Cơ hội thoát nghèo cho đồng bào miền núi Phú Yên
Phú Yên phấn đấu tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách 10%/năm Phú Yên: Gần 23.000 lượt hộ được vay vốn tín dụng chính sách |
Thoát nghèo và ổn định nơi ở
Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 đang được đẩy mạnh thực hiện trong cả nước. Trong đó, cũng như nhiều địa phương khác ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ chính sách này đã và đang là cơ hội để người dân đồng bào miền núi ở Phú Yên thoát nghèo và ổn định cuộc sống…
Được biết, chương trình cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, dành cho đối tượng là hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tùy mục đích vay vốn, thời hạn cho vay lên đến 15 năm, với lãi suất ưu đãi… Trong đó, nghị định này cũng quy định cụ thể đối với từng mục đích vay, bao gồm cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đến nay, từ nguồn vốn ưu đãi này, nhiều hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Phú Yên đã có cơ hội thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, có gia đình ông Hờ Vin Y Nuôi, trú ở xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh. Theo đó, trước đây gia đình ông gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư sản xuất nông nghiệp. Đến đầu năm 2023, ông Hờ Vin Y Nuôi được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Phú Yên cho vay 30 triệu đồng, với lãi suất chỉ 3%/năm, theo chương trình của Nghị định 28/2022/NĐ-CP.
Từ nguồn vốn này, gia đình ông đã đầu tư vật tư, nhân công sản xuất lúa nước trên diện tích 2.000 m2. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn vay ưu đãi này, gia đình ông còn đầu tư chăn nuôi heo, gà chăn thả trong vườn nhà, giúp cho hộ gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cuộc sống.
![]() |
Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Phú Yên đã có cơ hội thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống. |
Không riêng hộ gia đình ông Hờ Vin Y Nuôi, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn Phú Yên đã được vay vốn từ NHCSXH theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, để mở rộng quy mô phát triển nhiều loại hình kinh tế, giúp thu nhập ổn định, từ đó xóa đói giảm nghèo bền vững…
Bên cạnh việc xóa đói giảm nghèo, nguồn vốn ưu đãi còn giúp nhiều hộ gia đình vùng núi Phú Yên ổn định nơi ở. Cũng tại huyện Sông Hinh, có gia đình chị Mô Lô Hờ Lon, trú xã Ea Trol, trước đây gia đình chị phải sống chật chội trong ngôi nhà chung với cha mẹ… Thế nhưng, được vay số tiền 40 triều đồng, với lãi suất ưu đãi từ NHCSXH theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, cùng với số tiền tích cóp được, gia đình chị đã có điều kiện xây dựng ngôi nhà mới. Chị Mô Lô Hờ Lon tâm sự, nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi này, sẽ rất khó để gia đình chị có điều kiện xây nhà, ổn định được nơi ở như hiện nay…
Vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất
Được biết, chương trình cho vay ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu được giải ngân trên địa bàn Phú Yên từ quý 4 năm 2022. Tính đến hết tháng 9/2023, NHCSXH chi nhánh Phú Yên đã giải ngân gần 58,1 tỷ đồng cho 1.158 hộ vay vốn. Cùng với nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách khác, nguồn vốn cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP đem lại hiệu quả rất thiết thực. Đến nay, tại Phú Yên nguồn vốn này đã giúp 437 hộ có nhà ở ổn định, 714 hộ vay vốn sản xuất kinh doanh chuyển đổi nghề, phát triển kinh tế và 7 hộ vay vốn cải tạo đất sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống…
Đại diện Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Phú Yên cho rằng, chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP có thời gian cho vay dài, lãi suất thấp, do đó, các đơn vị liên quan nên quan tâm tuyên truyền, giúp người dân hiểu được lợi ích của việc vay vốn này để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
![]() |
Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay vốn theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, NHCSXH chi nhánh Phú Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, hướng dẫn... |
Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Phú Yên, kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đơn vị đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Để thực hiện hiệu quả chương trình này, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương, đơn vị đã chủ động tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc, các sở, ban ngành đoàn thể có liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng thời, chỉ đạo các phòng giao dịch NHCSXH huyện phối hợp với phòng lao động, thương binh xã hội… tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo triển khai đến các xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát, xác định đối tượng để trình UBND huyện, thành phố phê duyệt. Các đơn vị đã có danh sách đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng.
Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay vốn theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, NHCSXH chi nhánh Phú Yên còn tăng cường chỉ đạo cho phòng giao dịch các địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản, hướng dẫn của cấp trên về quy định, quy trình cho vay để người dân hiểu, tham gia.
Cũng theo ông Hồ Văn Thục, trong thời gian tới NHCSXH chi nhánh Phú Yên sẽ tiếp tục phối hợp Ban Dân tộc tỉnh triển khai đến đơn vị trực thuộc các huyện rà soát nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung cho vay hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, cải tạo đất sản xuất, nhằm giúp đối tượng thụ hưởng phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới
