Cải thiện môi trường kinh doanh: Gỡ bài toán “sợ trách nhiệm”
10:23 | 16/06/2023
Một môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng, và mấu chốt để cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay nằm ở việc thúc đẩy được tinh thần thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ đang “sợ trách nhiệm, sợ rủi ro để không dám làm gì” hiện nay.
Cải thiện môi trường kinh doanh: Còn nhiều việc phải làm Cải cách thủ tục hành chính: Mở đường cho “tăng tốc” Hợp tác cải thiện môi trường kinh doanh |
Doanh nghiệp rất khó khăn
Báo cáo vĩ mô mới đây của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước kém khả quan trong 5 tháng đầu năm cùng với những tồn tại của bản thân doanh nghiệp, khiến niềm tin vào triển vọng kinh tế, sự phục hồi của doanh nghiệp còn mong manh.
Theo báo cáo, doanh nghiệp hiện đang gặp phải 4 khó khăn, vướng mắc chính: Vấn đề pháp lý, môi trường kinh doanh; Vấn đề tài chính (nghĩa vụ thuế và phí; nghĩa vụ nợ phải trả cho đối tác, khách hàng, nợ đọng lẫn nhau; khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn); Thị trường (khó khăn trong cả đầu vào và đầu ra, với chi phí đầu vào như chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics… đang giảm nhưng còn ở mức cao; trong khi đầu ra/nhu cầu bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh); Các vấn đề về lao động (mất cân đối cung - cầu; và trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa muốn cắt giảm lao động để tiết giảm chi phí, vừa muốn giữ lao động để phục hồi sản xuất khi tình hình khả quan hơn nhưng khó duy trì thời gian làm việc toàn dụng mà phải giãn, giảm giờ làm, khiến việc làm, thu nhập người lao động bị giảm theo…).
![]() |
Trong đó, liên quan đến vấn đề môi trường kinh doanh, Nhóm nghiên cứu cho rằng, dù đang được quan tâm cải thiện, tháo gỡ dần, nhưng khâu thực thi vẫn chậm và yếu mà một phần là do các quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa nhất quán, chưa đủ rõ ràng, nhưng chủ yếu là do nỗi lo sợ trách nhiệm, sợ sai; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế và khâu phối kết hợp chưa tốt.
Trong một chia sẻ gần đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, tình trạng sợ trách nhiệm, sợ rủi ro để “không dám làm gì cả” khiến nhiều việc ách tắc đang thực sự là điểm nghẽn hiện nay cho doanh nghiệp, người dân. Do đó, cải thiện được vấn đề này sẽ giải tỏa được rất nhiều tồn tại hiện nay, qua đó tạo thuận lợi cho MTKD.
Thực tế cho thấy, những khó khăn về thị trường, khả năng tài chính… chỉ là một phần trong rất nhiều thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay. Một môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng. Thông thường, mỗi khi bàn tới cải thiện môi trường kinh doanh, vấn đề đầu tiên chuyên gia nhắc đến là cải cách thể chế.
Nhưng có lẽ vào lúc này, mấu chốt để cải thiện lại nằm ở việc có thúc đẩy được tinh thần thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ đang “sợ trách nhiệm, sợ rủi ro để không dám làm gì” hay không. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ liên tục nhấn mạnh yêu cầu các địa phương phải tập trung đối với nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và kiên quyết xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Nhận diện và hóa giải
Vấn đề đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng cũng là nội dung nóng được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận rất nhiều trên Nghị trường tại Kỳ họp thứ 5 đang diễn ra, với mong muốn nhận diện rõ thực tế và tìm ra nguyên nhân gốc rễ của hiện trạng này để có các giải pháp xử lý thỏa đáng.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, tình trạng trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở nhiều nơi đã góp phần gây khó khăn, ách tắc trong giải quyết các thủ tục hành chính, làm cho doanh nghiệp và người dân đã và đang khó khăn lại càng khó khăn hơn.
“Cần có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý nói riêng có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh không giải quyết các thủ tục hành chính hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Đây là yêu cầu rất quan trọng, không những trước mắt mà cả lâu dài để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh”, đại biểu Trí đề xuất.
![]() |
Kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp về triển vọng đến cuối năm 2023, theo % số doanh nghiệp trả lời khảo sát. (Nguồn: Ban IV, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tổng hợp) |
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), trong một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy đang có 2 nhóm: Nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì không có lợi ích riêng (nhóm 1); Nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm (nhóm 2). Theo đại biểu Tuấn, đối với nhóm 1, dù chỉ chiếm số ít nhưng vẫn luôn tồn tại ở bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào.
“Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được hay không và khi nhận diện được thì xử lý thế nào. Tôi cho rằng, trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng thế này thì giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay là ưu tiên thay thế những cán bộ ấy bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt”, đại biểu Tuấn đề xuất.
Với nhóm 2, là nhóm chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm hiện nay và đây cũng là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, nhóm cán bộ này lo sợ vì hai nguyên nhân chính: Một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và văn bản hướng dẫn thực hiện dưới luật còn thiếu tính đồng nhất, cách hiểu khác nhau nên khó thực hiện; Và công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất, cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả... hình thành nên tâm lý lo sợ bị kỷ luật.
Từ thực trạng đó, đại biểu đề xuất cần quan tâm, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) còn bổ sung một nhóm “sợ trách nhiệm” nữa, đó là bộ phận cán bộ có năng lực, trình độ hạn chế nên việc nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế, làm gì cũng sợ sai.
“Hiện tượng này người dân ta vẫn hay nói là đối tượng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Bây giờ chúng ta làm sao rà soát, nắm chắc được tỷ lệ này là bao nhiêu để xử lý bộ phận này là một vấn đề", vị đại biểu nêu và cho rằng về giải pháp, ngoài việc xử lý gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong việc thực thi công vụ thì cũng cần phải cá thể hóa trách nhiệm trong việc tham mưu hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành trong thẩm quyền.
Bên cạnh việc giải bài toán “sợ trách nhiệm”, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay rất cần cơ chế bảo vệ cho người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận 14, nên kỳ vọng đặt ra là tới đây, Chính phủ sẽ sớm ban hành, cụ thể hóa thành cơ chế pháp lý để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Đỗ Lê