Tại Hội thảo các diễn giả tập trung thảo luận một số nội dung chính như thị trường tài chính Việt Nam - nhận diện rủi ro và các khuyến nghị; cảnh báo sớm rủi ro thị trường tài chính. Theo chia sẻ của đại diện Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, hiện nay quy mô tín dụng ngân hàng khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, tương đương 125% GDP. Quy mô thị trường vốn (vốn hóa cổ phiếu, dư nợ trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) khoảng 8,4 triệu tỷ đồng, tương đương 88% GDP, giảm mạnh sau khi đạt đỉnh cuối năm 2021 (khoảng 132% GDP) chủ yếu do vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm.
Đại diện Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng chỉ ra một số rủi ro có thể nhận thấy trong thị trường tài chính thời gian tới. Cụ thể, hệ thống ngân hàng gặp áp lực về nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tăng. Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng dự kiến giảm tốc trong năm 2023. NIM trong năm 2023 giảm chủ yếu do lãi suất cho vay giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Đối với lĩnh vực chứng khoán, huy động vốn trên thị trường chứng khoán còn khó khăn, áp lực thanh toán trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 cao và thị trường bất động sản hồi phục chậm, gây áp lực lên giá cổ phiếu ngành bất động sản, ngân hàng… Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng gây áp lực lên thị trường chứng khoản.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại Hội thảo, đại diện NHNN chia sẻ, thực tế nền móng pháp lý cho ổn định tài chính và điều hành chính sách an toàn vĩ mô tại Việt Nam đã được ban hành, nhưng chủ yếu là văn bản dưới Luật, chưa phát huy được hiệu lực thực thi và cần tiếp tục hoàn thiện. Hệ thống giám sát tài chính chưa có phân công rõ ràng về trách nhiệm của từng đơn vị liên quan đến chính sách an toàn vĩ mô.
Ngoài ra, việc thực thi đầy đủ khuôn khổ chính sách an toàn vĩ mô cho toàn bộ hệ thống tài chính gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ quan được chỉ định rõ ràng là đầu mối hoặc chủ trì chính sách. Do đó, đại diện NHNN khuyến nghị, cần một đơn vị hoặc hội đồng mang tính kết nối, điều phối các hoạt động liên quan giữa các bên về vấn đề ổn định tài chính. Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan giám sát trong hệ thống tài chính Việt Nam; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan để tránh chồng chéo khắc phục khoảng trống giám sát và đảm bảo quá trình triển khai chính sách an toàn vĩ mô được chặt chẽ và đầy đủ thông tin; Bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động ổn định tiền tệ tài chính nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của NHNN trong thực hiện vai trò đầu mối, đánh giá và giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý cho chính sách an toàn vĩ mô đối với toàn bộ hệ thống tài chính Việt Nam cần được ban hành theo lộ trình đã xác định trong các Chiến lược dài hạn như Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2025-2030, chiến lược nợ công đến năm 2030…
Để giữ ổn định của thị trường tài chính, chuyên gia cũng khuyến nghị, các công cụ an toàn vĩ mô theo thông lệ quốc tế cần sớm được áp dụng, giảm dần việc sử dụng các công cụ lưỡng tính khi khuôn khổ điều hành chính sách an toàn vĩ mô dần tách biệt với chính sách an toàn vi mô và chính sách tín dụng; Cần hình thành dữ liệu giải quyết khoảng trống trong đánh giá các nguồn rủi ro mới như rủi ro từ đổi mới, sáng tạo tài chính, rủi ro hoạt động, biến đổi khí hậu; củng cố hơn nữa các chỉ tiêu, công cụ phân tích: các chỉ số an toàn vĩ mô, hệ thống các chỉ số dẫn báo rủi ro hệ thống, hệ thống các chỉ số kích ứng chính sách an toàn vĩ mô, các mô hình, phương pháp phân tích tính dễ bị tổn thương của các khu vực nền kinh tế...
Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ WB, Cơ quan dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc, Vietcombank trình bày nội dung về đo lường mức độ ổn định thị trường tài chính; kinh nghiệm xây dựng mô hình đánh giá sức chống chịu của hệ thống ngân hàng; kinh nghiệm quản trị rủi ro tín dụng theo Basel II tại ngân hàng.
Ngoài ra, Hội thảo còn có các tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu đến từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Học viện Ngân hàng… về các vấn đề liên quan như lành mạnh hóa thị trường tài chính, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế; đảm bảo an ninh tài chính quốc gia: thách thức và giải pháp cho Việt Nam; các yếu tố tác động đến rủi ro tín dụng của một số ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và giám sát tổ chức tài chính có tầm quan trọng đối với ổn định tài chính…
Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và một số cơ quan liên quan của Việt Nam thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) được triển khai trong 5 năm 2021-2025. Mục tiêu của Dự án là xây dựng các công cụ cảnh báo sớm khu vực tài chính, bao gồm bộ chỉ tiêu giám sát, mô hình cảnh báo sớm, mô hình thử sức căng, góp phần đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính, qua đó hỗ trợ mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/giu-vung-on-dinh-thi-truong-tai-chinh-146969.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.