Các nhóm làm việc sẽ công bố thông tin chi tiết về kế hoạch này trước cuộc họp tiếp theo của G20 vào ngày 15/4, trong Hội nghị thường niên mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
![]() |
Ảnh minh họa |
Tại Hội nghị trực tuyến vừa diễn ra mới đây, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW G20 đã thảo luận về cách mà IMF và WB có thể giảm bớt tình trạng thiếu thanh khoản tại các thị trường mới nổi vốn đang chứng kiến dòng vốn chảy ra lên tới 83 tỷ USD trong thời gian qua. Thêm vào đó, các quốc gia G20 sẽ làm việc với Hội đồng Ổn định tài chính của nhóm, được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, để phối hợp các biện pháp quản lý và giám sát nhằm ứng phó với dịch coronavirus.
G20 đã bị chỉ trích là phản ứng chậm chạp trong việc ứng phó với dịch bệnh đang lan rộng trên toàn cầu và được dự báo sẽ đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Tuy nhiên gần đây, G20 đã phản ứng mạnh mẽ hơn. Tuần trước, các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên G20 đã cam kết chi hơn 5 nghìn tỷ USD để hạn chế tình trạng mất việc và giảm thu nhập, đồng thời cam kết sẽ phối hợp để giảm bớt sự gián đoạn nguồn cung do tình trạng đóng cửa biên giới trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
IMF và WB cũng đã tham gia cùng G20 kêu gọi các chủ nợ song phương hoãn việc thực hiện nghĩa vụ nợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, trong đó có một số quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu giảm.
Mặc dù hoan nghênh các bước đi gần đây của G20, nhưng Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva hôm thứ Ba (31/3) cho biết, bà vẫn rất quan ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020 và đặc biệt là sự suy giảm sẽ xảy ra đối với các thị trường mới nổi và các nước thu nhập thấp. “Dự báo của chúng tôi về sự phục hồi trong năm tới sẽ xoay quanh cách mà chúng ta thực hiện để khống chế virus và giảm mức độ không chắc chắn”, bà nói Georgieva tại cuộc họp của G20.
Trong phát biểu vào tuần trước Tổng giám đốc IMF cho biết, kinh tế toàn cầu đã rơi vào suy thoái; đồng thời kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh các gói cứu trợ để tránh tình trạng phá sản hàng loạt và vỡ nợ tại các thị trường mới nổi. Bà nói rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ cần ít nhất 2,5 nghìn tỷ USD. Bà cũng cho biết IMF đã điều chỉnh các quy tắc của mình để cho phép các quốc gia thành viên nghèo nhất của mình đầu tư vào ứng phó khủng hoảng thay vì hoàn trả Quỹ cứu trợ thảm họa của IMF; đồng thời kêu gọi các nước khác mở rộng quỹ này lên 1 tỷ USD. “Tôi tin tưởng G20 sẽ đồng thuận hỗ trợ cho các thành viên nghèo nhất của chúng tôi”, bà nói.
Các nhà lãnh đạo G20 đã cam kết vào tuần trước là sẽ triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus chết người này. Hiện dịch bệnh đã lan rộng ra hơn 200 quốc gia trên toàn cầu với khoảng 800.000 người bị nhiễm bệnh và đã giết chết khoảng 39.000 người. Các nhà lãnh đạo G20 cũng bày tỏ lo ngại về những rủi ro đối với các quốc gia dễ bị tổn thương, đặc biệt là ở châu Phi và thừa nhận cần phải củng cố mạng lưới an toàn tài chính.
Các Bộ trưởng Thương mại G20 hôm 30/3 cũng đã đồng ý tiếp tục mở cửa thị trường của mình và đảm bảo sự thông suốt trong dòng chảy của các vật tư y tế, thiết bị và hàng hóa thiết yếu khác.
G20 bao gồm Úc, Canada, Ả Rập Saudi, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nga, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil, Mexico, Pháp, Đức, Ý, Anh, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/g20-tap-trung-vao-van-de-no-cua-cac-nuoc-ngheo-99947.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.