Đà Nẵng nỗ lực gỡ 'nút thắt' giải phóng mặt bằng
Gỡ vướng mặt bằng cho các dự án
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhiều công trình, dự án tại Đà Nẵng luôn chậm trễ, kéo dài là do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Qua rà soát nhiều dự án cho thấy, trong năm 2022, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến chậm giải ngân vốn đền bù giải tỏa, kéo theo chậm giải ngân vốn xây lắp công trình đã bố trí.
Đơn cử tại huyện Hòa Vang - nơi có nhiều công trình, dự án lớn đang triển khai, tiến độ giải phóng mặt bằng cũng đang gặp nhiều trở ngại. Trong số 17 dự án nhóm 1 năm 2022 tại đây chỉ có 3 dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; với các dự án nhóm II chỉ có 3/37 dự án hoàn thành bàn giao mặt bằng. Hơn thế, nhiều dự án thậm chí chưa đủ hồ sơ pháp lý để triển khai giải phóng mặt bằng như Khu tái định cư Trung tâm xã Hòa Bắc, Khu biệt thự sinh thái hồ Trước Đông, Vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài, chợ đầu mối Hòa Phước… Tuyến đường vành đai phía Tây (dài 19,3 km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.134 tỷ đồng) hiện vẫn dang dở dù đã trễ tiến độ 29 tháng và được gia hạn tới 3 lần. Tương tự, dự án nâng cấp đường DT 601 dài hơn 35km, sau khi tăng vốn lên hơn 700 tỷ đồng, hiện vẫn dang dở, dù đã trễ tiến độ và được gia hạn. Trong nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm trễ thì các vướng mắc về mặt bằng vẫn là trở ngại chính.
![]() |
Do vướng mắc về mặt bằng, Dự án nâng cấp đường DT 601 tăng vốn lên hơn 700 tỷ đồng, hiện vẫn dang dở, dù đã trễ tiến độ và được gia hạn. |
Theo ông Trần Ngạnh, Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, các dự án đang thực hiện đa số là tồn đọng từ nhiều năm trước. Việc dự án kéo dài nhiều năm đã dẫn đến chênh lệch giá bồi thường, giá nhân công xây dựng, vật liệu xây dựng so với tại thời điểm giải phóng mặt bằng. Đó là nguyên nhân khiến người dân chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ giải tỏa đền bù. Ngoài ra, do quy hoạch không đồng bộ nên khi phê duyệt dự án chưa có đất tái định cư dẫn đến người dân chưa bàn giao mặt bằng. Có những khu đất đã bố trí tái định cư nhưng chưa có đơn giá đất để người dân nộp tiền sử dụng đất dẫn đến người dân khiếu nại.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2023 Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp, nhất là gỡ vướng về mặt bằng. Thành phố cũng đã lập kế hoạch tiến độ, yêu cầu tập trung giải tỏa đền bù đúng tiến độ 202 dự án. Theo đó, yêu cầu trước 30/4, phải hoàn thành giải tỏa đền bù với 6 dự án đã cam kết hoàn thành từ năm 2018 nhưng kéo dài đến nay. Các dự án khác đều phải hoàn thành giải tỏa đền bù trong năm 2023. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác giải ngân hơn 7,9 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023, các địa phương, đơn vị cần tập trung giải phóng mặt bằng các công trình, dự án do các ban quản lý dự án được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư để giải ngân vốn đền bù giải tỏa, các quận, huyện nỗ lực để thực hiện các công trình dân sinh được phân cấp, nhằm giải ngân đạt số vốn do thành phố phân bổ trong năm 2023.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Mới đây, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023, nhất là đối với các công trình, dự án động lực, trọng điểm của thành phố. Đồng thời tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, tiếp cận vốn... theo nguyên tắc “cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ”, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp. Đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chuyên trách, công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công, khả năng tham gia của cộng đồng vào việc giám sát các dự án đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch...
Ngay từ đầu năm 2023, Ban Quản lý công trình xây dựng cơ bản quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng triển khai tháo dỡ một số ngôi nhà, công trình đã được chủ hộ bàn giao mặt bằng tại khu vực dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại sân vận động Chi Lăng, hiện còn 9 hộ dân và 2 tổ chức thuộc dự án chưa bàn giao mặt bằng, quận sẽ tập trung giải quyết các vướng mắc, vận động bàn giao mặt bằng trong quý I và II năm nay. Bên cạnh dự án nói trên, quận Hải Châu phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng 3 dự án khác trong năm 2023 với 9 hồ sơ đền bù giải tỏa; đồng thời, triển khai hoàn thành giải tỏa 69 trường hợp trong năm 2023 và 325 trường hợp trong năm 2024 đối với 16 dự án.
Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Đăng Huy chia sẻ, trong năm 2023, quận chọn chủ đề “Năm đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư công và bảo đảm an sinh xã hội”. Theo đó, quận ban hành chương trình công tác năm 2023 với nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung hoàn thành công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư theo kế hoạch vốn được giao; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Tuyến đường Trục 1 - Tây Bắc, Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam...
Hiện quận Liên Chiểu đang tập trung giải quyết các vướng mắc, hoàn thành giải phóng mặt bằng 4 trường hợp giải tỏa còn lại tại dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Kênh thoát nước và vệt cây xanh cách ly Khu công nghiệp Hòa Khánh, khu số 1 - Trung tâm đô thị mới Tây Bắc trong quý I năm nay; hoàn thành giải phóng mặt bằng 28 trường hợp giải tỏa còn lại tại dự án Trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, Khu tái định cư Hòa Hiệp 3 (giai đoạn 2), Khu tái định cư Hòa Hiệp mở rộng chậm nhất đến ngày 30/4/2023. Quận phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng 20 dự án trong năm 2023.
Năm 2023, huyện Hòa Vang triển khai giải phóng mặt bằng 46 dự án. Huyện đang tập trung triển khai, hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, động lực như: dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.601; Nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 14B đoạn qua huyện Hòa Vang; Tuyến đường vành đai phía Tây; Cụm công nghiệp Hòa Nhơn; chợ đầu mối Hòa Phước; đường cao tốc đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông Đà Nẵng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng chia sẻ: Để chủ động, tích cực giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND thành phố đã giao, phân bổ và công khai chi tiết kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư, địa phương và đơn vị. Trong đó, 7.647 tỷ đồng được bố trí để đầu tư 353 công trình trên địa bàn thành phố, gồm 780 tỷ đồng để đền bù giải tỏa và 6.867 tỷ đồng được bố trí để thanh toán khối lượng xây lắp, thi công. Hiện các sở, ban, ngành và địa phương đang tích cực, chủ động triển khai các giải pháp giải ngân các nguồn vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, góp phần thực hiện thành công chủ đề năm 2023 mà thành phố đã chọn “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ
