![]() | Những mốc quan trọng trong tiến trình Brexit |
![]() | Brexit và Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh |
![]() | Rủi ro Brexit cứng lại trỗi dậy |
Sau ba năm rưỡi, qua các nhiệm kỳ của 3 thủ tướng và nhiều cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit 2016, nước Anh cuối cùng đã trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi Liên minh châu Âu lúc 23h00 GMT ngày 31/1.
Sự kết thúc của giai đoạn một đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn hai với dự báo có nhiều khó khăn hơn. Sau ngày 31/1, nước Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Anh sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi cũng như phải gánh những nghĩa vụ như khi là thành viên EU.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, 11 tháng chuyển tiếp này là quãng thời gian quan trọng để Anh và EU đàm phán và thông qua một thỏa thuận quy định các mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Sau gần 50 năm gắn kết và hội nhập, mối quan hệ giữa Anh và EU đã trở nên sâu rộng và vô cùng phức tạp. Do đó, thỏa thuận trên sẽ phải bao gồm rất nhiều lĩnh vực từ mua bán hàng hóa đến dịch vụ, từ quyền tự do đi lại, quyền của người lao động đến các vấn đề như bảo vệ môi trường, trợ cấp nhà nước, an ninh…
Đây là một thỏa thuận toàn diện và đầy tham vọng, nhưng giữa Anh và EU vẫn còn tồn tại bất đồng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực đánh bắt cá của EU trong vùng lãnh hải của Anh, vấn đề tiếp cận thị trường tài chính của Anh tại khu vực EU, vấn đề trợ cấp nhà nước,...
Thời gian 11 tháng của giai đoạn chuyển tiếp để hoàn tất một thỏa thuận toàn diện như vậy cũng là một thách thức đối với cả Anh và EU. Các thỏa thuận thương mại thường phải mất nhiều năm, nếu không phải là hàng thập kỷ, để đàm phán. Chẳng hạn, thỏa thuận của EU với Canada đã mất 7 năm để kết thúc và EU là đối tác khó đàm phán vì chính trị nội bộ phức tạp của khối liên minh này.
Với những bất đồng và khó khăn trên, dù rất tự tin và luôn khẳng định rằng nước Anh sẽ hoàn tất một thỏa thuận thương mại với EU đúng thời hạn do nước này tự ấn định trong Luật Brexit là cuối tháng 12/2020, nhưng ngày 14/1, khi trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Boris Johnson cũng phải thừa nhận rằng nước Anh vẫn cần dự phòng khả năng không đạt được một thỏa thuận đúng thời hạn.
Điều này dẫn đến một kịch bản khác là Thủ tướng Johnson có thể lựa chọn đạt được một thỏa thuận thương mại hạn chế, chỉ bao gồm việc mua bán hàng hóa, với EU đúng thời hạn tháng 12/2020. Các vấn đề gai góc khác như việc đánh bắt cá trên vùng biển của Anh, dịch vụ tài chính, trợ cấp nhà nước… sẽ được để lại tiếp tục đàm phán sau tháng 12/2020.
Như vậy, có thể nói nước Anh chưa thể hoàn thành việc rời EU vào ngày 31/1 và câu chuyện Brexit sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2020, thậm chí dài hơn nữa. Hồi kết câu chuyện Brexit, trên thực tế là đoạn đầu của một chặng đường phía trước cũng gập ghềnh không kém đối với nước Anh và việc không đạt được thỏa thuận có thể gây thiệt hại kinh tế cho cả hai bên và có thể cả thế giới.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/trien-khai-brexit-giai-doan-2-lieu-co-suon-se-97555.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.