Ngân hàng với sức ép tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ

Các ngân hàng cần phải nỗ lực hơn đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nhất là tập trung phát triển hệ sinh thái thanh toán để đón bắt được cơ hội, khai phá tiềm năng mới tăng thu từ dịch vụ, bù đắp từ nguồn thu tín dụng, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng tổng thu nhập của các NHTM là 16-17%.
Đưa thanh toán không chạm gần hơn với người dùng
Sẽ có “cách mạng” trong thanh toán
Hạn chế sử dụng tiền mặt để phòng ngừa dịch bệnh

Thu từ dịch vụ đang cải thiện rõ rệt

Trong Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, Thủ tướng đặt ra mục tiêu cụ thể của ngành Ngân hàng là đến năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%; tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng tổng thu nhập của các NHTM là 16-17%... Có thể thấy, mục tiêu tăng thu từ dịch vụ không chỉ là yêu cầu từ nội tại của mỗi ngân hàng mà đó là đòi hỏi từ Chính phủ, Ngành để đảm bảo kinh doanh ngân hàng vừa hiệu quả, bền vững lại vừa giảm đi rủi ro.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, tăng thu dịch vụ là mục tiêu chiến lược lâu dài của các ngân hàng và nằm trong Đề án của toàn Ngành chứ không phải thời điểm này các ngân hàng mới tính đến. Khác với tín dụng, ngân hàng có thể thu được lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất, để tạo nguồn thu từ dịch vụ mất nhiều chi phí đầu tư và thời gian cũng lâu hơn. Hay nói cách khác, muốn hái quả ngọt phải mất thời gian gieo trồng chăm bẵm cây. Vị này lấy ví dụ, để phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng trên nền thương mại điện tử ngân hàng phải mất 1-2 năm mới ra mắt sản phẩm, rồi thêm vài năm ngân hàng thương mại hoá dịch vụ đó để người dùng làm quen và sử dụng.

Ngân hàng với sức ép tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ
Các ngân hàng đang nỗ lực phối hợp với các bệnh viện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

“Dù ngân hàng kéo được lượng khách lớn sử dụng dịch vụ trong mấy năm đầu nhưng nguồn thu chỉ đủ hòa vốn trong giai đoạn đầu tư. Vì vậy, muốn tăng nguồn thu từ dịch vụ cần phải có thời gian với chiến lược đầu tư bài bản, lâu dài”, ông Tùng chia sẻ quan điểm. Lãnh đạo một ngân hàng khác tiết lộ, trong vòng ba năm qua, ngân hàng này đã đầu tư không dưới 100 triệu USD cho toàn bộ hệ thống công nghệ để có thể đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng trưởng không ngừng của khách hàng.

Nhờ tích cực đầu tư và chuyển hướng hoạt động sang dịch vụ phi tín dụng, nên thời gian qua nhiều ngân hàng hái quả ngọt. Cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng đã cải thiện mạnh mẽ những năm gần đây, tỷ lệ phụ thuộc vào tín dụng giảm bớt, tỷ trọng thu ngoài lãi tăng lên. Đơn cử, tại VPBank, trước đây, tín dụng chiếm 90% tổng thu nhập, song hiện tại chỉ còn gần 84%, còn lại là thu từ các hoạt động kinh doanh phi tín dụng. Hay như OCB, Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho biết, thu từ dịch vụ của ngân hàng cũng đã thay đổi rõ chiếm khoảng 15%/tổng nguồn thu thay vì chỉ ở mức 10% - 12% như trước đây. Việc cơ cấu nguồn thu đa dạng giúp các ngân hàng ứng phó tốt hơn với các biến động của nền kinh tế. Lãnh đạo ngân hàng khác phấn khởi cho biết, số lượng khách hàng giao dịch trên kênh giao dịch điện tử trong năm 2019 tăng gấp ba lần năm 2018, giúp thu dịch vụ của ngân hàng tăng trưởng hai con số.

