Đảm bảo an toàn cho thị trường thực phẩm
15:23 | 26/05/2023
Bước vào giai đoạn nắng nóng của mùa hè cũng là thời điểm thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Trong bối cảnh đó, hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2023, các cơ quan chức năng đã và đang tích cực kiểm tra các cơ sở sản xuất để hạn chế tối đa thực phẩm bẩn trên thị trường.
Thị trường thực phẩm khô gặp khó Sôi động thị trường thực phẩm “nhà làm” Thị trường thực phẩm ảm đạm |
Nỗi lo thường trực
Thời gian qua, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã liên tiếp bắt giữ các vụ tập kết, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng...
Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 22, liên tiếp phát hiện, thu giữ và xử lý hơn 1 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, Đoàn kiểm tra phát hiện, tạm giữ 533kg thực phẩm đông lạnh gồm đùi gà, gà ủ muối, mỡ lợn, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở thừa nhận số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc. Kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa tại dãy nhà N1D3, TDP 1, phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, cơ quan chức năng cũng phát hiện hơn nửa tấn thực phẩm đông lạnh gồm: lòng non, kê gà, đuôi heo, hàm, tràng lợn, nầm lợn, ức vịt, mực, má lợn, chân gà, trứng gà non… không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
![]() |
Bước vào giai đoạn nắng nóng của mùa hè cũng là thời điểm thường xuyên xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm. Trong bối cảnh đó, hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, các cơ quan chức năng đã và đang tích cực kiểm tra các cơ sở sản xuất để hạn chế tối đa thực phẩm bẩn trên thị trường. |
Trên thực tế, việc buôn bán hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc ngày càng diễn ra tinh vi, phức tạp. Mặc dù công tác kiểm tra, kiểm soát đã được thực hiện khá chặt chẽ, số vụ bắt giữ và bị xử lý cũng nhiều, nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn tìm mọi cách tuồn 'thực phẩm bẩn' ra thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Làm sạch thị trường thực phẩm
Hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5/2023, Hà Nội đã thành lập 4 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại các quận, huyện trên địa bàn. Kết quả cho thấy, nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt nhiều cơ sở, thậm chí rút giấy phép kinh doanh đối với những đơn vị vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.
Đại diện Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện Gia Lâm cho biết, trên địa bàn có 9.497 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó 158 cơ sở sản xuất, 9.340 cơ sở kinh doanh; 01 trung tâm thương mại, 03 siêu thị, 28 chợ. Từ đầu năm đến nay, UBND huyện đã thành lập 03 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm trong các dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân năm 2023 vừa qua. Tổng số cơ sở được kiểm tra 632 cơ sở; xử phạt 15 cơ sở với số tiền 71 triệu đồng. Mặc dù công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai thường xuyên, nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn do các xã, thị trấn chưa vào cuộc quyết liệt trong việc xử lý vi phạm, chủ yếu mới chỉ nhắc nhở, cảnh cáo đối với các vi phạm. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn khá nhiều và thường xuyên biến động, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, một bộ phận các cơ sở thực phẩm, hộ tiểu thương còn chạy theo lợi nhuận cố tình sử dụng thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức nhân dân trong đảm bảo an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao và các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm...
Ở một địa bàn khác, trong đợt cao điểm “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, toàn quận Thanh Xuân đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, bao gồm 11 đoàn kiểm tra liên ngành của phường, 2 đoàn kiểm tra liên ngành cấp quận và 1 đoàn liên ngành kiểm tra công tác y tế học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học. Theo Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân Phạm Hồng Diệp, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 227 cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong thời gian trên, toàn quận đã xử phạt vi phạm hành chính 23 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 230 triệu đồng. Trong đó, cấp quận xử phạt 8 trường hợp với số tiền là 204,5 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay toàn quận đã xử phạt 56 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là hơn 288 triệu đồng.
Có thể thấy, thị trường thực phẩm vẫn còn nhiều nhức nhối, nhất là vấn nạn thực phẩm bẩn. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa nắng nóng, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, sau đợt cao điểm “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, thành phố và các địa phương vẫn tiếp tục kiểm tra, xử lý các nguồn hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Đồng thời triển khai các đợt kiểm tra các cơ sở, đơn vị kinh doanh thực phẩm quy định về an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Qua đó quyết tâm làm sạch thị trường thực phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.
Nguyễn Minh