Từ góc độ ngành, kinh tế 2020 còn nhiều nỗi lo

Dù vui mừng trước bức tranh kinh tế tích cực của năm 2019 - năm thứ 2 liên tiếp GDP có mức tăng trên 7% là một đà tốt cho năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, nhưng không nên bỏ qua chỉ báo rất quan trọng đã xuất hiện từ quý IV/2019 trong một số ngành và lĩnh vực.
tu goc do nganh kinh te 2020 con nhieu noi lo Năm 2020, nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bứt phá
tu goc do nganh kinh te 2020 con nhieu noi lo Kinh tế năm 2020: Giữ đà bứt phá để về đích thành công
tu goc do nganh kinh te 2020 con nhieu noi lo
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nông nghiệp, công nghiệp đều có nỗi lo

Khi soi xét kỹ lại đóng góp của các ngành và lĩnh vực, đặc biệt trong quý IV/2019 thì bên cạnh các số liệu tích cực, cũng đã xuất hiện một số yếu tố đáng quan ngại, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp là những ngành đã kéo GDP giảm tốc khi chỉ tăng trưởng ở các mức thấp nhất nhiều năm. Và điều này có thể tiếp tục là khó khăn, thách thức cho tăng trưởng trong năm 2020.

Báo cáo cập nhật toàn cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng Cá nhân thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chỉ ra, nguyên nhân tăng trưởng GDP giảm tốc trong quý IV vừa qua (chỉ đạt 6,97%) là do nông nghiệp và công nghiệp.

Cụ thể, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, mức tăng trưởng thấp trong quý IV đã kéo tăng trưởng chung của khu vực này trong cả năm chỉ còn tăng 2,01%. Nếu các yếu tố khách quan (như hạn hán, tác động của dịch tả lợn châu Phi, khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá nông sản xuất khẩu…) được xem là nguyên nhân chính thì các yếu tố chủ quan cũng cần được nhắc tới.

Đơn cử, thuận lợi về giá cả và thị trường trong năm 2018 đã khiến ngành thủy sản bước vào năm 2019 với sự lạc quan thái quá, đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng trên 10%. Tuy nhiên thực tế, giá trị xuất khẩu thủy sản 2019 chỉ đạt 8,57 tỷ USD, giảm 2,4%. Mục tiêu cao đã làm gia tăng diện tích nuôi trồng và sản lượng nhưng thị trường xuất khẩu lại không như kỳ vọng khi cả Mỹ, EU và Trung Quốc đều giảm nhập khẩu.

Nhiều đầu tàu của ngành công nghiệp cũng đang có dấu hiệu chạy chậm lại. GDP ngành công nghiệp trong quý IV/2019 chỉ tăng 7,92%, thấp hơn nhiều mức tăng của quý III (10,42%) và 9 tháng đầu năm 2019 (9,56%). Sự sụt giảm của sản xuất công nghiệp đến từ cả 3 cấu phần gồm: Khai khoáng, chế biến chế tạo và sản xuất phân phối điện, khí đốt.

Trong đó, đáng chú ý nhất là sự chậm lại của công nghiệp chế biến chế tạo. Việc các ngành công nghiệp có tỷ trọng lớn và ngành vốn có tăng trưởng rất cao (như dầu mỏ tinh chế, kim loại…) tăng trưởng chậm lại đã kéo tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm tốc chỉ còn 10,86%, thấp nhất nhiều quý. Đáng báo động là thay vì tích cực như kỳ vọng chiến tranh thương mại thực tế đã có ảnh hưởng tiêu cực, biểu hiện rõ nhất là tốc độ tăng trưởng của ngành may mặc giảm tốc nhanh về mức 3,7%. Sản xuất sản phẩm điện tử chỉ tăng 5,1% - mức tăng thấp nhất trong 33 tháng qua; sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế giảm 16%; sản xuất kim loại chỉ tăng 9,3%, chưa bằng 1/3 mức tăng trung bình của 3 quý đầu năm…

“Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng thấp trong quý IV cho thấy sự phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Formosa, Lọc hóa dầu Nghi Sơn mang đến nhiều rủi ro cho tăng trưởng. Sự sụt giảm của các doanh nghiệp này phần lớn đến từ nguyên nhân khách quan là thị trường tiêu thụ, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân chủ quan là thay đổi chiến lược đầu tư. Việc hoạch định và dự báo kinh tế Việt Nam vì vậy cũng trở nên phức tạp hơn”, SSI nhận định.

Cần các giải pháp để tránh “hụt hơi”

Bước sang năm 2020, trong khi nông nghiệp có thể sẽ cải thiện (với kỳ vọng xuất khẩu nông sản vào các thị trường chủ lực sẽ khả quan hơn; thời tiết bớt khô hạn, các biện pháp quyết liệt sẽ giúp dịch tả lợn được dập tắt hoàn toàn và không tái phát hoặc xuất hiện các dịch bệnh mới) thì ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo dự báo vẫn còn khó khăn do phụ thuộc vào khối FDI và thị trường xuất khẩu. Do đó, cần có nhiều giải pháp kịp thời, đồng bộ để các ngành, lĩnh vực này không tiếp tục giảm tốc thêm, qua đó đóng góp tích cực cho tăng trưởng năm nay.

Theo các chuyên gia, với điện thoại và lọc hóa dầu, việc can thiệp chính sách sẽ ít hiệu quả. Nhưng với các ngành khác như sản xuất thép, có thể hỗ trợ bằng nhiều biện pháp. Ví dụ với sản xuất thép, năm 2020 dự án thép Hòa Phát Dung Quất sẽ đi vào hoạt động nên rất cần các biện pháp phòng hộ với thép Trung Quốc hay xúc tiến thương mại với các nước ASEAN (thị trường chính của thép xuất khẩu Việt Nam). Giải ngân đầu tư công tăng tốc cũng sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ thép và các vật liệu xây dựng khác.

“Để kích thích ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất cần có những giải pháp hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước, bao gồm chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, xúc tiến xuất khẩu, đẩy nhanh đầu tư công, khuyến khích phát triển khối kinh tế tư nhân”, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển, Công ty SSI, đề xuất.

Ông Linh cho rằng, các số liệu tăng trưởng năm 2019, đặc biệt trong quý IV cho thấy một bức tranh đa dạng và tương phản dù gam màu chung có phần tươi sáng. Chính sách ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng trong những năm qua về cơ bản đã mang lại kết quả tích cực, tạo tiền đề cho kinh tế Việt Nam tăng tốc. Nhưng để hướng đến mục tiêu tăng trưởng cao hơn, ngoài việc duy trì những chính sách đã được chứng minh là đúng, Việt Nam vẫn cần thêm nhiều chính sách để khơi thông và phát triển nguồn lực, tạo thêm các động lực tăng trưởng mới.

Trong đó, việc tận dụng sức cầu trong nước chỉ là giải pháp trước mắt, trong dài hạn Việt Nam phải xác định chỉ có thị trường toàn cầu mới có thể tạo ra tăng trưởng cao và bền vững. Tăng trưởng thế giới có thể chậm lại, xu hướng toàn cầu hóa có thể thoái trào, nhưng Việt Nam vẫn phải tìm mọi cách để tăng nhanh năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu. Muốn vậy, bên cạnh chính sách từ trung ương, các địa phương cũng phải nỗ lực tự tìm hướng đi riêng dựa trên những lợi thế sẵn có.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tu-goc-do-nganh-kinh-te-2020-con-nhieu-noi-lo-96919.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.