Để “quốc bảo” trở thành quốc kế dân sinh
Chưa được nhìn nhận như “quốc bảo”
Sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam), được nhiều người gọi là “quốc bảo”. Bởi, đây là loài dược liệu được đánh giá là rất quý hiếm. Với những công dụng đặc biệt mà ít loài cây dược liệu có được. Cụ thể, sâm Ngọc Linh, với hàm lượng của nhiều dược chất cao so với các loại sâm trên thế giới. Hiện, một số địa phương ở miền Trung - Tây Nguyên đã nuôi trồng, phát triển cây sâm quý hiếm này. Nhiều nhất tại Quảng Nam và Kon Tum với diện tích hơn 6.000 ha. Bên cạnh, một số doanh nghiệp cũng đã tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước...
Tuy nhiên, mới đây tại một cuộc hội thảo về cây sâm Ngọc Linh được tổ chức tại Tam Kỳ (Quảng Nam), bà Nguyễn Thị Thu Liên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển sâm Ngọc Linh cho biết, kể từ khi được gọi là “quốc bảo”, cây sâm Ngọc Linh không còn là đối tượng cây trồng đơn thuần trong danh mục trồng trọt của ngành nông nghiệp, mà đã trở thành đối tượng đặc biệt, được đối xử đặc biệt và được bảo vệ đặc biệt. Thế nhưng, trên thực tế hiện nay cây sâm Ngọc Linh mới chỉ được khai thác như một đối tượng kinh tế chứ chưa được nhìn nhận như một “quốc bảo”.
Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, đến nay sâm Ngọc Linh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Việc trồng, chế biến, tiêu thụ sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Trong đó, nổi lên là tình trạng thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở sơ chế biến sâu, công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế...
![]() |
Việc ươm giống, gây trồng cây sâm Ngọc Linh còn gặp khó khăn |
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, những năm qua chính quyền 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã chú trọng việc quy hoạch vùng bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh. Hai địa phương cũng đã đầu tư hơn 471,8 tỷ đồng để xây dựng, phát triển hạ tầng vùng sâm. Tuy nhiên, trên thực tế việc gây trồng, phát triển loại dược liệu quý hiếm này vẫn gặp không ít khó khăn. Trong đó, do chịu tác động mạnh của hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến cực đoan làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây sâm. Tình hình dịch bệnh đốm vòng, sương mai, thối rễ, sâu hại, chuột phá sâm trong 2 năm gần đây gây thiệt hại không nhỏ đến vùng sản xuất sâm. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam thông tin, đến nay 20 doanh nghiệp và người dân đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh ở địa phương với trên 1.600 ha. Tuy vậy, việc phát triển cây sâm và sản phẩm từ sâm Ngọc Linh chưa có định hướng cụ thể, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực. Không chỉ vậy, trên thị trường các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh vẫn đang lẫn lộn thật giả, khiến người tiêu dùng bối rối. Những người bán hàng giả quảng cáo sai sự thật nhưng chưa có trường hợp nào bị cơ quan chức năng xử lý. Bên cạnh đó, còn có những quy định ở các địa phương hiện vẫn có sự chồng chéo, khiến khó thực hiện công việc hỗ trợ cho người dân trong việc trồng, phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Cần sự quy hoạch bài bản
Theo ông Vũ Thành Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Tổng Cục Lâm nghiệp, chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 phấn đấu bảo tồn diện tích có sâm phân bố trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 200 nghìn ha tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai; cung cấp 80% giống cây sâm Việt Nam đạt chuẩn chất lượng. Trong đó, có 50% giống được nhân từ mô nuôi cấy; hình thành vùng nguyên liệu khoảng 27 nghìn ha; sản lượng sâm khai thác đạt khoảng 500 - 700 tấn, đạt tiêu chuẩn GMP-WHO… Cùng với đó, hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và Lai Châu với diện tích 27.000 ha. Về giống, cung cấp được tối thiểu 80% giống cây sâm Việt có chất lượng đạt chuẩn, nhằm tạo ra những đột phá mới về năng suất, chất lượng...
Mới đây, Chính phủ cũng đã có văn bản giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp bộ, ngành liên quan, và các địa phương có nuôi trồng, phát triển sâm Ngọc Linh tiến hành tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển sâm Ngọc Linh trong thời gian qua; Xây dựng Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045. Mục tiêu chung là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế, tăng thu nhập cho người làm rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Để “quốc bảo” trở thành quốc kế dân sinh, theo nhiều chuyên gia, cần có cơ chế chính sách riêng đủ mạnh trong đầu tư sâm Ngọc Linh nói riêng và các dược liệu nói chung. Thu hút được các doanh nghiệp vào trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh; xây dựng bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch… phù hợp thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho sâm Ngọc Linh tiếp cận với thị trường thế giới... Cụ thể hơn, cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Liên, nguồn gen giống gốc Sâm Ngọc Linh bản địa cần phải được bảo tồn để không bị lai tạp. Cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia cho sâm Ngọc Linh, khuyến khích và đầu tư nguồn lực Nhà nước cho việc ra đời những siêu phẩm chiết xuất, chế biến từ sâm Ngọc Linh có giá trị và công dụng vượt trội; có chính sách khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng… Hiện, vốn đầu tư để phát triển sâm Ngọc Linh cũng rất lớn. Cụ thể, để đầu tư trồng với diện tích 1 ha ước tính kinh phí lên đến hàng tỷ đồng nên người dân không đủ tiền đầu tư. Bởi vậy, cần có cơ chế, chính sách riêng đủ mạnh về tín dụng đầu tư trong đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại dược liệu khác.
Trong khi đó, theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chúng ta đang hướng đến việc cung ứng sản phẩm sâm Ngọc Linh cho thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu. Bởi vậy, rất cần các bộ, ngành cũng như những vùng phụ cận bàn bạc, đề xuất, thảo luận, cùng nhau định hướng, tìm ra những giải pháp nhằm phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm thương hiệu sâm quốc gia Việt Nam, là “quốc bảo” cần được bảo vệ và phát triển. Quảng Nam và các địa phương lân cận đang rất cần sự hỗ trợ tích cực trong xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển rừng bền vững gắn với du lịch xanh, tạo sinh kế cho người dân tại các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và xây dựng chiến lược phát triển sâm Ngọc Linh, xây dựng vườn giống quốc gia cũng như hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại địa phương, với sản phẩm chủ lực là sâm Ngọc Linh.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
