TP.HCM: Nhiều “đầu nậu, bảo kê” cho vi phạm xây dựng

Đó là thực trạng mà các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nêu ra trong buổi làm việc với Sở Xây dựng về vấn đề xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP.HCM.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, tại các vùng ven, tình trạng xây dựng không phép diễn ra rất nhiều, tạo ra tâm lý hoang mang, lo lắng. “Đầu nậu, bảo kê xây dựng trái phép các khu nhà ở tại các quận, huyện rất ghê gớm. Chúng bán cho những người nghèo, nhập cư, công nhân lao động, rồi bỏ đi. Cuối cùng, những người dân nghèo, nhẹ dạ lại gánh hậu quả, rất tội nghiệp", ông Nghĩa nhận định.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Lê Trần Kiên chỉ ra 3 nguyên nhân chính “không hề mới” dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Đó là tốc độ đô thị hóa cao và nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn; sự bất cập về quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất tại các quận, huyện; và ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao trong khi chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

TP.HCM: Nhiều “đầu nậu, bảo kê” cho vi phạm xây dựng
Tình trạng xây dựng trái phép có diễn biến phức tạp tại TP. HCM

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Xây dựng, từ năm 2013 đến 2019, có 9.724 vụ vi phạm xây dựng bị phát hiện và xử phạt. Cơ quan chức năng cũng đã ban hành 9.724 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 174 tỷ đồng. Trong số 9.724 vụ vi phạm xây dựng bị phát hiện và xử phạt nhưng mới có gần 5.000 quyết định được thực hiện. Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho biết “Trong gần 4.700 quyết định tồn đọng chưa thi hành, có khoảng 40% chưa đóng tiền nhưng đã cưỡng chế, 30% chưa cưỡng chế nhưng đã đóng tiền. 30% còn lại chưa thi hành thu tiền và cưỡng chế”. Sở Xây dựng cho biết tỷ lệ chấp hành các quyết định hành chính còn thấp. Từ năm 2013 đến 2017 đạt trên 55% nhưng giai đoạn 2018-2019 tỷ lệ này chỉ còn dưới 50%.

Trước đó, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng nhìn nhận việc phát hiện xây dựng sai phép, không phép còn chậm. Khi phát hiện cũng xử lý chậm. Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã đề nghị các sở, ngành phải nhận diện bản chất việc này là cố tình vi phạm pháp luật. Do vậy, phải chỉ đích danh và xử lý nghiêm minh "cò" đất, đầu nậu vi phạm. Chủ đầu tư cố tình xây không phép, sai phép sẽ xử nghiêm. “Nhiều giải pháp xử lý như không cung cấp điện, nước cho công trình, không cho đầu tư dự án khác, cưỡng chế tài chính thông qua các tài khoản. Thậm chí vi phạm nghiêm trọng có thể xử lý hình sự", ông Hoan nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính là đảm bảo nhanh, đúng và nghiêm minh. TP.HCM đang quyết tâm dẹp cho được hiện tượng đầu nậu, bảo kê xây dựng nhà trái phép. "Có hay không cán bộ tiêu cực, tham nhũng trong quá trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng? Sở Xây dựng đã từng xử lý cán bộ có liên quan đến tình trạng này chưa? Có trường hợp nào khởi tố hình sự hay chưa? Có thể bản án chỉ là cảnh cáo hoặc án treo nhưng việc khởi tố hình sự là sự răn đe rất lớn, cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật", ông Nghĩa chất vấn. Ông cũng cho rằng, trong thời gian qua, để khắc phục, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị 23, UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị này và thực tế tình trạng vi phạm xây dựng cũng có giảm. Tuy nhiên, các ngành chức năng phải tiếp tục làm nghiêm, làm mạnh để vi phạm xây dựng giảm bền vững.

Ông Lý Thanh Long cho biết: "Hằng năm chúng tôi đều có xử lý các cán bộ có vi phạm liên quan đến vấn đề trật tự xây dựng. Trong đó có kiểm điểm, cách chức, buộc thôi việc các cán bộ có liên quan. Riêng vụ vi phạm xây dựng không phép ở Thủ Đức vừa qua, chúng tôi cũng đã xử lý nghiêm minh. Dù rất đau lòng nhưng phải làm để lập lại trật tự kỷ cương".

Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội muốn nắm bắt hết nguyên nhân dẫn đến việc số lượng vụ vi phạm xây dựng còn nhiều, việc thi hành quyết định xử phạt khó khăn. Bởi đây là căn cứ để các đại biểu Quốc hội có tiếng nói nhằm xây dựng, sửa đổi, bổ sung luật mới đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. “Những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị đề xuất, góp ý cho dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và dự kiến thông qua tại kỳ họp lần thứ 10 trong năm nay”, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tphcm-nhieu-dau-nau-bao-ke-cho-vi-pham-xay-dung-98456.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.