Tương lai ngành bán lẻ Việt: Mô hình bán hàng đa kênh cất cánh Xu hướng bán hàng đa kênh tiếp tục giữ vững ưu thế |
Bán hàng đa kênh đang chiếm ưu thế
Sau thời gian trầm lắng vì khó khăn, nhờ có bán hàng đa kênh, doanh thu của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PET) đã có sự hồi phục đáng kể. Doanh nghiệp đã triển khai kế hoạch mở rộng ngành hàng và nhãn hàng phân phối, đẩy mạnh hệ thống khách hàng, kênh bán hàng cũng như thực hiện các giải pháp kích cầu, hỗ trợ bán hàng cùng khách hàng - đại lý. Nhờ đó, doanh thu mảng laptop trong quý II/2023 đạt 984 tỷ đồng, tăng 3,6% so với quý trước, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu mảng công nghệ và điện máy tăng mạnh 89,0% so với quý trước đó, tăng 75,3% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả trên đã giúp PET đã giành thêm thị phần đáng kể trên thị trường điện thoại di động Việt Nam trong nửa đầu năm nay.
Tương tự, bán hàng đa kênh cũng đang dần chiếm ưu thế đối với các hàng hóa giá trị cao. Đơn cử, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) áp dụng chính sách giao hàng nhanh trong 3 giờ, thu đổi sản phẩm trong 48 giờ, ưu đãi lên đến 30%... dành cho khách hàng mua hàng trực tuyến. Nhờ đó, kênh bán hàng trực tuyến đã góp sức giúp PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 18.823 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.171 tỷ đồng (tăng 0,3% so với cùng kỳ). Với kết quả này, PNJ đã hoàn thành 60,4% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Theo kết quả khảo sát của Sapo với khoảng 15 nghìn nhà bán lẻ trên toàn quốc, hơn 57% người kinh doanh tại Việt Nam có ít nhất 2 kênh bán hàng gồm cửa hàng vật lý và kênh trực tuyến. Tỷ lệ người chỉ bán tại cửa hàng khoảng 13% và người chỉ bán hàng trực tuyến là hơn 17%. Xét về doanh thu, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của những nhà bán hàng đa kênh là hơn 68%, trong khi đó, con số này đối với những thương hiệu chỉ bán hàng trực tuyến hoặc chỉ bán ở cửa hàng lần lượt là 16,9% và 15,07%. Như vậy, nhà bán hàng đa kênh đang chiếm ưu thế khi kết hợp những hình thức vừa bán trực tiếp vừa trực tuyến.
Không chỉ tham gia bán hàng trên các sàn thương mại tổng hợp, một số doanh nghiệp còn mở rộng kênh bán hàng bằng cách mạnh dạn đầu tư website thương mại điện tử riêng. Đại diện một số doanh nghiệp đã áp dụng mô hình này cho biết, doanh nghiệp có thể điều chỉnh linh động các tính năng, dịch vụ để phù hợp với quy mô; phù hợp từng giai đoạn phát triển.
Theo bà Lê Lan Chi - CEO của ZaloPay, mô hình này không chỉ giúp các doanh nghiệp mở rộng kênh kinh doanh, tăng doanh thu mà còn có điều kiện để tương tác, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giữ mối liên hệ để khách hàng gắn bó hơn với thương hiệu.
![]() |
Bán hàng đa kênh giúp doanh nghiệp tăng doanh thu đáng kể |
Tránh xung đột giữa các kênh bán hàng
Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số bất cập trong việc đưa hàng vào các kênh phân phối. Trong đó, quan trọng là các doanh nghiệp cần để tệp khách hàng của các kênh (offline và nhiều kênh online) không chồng chéo nhau.
Do đó, khi xây dựng chiến lược bán hàng đa kênh, các chuyên gia cho rằng, cần giữ sự cân bằng giữa các kênh phân phối. Theo đó, yếu tố tần suất giữa các buổi bán hàng trực tuyến với ưu đãi cao cần phải được đánh giá thật kỹ, tránh trường hợp doanh nghiệp lại “cạnh tranh” với chính nhà phân phối của mình; có sẵn những chiến lược phối hợp để hỗ trợ kênh phân phối truyền thống, cân nhắc sản xuất các sản phẩm dạng đặc biệt cho kênh phân phối trực tiếp... Điều đó không chỉ giúp nhãn hàng bắt kịp xu hướng mới, mà còn nâng cao nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để bán hàng đa kênh hiệu quả, mở rộng thị trường, tăng lượng tiếp cận khách hàng, các doanh nghiệp cần tận dụng triệt để công nghệ số, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và cách thức tiếp thị cho thương hiệu; đổi mới, đột phá sản phẩm thông qua lắng nghe phản hồi trực tiếp từ khách hàng; xây dựng thương hiệu để tạo lợi thế cạnh tranh trên các kênh bán hàng.
TS. Lã Tiến Dũng, Trường Đại học Thương mại cho rằng, không nhất thiết phải phát triển quá nhiều kênh, điều này có thể gây lãng phí nguồn lực và phức tạp trong quản lý. Các doanh nghiệp bán lẻ khi xây dựng hệ thống bán hàng đa kênh nên dần hoàn thiện mô hình quản lý để tiến tới hệ thống bán hàng hợp kênh. Mô hình này sẽ giúp tất cả các kênh bán hàng được đồng bộ với nhau về thông tin quản lý như sản phẩm, khách hàng, tồn kho, khuyến mại, hoàn tất đơn hàng. Như vậy, chuỗi quản lý đồng bộ này sẽ mang lại trải nghiệm nhất quán cho khách hàng mọi lúc và giúp doanh nghiệp quản lý công việc kinh doanh dễ dàng hơn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ban-hang-da-kenh-cu-hich-giup-doanh-nghiep-tang-hieu-suat-ban-hang-143416.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.