Doanh nghiệp tìm đến trọng tài thương mại ngày càng nhiều Cạnh tranh trên thị trường trọng tài thương mại Để phát huy vai trò của trọng tài thương mại |
Tại buổi tọa đàm mới đây về những vấn đề cần sửa đổi bổ sung trong Luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng thương mại Việt Nam do Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) Việt Nam Chambers cùng Hop Dang’s Chambers, phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, bà Nguyễn Thị Mai, chuyên gia độc lập, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), trọng tài viên VIAC phân tích, số vụ việc xử lý tranh chấp tăng 744% kể từ khi có Luật trọng tài thương mại là khá ấn tượng. Tuy nhiên, thống kê năm 2014-2015 cho thấy các vụ giải quyết qua trọng tài thương mại chỉ chiếm 1% trong các tranh chấp thương mại cho thấy trọng tài thương mại chưa phát huy được ưu thế so với năng lực. Nguyên nhân không chỉ vì doanh nghiệp chưa có hiểu biết về phương thức trọng tài đầy đủ, cùng tư duy truyền thống muốn giải quyết tòa án, mà còn là vì hoạt động của trọng tài thương mại khá bó hẹp cùng nhiều rào cản khác.
Theo Hội Luật gia Việt Nam, mặc dù Điều 2 Luật trọng tài thương mại đã có quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài thương mại bao gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài. Nhưng một số quy định chồng chéo hoặc thiếu quy định của các bộ luật, luật chuyên ngành khác đã gây khó khăn, hạn chế cho việc xác định, mở rộng phạm vi thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cho một số loại hình tranh chấp cụ thể.
Ví dụ Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài nhưng có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Điều này dẫn tới việc một số tòa án khi xét xử đã cho rằng các vụ việc dân sự có liên quan đến quyền đối với bất động sản trên lãnh thổ Việt Nam sẽ không thể được xét xử bằng trọng tài.
Hay như tranh chấp về đất đai và lao động đứng hàng đầu trong các vụ việc tòa án Việt Nam giải quyết thì hiện nay pháp luật lại quy định về thuộc thẩm quyền riêng của tòa án.
Mừng vì dự thảo Luật Đất đai hiện nay đã mở rộng các tranh chấp về thương mại phát sinh từ đất đai do trọng tài giải quyết, nhưng bà Nguyễn Thị Mai cũng chỉ ra hoạt động trọng tài vẫn bó buộc chỉ trong tranh chấp thương mại. “Nếu như ngay trong pháp luật đã loại trừ các loại tranh chấp mà trọng tài có thể giải quyết thì phạm vi trọng tài đã bị thu hẹp đi rất nhiều. Theo Điều 2 của Luật trọng tài thương mại, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài theo phương thức chọn cho thì chúng ta lại chọn bỏ”, bà nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần mở rộng phạm vi giải quyết của trọng tài ra mọi tranh chấp. Thẩm quyền trọng tài không nên chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại, mà nên theo nguyên tắc chung là cho phép các bên được lựa chọn trọng tài để giải quyết các tranh chấp dân sự mà pháp luật không cấm hay hạn chế. Điều này đem đến cho người dân quyền tối thượng trọng việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Đây cũng là một trong 4 điểm cần tháo gỡ mà Hội Luật gia Việt Nam đã đặt ra trong dự thảo sửa đổi Luật trọng tài thương mại đang xây dựng và lấy ý kiến.
Một nút thắt khác cần tháo gỡ là thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (HĐTT) trong thủ tục tố tụng trọng tài. Mặc dù Điều 45, 46 và 47 của Luật trọng tài thương mại đã trao một số quyền cho HĐTT trong việc triệu tập nhân chứng, quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng Luật trọng tài thương mại hiện tại không trao thẩm quyền toàn bộ cho HĐTT thực hiện các thủ tục tố tụng theo quyết định của mình (khi các bên không thống nhất/thỏa thuận được về các thủ tục này). Vì vậy mọi hoạt động tố tụng phải dựa vào các điều khoản riêng lẻ trong Luật trọng tài thương mại, trong khi các điều khoản này không trao thẩm quyền cho HĐTT trong các vấn đề tố tụng phát sinh khác (ví dụ như cách thức thu thập, công nhận chứng cứ, hình thức tổ chức phiên xét xử...) gây khó khăn cho HĐTT trong việc quản trị điều hành vụ kiện trọng tài. Luật pháp hầu hết các quốc gia đều dựa trên cách tiếp cận của Điều 19 Luật Mẫu UNCITRAL, nếu các bên không có thỏa thuận thì HĐTT sẽ có quyền hạn toàn bộ trong việc tiến hành xét xử thao bất kỳ cách thức, trình tự và thủ tục nào mà HDTT cho là phù hợp.
Vì vậy cần mở rộng thẩm quyền của HĐTT trong việc xử lý giải quyết tranh chấp và xử lý các vấn đề tố tụng theo hướng phù hợp với Điều này, không tạo ra các khe hở để các bên cố tình trì hoãn, né tránh việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. HĐTT, đặc biệt là quyền phán quyết trọng tài là một điểm nghẽn cần tháo gỡ để công tác trọng tài phát triển mạnh mẽ trong thời gian tiếp theo.
Bên cạnh đó cần điều chỉnh quy định về phán quyết trọng tài, hủy phán quyết trọng tài, xem xét lại quyết định của Tòa án hủy phán quyết trọng tài. Trong đó cần xây dựng các quy định rõ ràng, minh bạch hơn nhằm hạn chế tình trạng hủy phán quyết trọng tài bất hợp lý; Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế xem xét lại quyết định của Tòa án hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài nhằm kiểm soát và hạn chế tình trạng hủy và không công nhận phán quyết trọng tài, đem lại niềm tin cho các bên lựa chọn sử dụng dịch vụ trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thao-rao-can-cho-hoat-dong-trong-tai-thuong-mai-145230.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.