Báo cáo phân tích mới nhất của Fiin Group cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của 18 ngân hàng niêm yết (chiếm 67,4% tổng dư nợ toàn ngành) lên tới 29,3% năm 2019, trong khi tín dụng năm 2019 được NHNN khống chế ở mức 14%. Nguyên nhân do thu từ hoạt động dịch vụ của các nhà băng tăng mạnh ở mức 30,7%. Trong đó đáng chú ý thu từ dịch vụ của VIB tăng 144,6%, VPBank tăng 84,2% và TPBank tăng 58,6% so với năm trước. Ba ngân hàng lớn có vốn nhà nước cũng tăng trưởng mạnh thu nhập về phí là VietinBank tăng 46,5%, Vietcombank tăng 26,6% và BIDV tăng 20,6%. Trong số các ngân hàng TMCP tư nhân có lợi nhuận cao nhất thị trường, xét về con số tuyệt đối, thu từ dịch vụ của ngân hàng mẹ VPBank đang nằm trong nhóm dẫn đầu với hơn 3.100 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu từ phí dịch vụ của VPBank chủ yếu hưởng lợi từ các hoạt động kinh doanh thẻ, hợp tác bán bảo hiểm và dịch vụ thanh toán.

Cần có bước chuyển mình mạnh hơn

Tuy đã có những bước cải thiện đáng kể, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, thu dịch vụ từ các ngân hàng vẫn còn khiêm tốn. Một số ngân hàng lớn có nguồn thu từ dịch vụ khoảng 20%/tổng nguồn thu. Còn lại thu từ dịch vụ của các ngân hàng Việt Nam dao động từ khoảng 10 - 15%/tổng nguồn thu. Thời gian tới các ngân hàng cần phải khai thác mạnh hơn nguồn thu này. Nhất là trong thời điểm này khi dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, nguồn thu từ tín dụng sẽ bị suy giảm, thì nguồn thu từ dịch vụ rất quan trọng để bù đắp phần lợi nhuận bị hao hụt từ tín dụng. Một lãnh đạo ngân hàng cũng thừa nhận, trong điều kiện Chính phủ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng, NHNN không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, thì ngân hàng này sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ và các dịch vụ ngoài lãi để bù đắp sự giảm sút về tín dụng đảm bảo vẫn giữ mục tiêu lợi nhuận đặt ra từ đầu năm.

Không phủ nhận thời điểm này các ngân hàng có cơ hội phục vụ khách hàng nhiều hơn nhưng nguồn thu phí dịch vụ có thể sẽ thấp hơn năm trước do các ngân hàng đang miễn, giảm phí hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Nhưng đó chỉ là thời điểm hiện tại, về lâu dài, các ngân hàng cần phải nỗ lực hơn đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ nhất là tập trung phát triển hệ sinh thái thanh toán để đón bắt được cơ hội, khai phá tiềm năng mới tăng thu từ dịch vụ, bù đắp từ nguồn thu tín dụng, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng tổng thu nhập của các NHTM là 16-17%. Muốn đạt được mục tiêu trên theo đúng lộ trình đặt ra, các ngân hàng phải tăng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ từ đó tạo ra cộng đồng thanh toán lớn hơn, hay một hệ sinh thái rộng hơn liên kết giữa các ngân hàng với DN làm dịch vụ thương mại, và cả các công ty Fintech… để tạo ra một hệ cộng sinh lớn.

“Việc tạo ra dịch vụ khiến người dùng thích hơn, đương nhiên họ chấp nhận trả nhiều tiền hơn. Theo đó, ngân hàng thu phí nhiều hơn. Chứ luẩn quẩn chỉ riêng dịch vụ thanh toán đơn giản thì cánh cửa tăng nguồn thu từ dịch vụ của các ngân hàng rất hẹp”, ông Tùng chia sẻ quan điểm.

Tuy nhiên một trong những điều kiện tiên quyết giúp ngân hàng tăng thu từ dịch vụ đang nằm ngoài kiểm soát của ngân hàng đó là thu nhập bình quân của người dân Việt Nam cần phải được tăng lên từ mức 3.000 USD/người lên ít nhất 5.000 USD/người. Khi thu nhập người dân cao hơn, họ sẽ gửi tiền nhiều trong ngân hàng, cũng như sử dụng nhiều dịch vụ trong ngân hàng. Còn nếu thu nhập thấp, dù ngân hàng có nhiều dịch vụ, thì người dân vẫn chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngan-hang-voi-suc-ep-tang-ty-trong-thu-tu-dich-vu-98779.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.