Thời điểm vàng cho doanh nghiệp start-up

Theo “Báo cáo thường niên công nghệ 2024” của Tracxn, các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam đã huy động được tổng cộng 120,3 triệu USD trong năm 2024. Với tổng vốn tài trợ 120,3 triệu USD, Việt Nam hiện đứng thứ 51 toàn cầu về tổng số vốn tài trợ.
Start-up có nên chọn tăng trưởng nóng? Tăng cường kết nối Start-up công nghệ thông tin Tận dụng kênh truyền thông miễn phí khi khởi nghiệp

Thị trường tiềm năng

Theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt Nam hiện có khoảng 3.800 start-up, trong đó 11 start-up được định giá hơn 100 triệu USD và 3 start-up được định giá hơn 1 tỷ USD, gồm: Momo, VNG và VNLife. Việt Nam hiện là trụ cột thứ 3 trong tam giác vàng khởi nghiệp Đông Nam Á cùng với Singapore và Indonesia. Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của nước ta cũng có dấu hiệu phát triển tích cực, thăng hạng từ vị trí thứ 58 lên 56 trên thế giới vào năm 2024.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0% so với năm trước. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong phương thức mua bán hàng hóa cũng khá rõ rệt trong nửa cuối năm nay. Các phương thức mua bán truyền thống đang dần giảm mạnh khi người tiêu dùng ngày càng chuộng mua sắm trực tuyến. Thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2024 đã tăng trưởng trong khoảng từ 18 - 20% và dự kiến sẽ vượt mốc 25 tỷ USD trong năm 2025. Điều này chứng minh sự phát triển đầy tiềm năng của xu hướng kinh doanh online đối với các chủ doanh nghiệp trong nhiều năm tới.

Vì vậy, theo các chuyên gia, năm 2025 sẽ là cơ hội lớn đối với các start-up kinh doanh công nghệ như Fintech, Edtech hay Healthtech. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng song song với sự bùng nổ của du lịch nội địa và quốc tế sẽ tạo ra thêm nhiều lĩnh vực khởi nghiệp mang lại lợi nhuận cao như ngành bán lẻ, bất động sản, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Việc tập trung vào đầu tư giáo dục và đào tạo cũng sẽ là một lựa chọn thông minh của năm 2025 khi xu thế học tập suốt đời, trau dồi kỹ năng số tăng cao tại Việt Nam, đặc biệt ở nhóm dân số trẻ và lao động phổ thông.

Năm 2025 sẽ là cơ hội lớn đối với các start-up kinh doanh công nghệ như Fintech, Edtech hay Healthtech
Năm 2025 sẽ là cơ hội lớn đối với các start-up kinh doanh công nghệ như Fintech, Edtech hay Healthtech

Xu hướng phát triển bền vững chiếm ưu thế

Đặc biệt, 2025 sẽ là năm của sự bứt phá, vì vậy, xu hướng sẽ là tập trung vào thị trường ngách, tìm kiếm những mặt hàng hay dịch vụ đem lại trải nghiệm mới mẻ. Đồng thời, khách hàng ngày nay đang ngày càng ưu ái với các sản phẩm có tính cá nhân hóa, bảo vệ môi trường cùng sự phát triển bền vững.

Các chuyên gia nhận định, đối với Việt Nam, năm 2025 chính là thời điểm vàng để các cá nhân hay nhóm cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp dần thực hiện hóa những hoài bão đầy sáng tạo của mình. Vì vậy, việc hiểu và đưa ra định hướng đúng đắn cho doanh nghiệp là rất quan trọng.

Báo cáo của VinVentures về xu hướng năm 2025 đã chỉ ra những yếu tố quan trọng tác động đến quyết định đầu tư. Đầu tiên là lãi suất, tiếp theo là vấn đề phát triển bền vững. Các công ty tập trung vào các sáng kiến về “xanh hóa”, năng lượng tái tạo và các chiến lược ESG sẽ thu hút sự quan tâm lớn hơn với nguồn vốn đầu tư. Cuối cùng, xu hướng chuyển hướng ưu tiên lợi nhuận thay vì tăng trưởng sẽ trở thành trọng tâm. Trong bối cảnh các điều kiện đầu tư trở nên khắt khe hơn, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng tạo ra lợi nhuận bền vững, với mô hình chi phí hiệu quả và chiến lược kinh doanh ổn định. Các start-up cần chuyển hướng từ việc chỉ tập trung vào tăng trưởng mạnh mẽ sang việc đảm bảo sự ổn định tài chính và hoạch định rõ ràng con đường đạt được lợi nhuận.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đã bước qua giai đoạn phát triển phong trào và đang bước sang giai đoạn mới, mở rộng cả về quy mô và chiều sâu. Đây là giai đoạn cần có sự tăng cường liên kết cả trong và ngoài nước. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có sự điều chỉnh, thay đổi vai trò và vị trí của các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đáng chú ý, việc đồng bộ triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia theo Quyết định số 844/QĐ-TTg đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng và chỉ số về đầu tư mạo hiểm. Thông qua đó, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách, đào tạo nâng cao năng lực cho khoảng 25.000 cá nhân, tổ chức trong hệ sinh thái, hỗ trợ khoảng 2.000 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kết nối, hợp tác về khởi nghiệp sáng tạo với hàng chục đối tác quốc tế lớn như ADB, UNDP, World Bank..., thu hút đa dạng nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực quốc tế, “đầu tư thiên thần” cho hệ sinh thái.

Ông Quất cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa vai trò của Chính phủ trong xây dựng thể chế, nhất là các cơ chế và chính sách riêng phù hợp với đặc thù của khởi nghiệp sáng tạo. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước cần phải là nơi đưa ra các đầu bài, nhu cầu, nhưng cũng phải là nhà đầu tư, người sử dụng các kết quả khởi nghiệp sáng tạo.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thoi-diem-vang-cho-doanh-nghiep-start-up-160375.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.