“Trò chơi hóa” trong ứng dụng thanh toán điện tử Thanh toán điện tử lên ngôi |
Nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân. Giai đoạn 2020 - 2025 càng minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Trước năm 2016, khoảng 500 - 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các TCTD, nhưng đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC…
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, để đạt được những kết quả tích cực như vậy, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực trong công cuộc CĐS. NHNN đã xây dựng chiến lược 2021- 2025 nhằm triển khai kế hoạch Chính phủ số và ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành đi đầu với sự tham gia đầu tư của các NHTM với mức đầu tư 15.000 tỷ đồng cho công cuộc CĐS.
Ngoài nỗ lực của ngân hàng, để có được thành công trên, theo bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào, một phần rất lớn là nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là NHNN đã rất chủ động và tạo môi trường tốt cho các ngân hàng hoạt động và phát triển. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam rất hưởng ứng và đón nhận CĐS. Trong một nghiên cứu gần đây của Mastercard nhận thấy, 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm qua. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và kể cả những nước phát triển hơn thì tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 88%, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này là 94%. “Chúng tôi thấy rằng xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục, các ngân hàng sẽ tiếp tục cập nhật, sử dụng và phát triển hơn nữa để nâng cao các dịch vụ ngân hàng và phục vụ tốt hơn cho khách hàng Việt Nam”, bà Winnie Wong nhận định.
![]() |
Ngân hàng là Ngành đi tiên phong trong CĐS |
Bên cạnh những kết quả tích cực, giới chuyên môn đánh giá, trong quá trình CĐS các TCTD và khách hàng đã, đang và sẽ phải đối diện với một số rủi ro. Từ phía ngân hàng, ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc cao cấp An ninh thông tin Techcombank chia sẻ, an toàn bảo mật là vấn đề mà ngân hàng trăn trở nhất. Thời gian qua, bên cạnh truyền thông cho người dùng, ngân hàng cũng luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp về mặt công nghệ để phòng chống gian lận. Ông Tuấn cũng cảnh báo một số loại tấn công mới như tin nhắn mạo danh (SMS brand name), mở tài khoản bằng eKYC sử dụng AI, deepfake. Ngoài ra, còn xuất hiện hình thức lừa đảo với giao dịch QR Code. Cụ thể, đã xuất hiện phần mềm mô phỏng giống với Mobile Banking của các ngân hàng. Khi giao dịch mua hàng, kẻ gian sử dụng phần mềm mô phỏng lừa đảo chuyển tiền cho người bán hàng hiển thị đã chuyển tiền thành công trên phần mềm mô phỏng nhưng thực chất không chuyển tiền và nhiều người bán hàng bận rộn không kịp kiểm tra số dư tài khoản. Như vậy, hành vi lừa đảo đã được thực hiện trót lọt.
“Vấn đề về lừa đảo sẽ luôn luôn tồn tại. Khi chúng ta có hình thức mới, kẻ gian sẽ tìm cách để thực hiện hành vi gian lận. Vì thế, ngân hàng cũng sẽ phải liên tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho khách hàng, luôn đồng hành với khách hàng trong việc giải quyết các bài toán về bảo mật. Khi nhận thức của khách hàng được nâng cao, kể cả hình thức lừa đảo mới cũng rất khó để thực hiện trót lọt”, ông Tuấn khẳng định.
Bà Winnie Wong cho rằng, cùng với quá trình CĐS, các hoạt động tấn công mạng là không thể tránh khỏi. Điều này không chỉ đúng ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thực tế, ngân hàng và các tổ chức tài chính là đối tượng thường bị tấn công nhiều hơn so với các doanh nghiệp khác. Do đó, khi thực hiện CĐS, không chỉ các tổ chức tài chính mà cả nước cần chung tay bảo vệ các giao dịch tài chính. “Mastercard cũng đang hợp lực cùng với các ngân hàng và tổ chức tài chính để xây dựng các giao dịch an toàn và bảo mật. Trong 5 năm vừa qua, chúng tôi đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào việc tự phát triển công nghệ, mua các công nghệ mới hoặc đầu tư vào các công ty công nghệ để có thể tạo ra sự đổi mới giúp ngăn chặn tấn công và củng cố an ninh mạng”, bà Winnie Wong thông tin thêm.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng thừa nhận, vấn đề vừa đảm bảo hoạt động thanh toán điện tử được liên thông thuận lợi nhưng vẫn phải an toàn và ổn định là một trong những vấn đề NHNN rất trăn trở. Để góp phần giảm dần các hành vi lừa đảo, gian lận, NHNN xác định có 5 nhiệm vụ chính: hoàn thiện hành lang pháp lý; đảm bảo các hệ thống thanh toán quan trọng của quốc gia hoạt động thông suốt, liên tục 24/7 là nhiệm vụ sống còn; tích cực ứng dụng các công nghệ mới vào trong quá trình CĐS; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận; tiếp tục truyền thông rộng rãi, phổ cập kiến thức tài chính và các cảnh báo đến người dân.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dam-bao-an-toan-thanh-toan-dien-tu-143189.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.