Tân Tổng thư ký LHQ “tận tâm” vượt thử thách
Trách nhiệm nặng nề
Với sự nhất trí cao của ĐHĐ LHQ, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres đã trở thành chủ nhân mới của chiếc "ghế nóng" Tổng Thư ký LHQ, kế nhiệm ông Ban Ki-moon sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay.
Sau khi nhậm chức vào ngày 1/1/2017, ông Gutteres sẽ đảm nhiệm một trong những công việc ngoại giao khó nhất trên thế giới, trong bối cảnh LHQ nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức mà chỉ có sự đoàn kết chung tay góp sức của toàn bộ 193 quốc gia thành viên mới có thể giải quyết được.
![]() |
Tân Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres |
Theo giới phân tích, sẽ không có “tuần trăng mật” cho ông Guterres trên chiếc ghế nóng tại LHQ. Sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, ông sẽ phải ngay lập tức đảm nhận những nhiệm vụ thường trực của LHQ là tìm các giải pháp chấm dứt tình trạng đói nghèo, xây dựng hòa bình trên thế giới, tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, chống chủ nghĩa khủng bố, và bao trùm tất cả là cuộc khủng hoảng người di cư và tị nạn.
Ngoài ra, bản thân nội bộ LHQ cũng có rất nhiều vấn đề đang chờ đợi tân Tổng thư ký giải quyết. Ông Guterres sẽ điều hành Ban Thư ký LHQ với khoảng 40.000 người với ngân sách hàng năm là 13 tỷ USD, song thường xuyên bị chỉ trích là hoạt động còn quan liêu và chưa hiệu quả.
Nhiệm kỳ 5 năm của ông Guterres cũng là giai đoạn các quốc gia thành viên LHQ thực thi 17 mục tiêu đề ra trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030, để hướng đến một thế giới an ninh, thịnh vượng "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Tuy vậy, thách thức lớn nhất đối với tân Tổng thư ký là việc phải gây dựng lại sự đoàn kết trong đại gia đình LHQ. Kể từ thời Chiến tranh Lạnh, chưa bao giờ cơ quan đa phương lớn nhất toàn cầu này rơi vào tình trạng thiếu đoàn kết như hiện nay, nhất là trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế chỉ có thể hóa giải được nếu các quốc gia tìm được tiếng nói chung và quyết tâm chung như cuộc chiến tại Syria, tình hình Ukraine, Yemen, bán đảo Triều Tiên, sự căng thẳng giữa Nga và Mỹ...
Theo ông Guterres, một nền “ngoại giao hòa bình” mới đòi hỏi phải tiếp xúc ngoại giao kín đáo và con thoi giữa các bên chủ chốt trong các cuộc xung đột và tranh chấp. Tổng thư ký LHQ cần “hành động với sự khiêm nhường để cố gắng tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thể đến với nhau và vượt qua những khác biệt”...
Phát biểu trước các phóng viên sau cuộc họp của ĐHĐ, ông Guterres khẳng định mình nhận thức rõ những thách thức mà LHQ đang phải đương đầu cũng như những hạn chế đối với quyền hạn của Tổng thư ký.
Theo ông, những vấn đề của thế giới phức tạp ngày nay chỉ có thể được giải quyết bằng cách tiếp cận khiêm nhường - theo đó một mình Tổng thư ký không thể đưa ra tất cả các câu trả lời, không thể áp đặt quan điểm của mình, mà thay vào đó Tổng thư ký cần phải điều động những nhân viên tốt, đóng vai trò là người điều phối, tập hợp, gây dựng cầu nối và là người môi giới trung thực để giúp tìm ra những giải pháp có lợi cho tất cả các bên liên quan.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng nhấn mạnh đã tới lúc các quốc gia cần phải vượt qua những khác biệt xung quanh cách thức chấm dứt cuộc chiến Syria. Trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc đàm phán quốc tế về cuộc khủng hoảng này, ông Guterres nói: "Điều quan trọng hơn cả là phải đoàn kết bất luận đang tồn tại những khác biệt như thế nào. Đã tới lúc cần phải đấu tranh vì hòa bình".
Trước đó, trong buổi điều trần trước ĐHĐ hồi tháng 4/2016 để tranh cử vào chiếc ghế Tổng thư ký, ông Guterres nói rằng những năm làm việc ở Cao ủy LHQ về người tị nạn mang đến cho ông những kinh nghiệm hết sức quý báu.
Ông cảm thấy có nghĩa vụ phải làm một điều gì đó để giúp những người đang đau khổ tận cùng, như những người tị nạn. Và nơi mà ông có thể đóng góp nhiều nhất để giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu là tại LHQ, nên ông quyết định tranh cử chức Tổng thư ký LHQ.
Kỳ vọng lớn
Phát biểu trước ĐHĐ, Tổng thư ký Ban Ki-moon chúc mừng các quốc gia thành viên LHQ đã không chỉ lựa chọn được một vị Tổng thư ký mới mà còn tiến hành thành công tiến trình bầu chọn người lãnh đạo một cách công khai và minh bạch đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm của LHQ.
Ông bày tỏ hy vọng sự thành công của cuộc bầu chọn Tổng thư ký sẽ trở thành một tiêu chuẩn mới cho sự công khai và sự can dự của tất cả các thành viên vào các hoạt động khác của LHQ. Ông Ban Ki-moon ca ngợi ông Guterres là một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm chính trị, với hai nhiệm kỳ giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha và hơn 10 năm phụ trách Cao ủy LHQ về người tị nạn.
Theo ông Ban Ki-moon, những phẩm chất chính trị của ông Guterres cũng là những đặc điểm nổi bật của các nhân viên và quan chức của LHQ, đó là hợp tác vì lợi ích chung và chia sẻ trách nhiệm đối với mọi người dân và hành tinh. Ông Ban Ki-moon bày tỏ tin tưởng ông Guterres là sự lựa chọn đúng để chèo lái LHQ, trong bối cảnh tổ chức này phải đối phó với những thách thức của một thế giới đang mất an ninh và đẩy bất ổn.
Trong khi đó, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Peter Thompson cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa của tiến trình bầu chọn Tổng thư ký năm nay được tiến hành theo cách thức mới, qua đó đảm bảo ứng cử viên được lựa chọn là người xứng đáng nhất, có năng lực nhất và có quyết tâm cao nhất đối với thực hiện những mục tiêu và những nguyên tắc đề ra trong hiến chương LHQ.
Ông Thomson chúc mừng ông Guterres đã nổi lên là ứng cử viên xứng đáng nhất sau một tiến trình lựa chọn toàn diện và công khai lần đầu tiên trong lịch sử LHQ. Ông bày tỏ tin tưởng Tổng thư ký thứ 9 của LHQ sẽ tận tâm phục vụ cộng đồng thế giới và sẽ trở thành tiếng nói của lương tri của mọi người dân trên trái đất.
Đại diện các nhóm nước thành viên LHQ (nhóm châu Phi, nhóm châu Á - Thái Bình Dương, nhóm Đông Âu, nhóm Mỹ Latinh, nhóm Anh, Tây Âu và một số nước khác) cũng lần lượt có các bài phát biểu thể hiện sự tán thành việc phê chuẩn ông Guterres làm Tổng thư ký mới. Tất cả các bài phát biểu đều cam kết sẽ ủng hộ và hợp tác với ông Guterres đảm nhận vị trí mới trong bối cảnh LHQ đang đứng trước đòi hỏi cải tổ để thích ứng với những thách thức của thời đại mới.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái
