Sầu riêng liệu có thành… “sầu chung” Xây dựng lộ trình sản xuất nông nghiệp không gây mất rừng |
Tâm lý chủ quan của chủ thể
Câu chuyện bảo hộ thương hiệu sản phẩm nói chung và cho nông sản nói riêng, luôn “nóng” thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đặc biệt, trong bối cảnh gần đây tại các địa phương trong cả nước, xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm nằm trong Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP)…
Trong các địa phương ở khu vực miền Trung, Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm OCOP. Hiện, toàn thành phố có 40 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó 17 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao; 17 sản phẩm được công nhận sản phẩm thương mại đặc trưng, 33 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố. Đến nay, Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ phát triển 32 sản phẩm đặc trưng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể. Trong đó, có thể kể đến những nhãn hiệu như, nước mắm Nam Ô, bưởi Hòa Ninh, khô mè Quang Châu, chè dây Hòa Bắc, kiệu hương Hòa Nhơn, gà đồi Đồng Nghệ…
Tuy nhiên, bên cạnh đó việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố vẫn chưa được nhiều chủ thể quan tâm đúng mức, thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Trong đó, nhiều chủ thể khi đã sở hữu sản phẩm OCOP, là yên tâm đưa sản phẩm ra thị trường, mà chưa chú ý đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm của mình. Bởi, trên thực tế việc đăng ký là chưa bắt buộc, ngoài ra các đơn vị tham gia sản xuất sản phẩm, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường địa phương nên còn tâm lý chủ quan, chưa quan tâm để ý đăng ký bảo hộ. Nhiều chủ thể sau khi nhận được giấy chứng nhận OCOP, chỉ tập trung phát triển sản phẩm, đến khi sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường thì đã bị chủ thể khác đăng ký trước. Hoặc, có chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP lại lựa chọn hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa phù hợp với sản phẩm, dẫn đến việc bảo hộ không hiệu quả như mong muốn.
![]() |
Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ góp phần mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản |
Nhìn chung, xuất phát từ tâm lý chủ quan, một bất cập đang diễn ra khá phổ biến tại Đà Nẵng cũng như ở các địa phương khác, các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP cho rằng, chỉ cần gắn nhãn hiệu OCOP là đã đủ để tạo ra một sản phẩm thành công. Thực tế, với nhãn hiệu là sản phẩm OCOP chỉ cho thấy, đây là sản phẩm tiêu biểu của một địa phương có thể đưa ra thị trường… Trong khi đó, vấn nạn vi phạm về sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đang diễn ra khá phức tạp. Trong năm 2022, Cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra, xử lý 91 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ, xử phạt hơn 694 triệu đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị này cũng đã phát hiện, xử lý 83 vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm hành chính 563 triệu đồng… Theo ông Trần Phước Trí, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, vấn đề hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang là vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng, không chỉ gây khó khăn trong việc mở rộng thị trường trong nước và còn đặc biệt khó khăn khi mở rộng thị trường quốc tế. Trên thực tế, đã có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã bị tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Dẫn đến những thua thiệt về kinh tế, thương hiệu của các chủ sở hữu…
Đơn cử như các vụ việc, gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp ở nước ngoài (Ngon Fish Sauce, Transworld Food, John D.Tran), đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ. Hay trường hợp rắc rối hơn với nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc, bị một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa từ năm 1982. Đó là công ty Viet Huong Fishsauce, được cơ quan đăng ký nhãn hiệu Mỹ cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc. Trên các sản phẩm nước mắm của công ty này đã sử dụng nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc”, có hình bản đồ Việt Nam và đảo Phú Quốc. Sau đó, công ty này còn lần lượt đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” tại châu Âu và Australia. Năm 2006, công ty này còn được cấp đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc vẫn với mẫu nhãn hiệu và logo như trên.
Với những vụ việc phức tạp như trên, để lại hệ lụy nếu các doanh nghiệp trong nước muốn xuất khẩu gạo ST24, ST25, nước mắm Phú Quốc... sang những quốc gia đã chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu này, thì chúng ta sẽ buộc phải xin phép doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu đã được đăng ký ở quốc gia đó và phải trả tiền sử dụng thương hiệu, nếu không sẽ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn biến ngày một phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, thì việc nâng cao khả năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… Mới đây, tại hội thảo với chủ đề “Pháp luật về đăng ký bản quyền cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề OCOP”, do Đại học Đông Á (Đà Nẵng) tổ chức, TS. Lưu Bình Dương, Phó trưởng khoa Luật, Đại học Đông Á cho rằng, để bảo hộ được thương hiệu sản phẩm nông sản OCOP, chủ thể sản xuất phải quan tâm quy định pháp luật, tích cực thực hiện các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ như là biện pháp bảo vệ chính mình thông qua các quy định pháp luật.
Bên cạnh, việc nâng cao ý thức của các chủ thể, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về luật sở hữu trí tuệ, hình thành văn hóa bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, cần có sự chung tay, góp sức của từng cá nhân, doanh nghiệp, HTX, doanh nghiệp... Cơ quan chức năng cần hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, chú trọng xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng, truyền thống của các địa phương được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tang-cuong-bao-ho-thuong-hieu-nong-san-139619.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.