![]() |
Các ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để tăng thu ngoài tín dụng |
Triển vọng kinh doanh sáng
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận xét, việc đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 41, cùng với xử lý nợ xấu hiệu quả sẽ nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng. Sức khỏe ngân hàng đang ngày càng được củng cố lành mạnh, hoạt động chuẩn mực, nhu cầu vay vốn cũng như sử dụng dịch vụ của người dùng tăng… là yếu tố các nhà băng có nhiều thuận lợi về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.
“Chất lượng tài sản được cải thiện với việc các ngân hàng, VAMC xử lý cũng như kiểm soát nợ xấu mới phát sinh khá tốt khi tính đến hết năm 2019, nợ xấu nội bảng đã xuống dưới 2%. Còn tính tổng tỷ lệ nợ xấu gồm nợ tiềm ẩn, nợ bán cho VAMC đã giảm dần xuống còn 4,89% từ 5,85% trong năm 2018. Đây là tín hiệu tích cực về nỗ lực xử lý nợ xấu trong hệ thống, đồng thời giúp các ngân hàng mở rộng tín dụng, qua đó đóng góp tích cực trong tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng”, TS. Thành nhận định.
Riêng đối với các NHTM quốc doanh, đầu năm đón tin vui khi mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank. Còn Agribank toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này. Những khó khăn về tăng vốn của các ngân hàng này được tháo gỡ, đồng nghĩa với việc nguồn tín dụng chảy vào nền kinh tế dồi dào hơn.
Trung tâm Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng sẽ tăng 22,5%, đứng đầu các ngành trong năm 2020. Theo đánh giá của đại diện SSI Research, dù tăng trưởng tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nhưng các ngân hàng vẫn có thể cải thiện NIM nhờ tăng cường mảng bán lẻ. Điều này cũng giúp các nhà băng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở khi soi chiếu số liệu từ hoạt động bán lẻ đã đóng góp đáng kể thu nhập của các ngân hàng trong năm 2019. Chẳng hạn như Vietcombank cho biết tín dụng bán lẻ của ngân hàng tăng 32% trong năm 2019. Tại BIDV mảng cho vay cá nhân tăng 21,5%, chiếm 34,1% tổng dư nợ cho vay (so với năm 2018 là 32,2%). VPBank tiếp tục khẳng định vị trí trong hoạt động bán lẻ khi lợi nhuận từ phân khúc khách hàng cá nhân trong năm 2019 tăng 120% cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận từ trước đến nay.
Đặc biệt, mấy năm gần đây nhu cầu sử dụng dịch vụ nhất là các dịch vụ thanh toán, bán chéo sản phẩm... tăng cao đã góp phần thúc đẩy thu nhập từ phí dịch vụ của các ngân hàng tăng trưởng tốt, củng cố lợi nhuận bền vững. Trong năm qua, thu dịch vụ VPBank tiếp tục tăng trưởng tới 84,2%, đạt mức 3.000 tỷ đồng. LienVietPostBank thu từ lãi thuần hoạt động dịch vụ tăng 157%, đóng góp 6% cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng này (năm trước chỉ 3%). Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tăng trưởng lãi mảng này trên 20% như BIDV, VietinBank, ACB, SeABank…
Thực tế trên cho thấy, xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng của các ngân hàng đang phát huy hiệu quả mang lại nguồn thu ổn định bền vững hơn cho ngân hàng, hạn chế và phân tán rủi ro, đồng thời đóng góp vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh và đa dạng hóa hoạt động ngân hàng. Do đó các nhà phân tích tin rằng về lâu dài các ngân hàng đầu tư mạnh vào quá trình chuyển đổi số sẽ nâng cao được hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Nhưng không chủ quan
Triển vọng kinh doanh của các ngân hàng khá tốt nhưng theo giới chuyên môn, không nên quá lạc quan vì diễn biến kinh tế trong nước nhất là thế giới rất khó lường. Điển hình là bệnh dịch virus corona (nCoV) bùng phát mạnh mẽ tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam không ngoại lệ.
SSI Research cho rằng, do kinh tế vĩ mô nói chung và một số lĩnh vực như du lịch, khách sạn, xuất khẩu nông sản... có thể chịu ảnh hưởng từ dịch virus corona, ngành Ngân hàng cũng sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về triển vọng dài hạn của ngành và định giá hấp dẫn hiện tại của cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam, nhóm phân tích của SSI vẫn duy trì quan điểm Tích cực đối với lĩnh vực này trong năm 2020 và khuyến nghị mua tại vùng giá thấp đối với các cổ phiếu nằm trong danh mục khuyến nghị.
Cũng chung quan điểm thận trọng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tuy không bị tác động trực tiếp, nhưng ngân hàng sẽ chịu tác động gián tiếp từ đại dịch nCoV. Nhiều lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nCoV như thương mại, du lịch, giao thông vận tải, hàng không... sẽ ảnh hưởng tới khách hàng của ngân hàng. Chưa kể, diễn biến kinh tế, chính trị thế giới đang diễn biến khá phức tạp: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn dùng dằng, khủng hoảng quân sự chính trị khu vực Trung Đông phức tạp. Đặc biệt là việc nước Anh chính thức rút khỏi liên minh châu Âu tác động thế nào...
“Đó là những ẩn số trong năm 2020 và đều có thể tác động lên kinh tế Việt Nam cũng như hoạt động ngân hàng”, TS. Hiếu nhận định.
Có cái nhìn lạc quan hơn, TS. Võ Trí Thành nhận thấy, sức khỏe cũng như khả năng chống đỡ của các ngân hàng Việt Nam ngày càng tốt hơn, nên sẽ xoay xở vượt khó nhanh hơn. Theo dự cảm của vị chuyên gia này, nếu kinh tế Việt Nam chịu tác nhiều từ dịch bệnh này, không loại trừ khả năng Chính phủ có thể có gói kích thích kinh tế. Liều lượng gói kích thích này ra sao tùy thuộc mức độ hay đối tượng chịu tác động như thế nào.
“Nếu triển khai gói kích thích này, các ngân hàng vẫn mở rộng tăng trưởng tín dụng, đảm bảo thu nhập từ hoạt động tín dụng” TS. Thành trấn an. TS. Hiếu bổ sung thêm, trong cái rủi cũng có cái may, là người dân sẽ hạn chế sử dụng giao dịch tiền mặt để hạn chế tiếp xúc với người lạ bằng việc gia tăng hoạt động thanh toán phi tiền mặt, giao dịch qua ngân hàng nhiều hơn. Thậm chí tạo bước chuyển mình mạnh trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Dù vậy, theo vị chuyên gia trên, các ngân hàng cần phải chuẩn bị nhiều kịch bản từ tốt nhất đến xấu nhất để lên các phương án ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại trong hoạt động kinh doanh.
“Các ngân hàng nên có dự phòng về nợ xấu. Khi kinh tế đi vào thời kỳ khó khăn khả năng phát sinh nợ xấu là rất lớn. Ngoài ra, các ngân hàng cần có dự phòng rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động. Việc đẩy mạnh phát triển ngân hàng số là điều bắt buộc đối với hệ thống ngân hàng để bắt nhịp cũng giữ nhịp kinh doanh với kinh tế toàn cầu dù trong hoàn cảnh nào”, TS. Hiếu khuyến nghị.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/lac-quan-trong-than-trong-97543.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.