kiến tạo các trọng điểm sáng tạo; bố trí mạng lưới giao thông công cộng; xây dựng các kết nối, phát triển đa dạng các giải pháp…
![]() |
Xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại |
Trước đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu những đề án xây dựng các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh phát triển thành thành phố trực thuộc TP.HCM và huyện Nhà Bè sẽ phát triển thành quận đô thị vệ tinh. Theo PGS.TS. Vũ Tấn Hưng - Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ kiêm Phó giám đốc Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, việc chuyển đổi và nâng cấp các đơn vị hành chính từ huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM ngày càng trở nên cấp thiết và có vai trò quan trọng đối với quá trình hình thành đô thị hiện đại, văn minh. Vấn đề này được Đảng, Nhà nước quan tâm, xây dựng thành chiến lược có tầm nhìn lâu dài và bền vững.
Tại Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm “Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị”. Cụ thể, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, các đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, với các chỉ tiêu cụ thể như tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%...
Trong đó, quan trọng nhất là việc tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững. Bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hòa giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới, phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị, bảo đảm chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho dân cư đô thị.
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa mới đạt gần 40%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Đô thị hóa là một quá trình phát triển đô thị theo quy luật phổ biến và đạt các tiêu chuẩn, nhất là “chỉ tiêu dân số đô thị”, như tại các nước công nghiệp phát triển thì tỷ lệ dân số đô thị phổ biến từ 80% trở lên. Thực tế hiện nay tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó không ít nơi tồn tại tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ được đặt ra là phải quy hoạch tốt mạng lưới đô thị, các đô thị hạt nhân cấp quốc gia, vùng, tỉnh theo hướng phát triển các đô thị xanh, thông minh, bản sắc phù hợp với thực tiễn đất nước.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhận định, hiện nhiều tỉnh thành đang tồn tại vướng mắc giữa các loại quy hoạch. Đơn cử, quy định quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên; trường hợp quy hoạch cấp dưới có mâu thuẫn với quy hoạch cấp trên thì phải điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch cấp trên. Trong khi đó, trên thực tế thì quy hoạch cấp dưới đã có, nhưng lại chưa có đầy đủ các quy hoạch cấp trên, điển hình là chưa có quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh… Trước thực tế đó, rất cần phải xem xét sửa đổi một số điều chưa phù hợp với thực tiễn và quá trình phát triển tại Luật Quy hoạch 2017, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có liên quan đến quy hoạch 2018 và xây dựng Đề án Luật Quản lý và phát triển đô thị… làm cơ sở pháp lý cho phát triển.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, cần bổ sung những quy định luật cụ thể để xử lý các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định xây dựng hệ thống đô thị, đô thị thông minh, đô thị hạt nhân cấp quốc gia, cấp vùng liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường vào Luật Quy hoạch 2017, đồng thời đẩy mạnh công tác sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các Luật Đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở.
“Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với các địa phương để tập trung hoàn thành việc xây dựng quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng, làm căn cứ xây dựng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh và cũng là căn cứ để xây dựng chiến lược về phát triển đô thị quốc gia, chương trình quốc gia về xây dựng, chỉnh trang tái thiết đô thị và phát triển đô thị bền vững để hướng tới nâng tầm vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế” - ông Châu nhấn mạnh.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã quyết định các mục tiêu cụ thể phát triển đất nước đến năm 2045. Trong giai đoạn 2021-2030, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%. Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng và địa phương, tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc, văn hóa ở từng địa phương. Xây dựng đồng bộ, hiện đại hạ tầng đô thị, nhất là các đô thị lớn. |
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
