Argentina lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ

Argentina đang đứng trước nguy cơ một cuộc vỡ nợ tàn khốc khác, các nhà phân tích đã nói với CNBC trong bối cảnh các nhà đầu tư quốc tế đang hồi hộp chờ đợi kết quả của cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ “sống còn” (do-ro-die) với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Argentina siết chặt kiểm soát tiền tệ
Nguy cơ lớn đối với kinh tế Argentina
Argentina lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ
Ảnh minh họa

Còn nhớ chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, ngày 22/12, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez nhìn nhận Argentina đang “gần như vỡ nợ”. Trước đó, ngày 20/12, Argentina đã đơn phương trì hoãn đến tháng 8/2020 đối với khoảng 9 tỷ USD nợ đáo hạn, dẫn đến việc nợ của quốc gia bị hạ bậc bởi các tổ chức xếp hạng Fitch và S&P.

Quốc gia Nam Mỹ này đang trong cơn khủng hoảng kinh tế xuất phát từ việc đồng tiền sụp đổ. Theo AFP, nền kinh tế Argentina ước tính sụt giảm 3,1% trong năm 2019. Chính phủ Argentina cho biết họ cần cơ cấu lại khoản nợ 100 tỷ USD, bao gồm 44 tỷ USD cho IMF. Tuần trước, IMF đã cử một nhóm các nhà kinh tế đến Buenos Aires để tiến hành cuộc đàm phán chính thức đầu tiên của quỹ với Chính phủ mới được bầu của Argentina. Các cuộc đàm phán, dự kiến kết thúc vào thứ Tư, đang được tổ chức để tránh viễn cảnh vỡ nợ như trong lịch sử lặp lại.

Năm 2001, Argentina đã vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD. Nó đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước này và khiến hàng triệu công dân thuộc tầng lớp trung lưu rơi vào cảnh nghèo đói - hậu quả mà nhiều người ở Argentina đổ lỗi cho các chính sách tài khóa khắt khe do IMF thi hành vào thời điểm đó.

Phát biểu từ Buenos Aires, Jimena Blanco – Trưởng bộ phận châu Mỹ Latinh của Verisk Maplecroft nói với CNBC qua điện thoại rằng, công ty tư vấn rủi ro đã xác định xác suất 77% Argentina sẽ vỡ nợ trước cuối năm nay.

Nguy cơ quốc gia rơi vào một cuộc vỡ nợ có chủ quyền khác – cuộc vỡ nợ thứ 9 - đã tăng lên trong những tuần gần đây, Blanco nói và viện dẫn lý do thiếu sự gắn kết chính sách trong chính phủ liên danh để bảo đảm một sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ.

Hiện tại, liên danh của Tổng thống Alberto Fernandez và Phó Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner đang cố gắng thiết lập một thế cân bằng mong manh.

Chính quyền đã tuyên bố từ chối chấp thuận việc cắt giảm ngân sách mà IMF thường đòi hỏi đối với các quốc gia bị khủng hoảng, nhưng họ cũng mong muốn cơ cấu lại các khoản nợ với chủ nợ lớn nhất này. Hơn nữa, Chính phủ Argentina cũng rất muốn được IMF bật đèn xanh để theo đuổi việc đàm phán lại với các trái chủ tư nhân. Hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trước ngày 31/3.

Trong khi đó, IMF với tư cách là người cho vay cuối cùng, không muốn chấp nhận khoản lỗ đối với khoản cho vay của mình đối với Argentina sau khi bà Cristina Fernandez de Kirchner, Phó Tống thống Argentina kêu gọi tổ chức này chịu lỗ. Giám đốc điều hành của IMF, bà Kristalina Georgieva, cho biết như vậy trong một cuộc phỏng vấn của Bloomberg TV tại Dubai hôm Chủ nhật.

Một nhóm công tác của IMF đã đến Buenos Aires và ở lại đây cho đến ngày 19/2 để gặp gỡ các quan chức Argentina và đánh giá tính bền vững của nợ đất nước này. Các cuộc thảo luận với IMF sẽ là chìa khóa để Argentina tiến hành các cuộc đàm phán thậm chí còn lớn hơn với các trái chủ để tránh nguy cơ vỡ nợ.

“Chúng tôi hiểu sự cần thiết phải xem xét cẩn thận gánh nặng nợ nần – nhưng đó là công việc của chính phủ, chứ không phải IMF”, bà Georgieva nói khi được hỏi về đề nghị “tái cơ cấu nợ sâu” của Bộ trưởng Kinh tế Argentina Martin Guzman. “Cần nhiều thời gian hơn để có được dữ liệu về tính bền vững nợ của đất nước”, bà Georgieva nói và khẳng định IMF tiếp tục ủng hộ nỗ lực khôi phục tăng trưởng kinh tế của chính phủ Argentina. “Nói một cách rộng rãi, chúng tôi rất ủng hộ cam kết của chính phủ này trong việc ổn định nền kinh tế, trở lại tăng trưởng”.

Được biết các thành viên của Bộ Phát triển Năng suất đã tổ chức các cuộc họp với nhóm công tác của IMF vào ngày 13/2, Bộ trưởng Matias Kulfas nói với các phóng viên ở Buenos Aires hôm thứ Hai. Các quan chức IMF đã yêu cầu chi tiết về cái gọi là hiệp ước xã hội mà chính phủ đang ủng hộ để chế ngự lạm phát, bao gồm cả việc đóng băng giá lương thực và tiện ích.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/argentina-lai-doi-mat-voi-nguy-co-vo-no-98149.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.