Giá hàng hóa toàn cầu lao dốc vì căng thẳng thương mại và nguy cơ suy thoái
![]() |
Diễn biến chỉ số S&P GSCI từ đầu năm đến nay (Nguồn: S&P Global) |
Giảm hơn 8% từ ngày 2/4
Chỉ số S&P GSCI, theo dõi hàng hóa toàn cầu trong các lĩnh vực năng lượng, kim loại và nông nghiệp, cho thấy giá đã giảm hơn 8% kể từ ngày 2/4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một loạt thuế quan đối ứng với các đối tác thương mại.
Mặc dù giá đã phục hồi nhẹ sau khi ông Trump tuyên bố hoãn thuế quan đối ứng trong 90 ngày đối với nhiều quốc gia. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, rủi ro giảm giá vẫn rất lớn, đặc biệt khi Trump cho biết sẽ tăng thuế suất đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%.
“Sự sụp đổ của [giá] hàng hóa là một công tắc ngắt mạch, một dấu hiệu cho thấy suy thoái toàn cầu đang diễn ra”, Marko Papic - chuyên gia vĩ mô và địa chính trị tại BCA Research cho biết.
Hiện Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hóa lớn nhất và mức thuế quan cao hơn dự kiến có thể sẽ không chỉ cản trở tăng trưởng của nước này mà còn cản trở tiêu thụ một số mặt hàng nhất định, đặc biệt là năng lượng và kim loại công nghiệp.
Trong số tất cả các mặt hàng trong rổ, năng lượng giảm mạnh nhất kể từ ngày 2/4, giảm khoảng 12%, theo thước đo năng lượng GSCI của S&P Global.
Đặc biệt là giá dầu, vốn rất nhạy cảm với sự leo thang căng thẳng thương mại, do Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất. Tâm lý tiêu cực càng được nhân lên bởi quyết định gần đây của OPEC+ nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng của nhóm. Hiện giá dầu vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều năm mặc dù có sự phục hồi nhẹ sau khi ông Trump hoãn áp dụng thuế quan đối ứng, với giá dầu Brent vào khoảng 64,78 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ ở mức 61,77 USD/thùng.
Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo giá dầu cho cả hai chuẩn dầu thô xuống còn 62 USD/thùng đối với dầu Brent và 58 USD/thùng đối với dầu WTI vào cuối năm nay.
Giá kim loại công nghiệp ghi nhận mức giảm mạnh thứ hai, khoảng 9%, tiếp theo là hàng hóa mềm khi giảm khoảng 5,2%, cũng theo S&P Global.
... có thể còn giảm sâu hơn
Dự đoán giá hàng hóa tiếp tục giảm đến sau một loạt các dự báo về suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu. Chẳng hạn JPMorgan dự kiến tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ sẽ giảm 0,3% trong năm nay, sau một năm tăng trưởng mạnh mẽ.
“Động thái giảm rộng hơn mà chúng ta đã thấy đối với dầu thô kể từ ngày 2/4 cho thấy thị trường đang định giá khả năng suy thoái lớn hơn”, các chiến lược gia hàng hóa của ING cho biết.
Sabrin Chowdhury, người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại đơn vị nghiên cứu BMI của Fitch Solutions cũng cho biết: “Giá hàng hóa đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý xấu đi nhanh chóng khi nỗi lo suy thoái toàn cầu gia tăng trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang”. Bà nói thêm rằng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái hiện là hơn 50%.
Đồng nói riêng là một chỉ báo hàng đầu về sức khỏe kinh tế, xét đến việc sử dụng kim loại này trong nhiều lĩnh vực. Mặc dù giá đồng tương lai tại New York tăng trong ngày 9/4, nhưng hiện nó đang được giao dịch ở mức 8.380 USD/tấn trên NYMEX, đánh dấu mức giảm hơn 16% kể từ ngày 2/4, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Thị trường kim loại có khả năng vẫn chịu áp lực khi Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, ngày càng trở thành tâm điểm chú ý.
“Với việc tăng trưởng tại Mỹ có khả năng chậm lại do thuế quan và Trung Quốc đang phải vật lộn để phục hồi nền kinh tế, nhu cầu về đồng và các kim loại công nghiệp khác có khả năng sẽ suy yếu”, Ewa Manthey, một chiến lược gia hàng hóa tại ING cho biết.
Tương tự, Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo giá đồng, với lý do là kim loại này dư thừa và dự báo về nền kinh tế Mỹ trì trệ.
Thậm chí trong trường hợp suy thoái kinh tế ở Mỹ, Goldman Sachs dự báo giá đồng có thể giảm xuống mức thấp nhất từng thấy trong cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu của Trump và đại dịch Covid-19, lần lượt là 6.500 đô la và 5.900 USD/tấn.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao

Các quan chức Fed chuẩn bị ứng phó với lạm phát cao hơn
