Khơi thông du lịch đường thủy
14:33 | 11/08/2023
Thời gian qua, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai hiệu quả các dự án đầu tư như tuyến quốc lộ 14D, 14G và 14B, kết nối hệ thống giao thông thông qua các quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch vùng giữa các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam giáp với Đà Nẵng.
Du lịch đường thủy: Tiềm năng lớn, khai thác dè dặt Phát triển du lịch đường thủy thành sản phẩm đặc trưng |
Đối với dự án khơi thông sông Cổ Cò, với tổng chiều dài 28km, trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Nam có chiều dài 19,7km, đoạn qua Đà Nẵng có chiều dài 8,3km. Trên toàn tuyến sông này quy hoạch 15 cầu, phía Đà Nẵng đầu tư 3 cầu, phía Quảng Nam đầu tư 12 cầu.
![]() |
Tuyến đường thuỷ sông Cổ Cò được các chuyên gia đánh giá là có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch của hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng |
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Nam đã triển khai lập quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông, du lịch và quy hoạch chung hai địa phương; phê duyệt nhiệm vụ và dự toán thiết kế đô thị (1/2.000) tuyến ven biển, tuyến ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến Hội An.
Để khai thác tuyến du lịch nối Đà Nẵng với đô thị cổ Hội An theo tuyến sông Cổ Cò và tuyến Đà Nẵng - Cù Lao Chàm, Đà Nẵng ban hành Kế hoạch số 3847/QĐ-UBND về đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn đến năm 2025. Như vậy, hai địa phương phối hợp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội vùng tam giác Đà Nẵng - Hội An - Điện Bàn; phối hợp xúc tiến quảng bá, phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch; hợp tác, hỗ trợ đầu tư phát triển trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục.
Đồng thời, liên kết phát huy, khai thác sản phẩm du lịch liên vùng, ưu tiên hai dòng sản phẩm "Con đường di sản" và "Đường mòn sinh thái"; Xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng liên vùng của hai địa phương là du lịch biển và nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch đường sông.
Tuy nhiên đến nay, tuyến đường sông Cổ Cò đoạn qua thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) vẫn chưa được khơi thông. Hiện tại dự án đang gặp một số khó khăn về giải phóng mặt bằng, cũng như nguồn vốn thực hiện dẫn đến việc dự án bị chậm tiến độ.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, đoạn qua địa phận thị xã Điện Bàn,
Yêu cầu thị xã Điện Bàn khẩn trương giải quyết tồn tại, vướng mắc tại từng đoạn tuyến, công trình, hạng mục công trình, công việc cụ thể, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của dự án... Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam hướng dẫn thị xã Điện Bàn phê duyệt giá đất cụ thể và giá đất tái định cư để làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Công trình này dài 19km, có tổng mức đầu tư 850 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng 237,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2025. Dự án gồm các hạng mục như thi công cầu Ông Điền, cầu Nghĩa Tự, nạo vét luồng từ Km9+500 đến Km14.
Đến nay, ngoài cầu ông Điền đã hoàn thành, các hạng mục khác đều chậm tiến độ do vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Theo báo cáo của thị xã Điện Bàn, tính đến ngày 22/5/2023, tổng diện tích ảnh hưởng của dự án 90ha; tổng số thửa đất ảnh hưởng 1.196 thửa, trong đó số thửa bồi thường 1.029 thửa; số thửa không bồi thường 167 thửa.
Dự án đã được phê duyệt 21 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng số hộ ảnh hưởng 56 hộ, số thửa bồi thường 916 thửa và giá trị bồi thường, hỗ trợ 121,2 tỷ đồng.
Về dự án cầu Nghĩa Tự tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn vẫn chưa thể khởi công do chưa có mặt bằng. Dự án này đã được tỉnh Quảng Nam phê duyệt, với tổng mức đầu tư 315 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 131 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự án từ ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2025.
Trước đó, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã yêu cầu đến ngày 30/10/2023, phải bàn giao mặt bằng toàn tuyến để đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Dự án nạo vét sông Cổ Cò đã được UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng cũng đã cho chủ trương bằng nguồn vốn ứng phó biến đổi khí hậu, nhưng hiện nguồn vốn này gặp khó khăn từ phía nhà tài trợ.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đà Nẵng - Quảng Nam được xác định là địa bàn trọng điểm của du lịch duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Kết nối giữa hai địa danh nổi tiếng này là vùng đệm Điện Bàn hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch.
Công Thái