![]() | Đánh giá lại quy mô GDP: Số liệu đúng mang lại các chính sách đúng |
![]() | Năm 2020: Kỳ vọng những thành tựu mới |
Sự quan tâm sát sao của người đứng đầu Chính phủ đối với một lĩnh vực kinh doanh cụ thể trong nền kinh tế, có lẽ cũng là điều ít thấy. Tuy nhiên nếu biết rằng quá trình “thai nghén” của bản dự thảo nghị định này đã kéo dài hơn 4 năm với 7 lần trình xin ý kiến, sẽ thấy đó lại là việc dễ hiểu.
![]() |
Ảnh minh họa |
Còn nhớ trước đó khoảng 1 tuần, Bộ GTVT đã đề xuất sửa Luật Giao thông đường bộ vì cho rằng những vấn đề gây ra vướng mắc gốc rễ của dự thảo nghị định lại đang tồn tại trong luật. Cơ quan này cũng thể hiện sự lúng túng khi đề xuất giao thẩm quyền Chính phủ quy định lại về chi tiết loại hình cũng như các điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ. Bởi lẽ luật hiện hành không thể bao quát hết các hình thức kinh doanh vận tải mới phát sinh.
Sự dùng dằng của cơ quan soạn thảo với một nghị định được “thai nghén” suốt 4 năm mà tới nay vẫn chưa thể ra đời, kéo theo đó là sự thấp thỏm của hàng trăm DN có liên quan. Bởi lẽ khi chính sách chưa thành hình, họ sẽ phải tạm gác lại các kế hoạch kinh doanh dài hạn để “nghe ngóng”. Ví dụ này cho thấy thực tế là chính sách trên môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa thực sự bảo đảm ổn định, nhất quán và dễ dự báo.
Đây cũng là trăn trở mà cộng đồng DN vừa nhấn mạnh lại trong báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ, do VCCI tổ chức đầu tuần qua. Dẫn kết quả điều tra PCI mới nhất, báo cáo chỉ ra rằng khả năng dự đoán thay đổi chính sách đối với quy định pháp luật có xu hướng giảm các năm qua. Tỷ lệ DN cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách giảm từ mức 16% năm 2014 xuống còn 5% năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ DN không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách tăng từ mức 42% trong năm 2014 lên 67% trong năm 2018.
Không chỉ có sự suy giảm về khả năng dự đoán nội dung chính sách, khảo sát PCI còn chỉ ra sự suy giảm về khả năng dự đoán việc thực thi chính sách của các cơ quan nhà nước. Tỷ lệ DN cho biết họ luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được việc thực thi các quy định pháp luật giảm từ mức 9% năm 2014 xuống mức 6% năm 2018. Rõ ràng, nguyên tắc của Nghị quyết 35 về việc các cơ quan nhà nước phải bảo đảm sự ổn định, nhất quán và dễ dự báo của chính sách đang gặp nhiều thách thức.
Nhìn lại dòng chảy pháp luật trong mấy năm gần đây, có thể liệt kê ra không ít trường hợp chính sách thay đổi đột ngột, thiếu nhất quán, gây ra tâm lý bất ổn đối với nhà đầu tư và ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư. Chẳng hạn đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt liên tục được đưa ra trong các năm 2016-2017 khiến cộng đồng DN trong nước và nước ngoài mất nhiều thời gian, công sức để lên tiếng phản đối, và rất may sau đó đã bị bãi bỏ.
Hay trong năm 2018, Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí được ban hành đã bãi bỏ rất nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này. Song để đạt được kết quả đó, là quá trình đấu tranh kéo dài hơn 2 năm trời của hàng trăm DN quy mô nhỏ trong lĩnh vực này. Thế nhưng trong thời gina này, cũng đã có không ít DN “rơi rụng” vì không thể đáp ứng các điều kiện.
Không chỉ PCI, rất nhiều khảo sát của tổ chức trong nước và quốc tế đều chỉ ra rằng, việc thay đổi chính sách là vấn đề khiến DN cả trong và ngoài nước lo ngại nhiều nhất hiện nay. Không hiếm trường hợp quy định của pháp luật cứ 5 - 7 năm lại thay đổi, chính sách hồi tố DN khiến họ từ chỗ thực hiện đúng đến thực hiện sai; từ hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước đến truy thu, hồi tố… Các nhà đầu tư đã nhiều lần khuyến nghị rằng, rủi ro thị trường nhiều khi không lớn bằng rủi ro chính sách. Vì vậy, việc đảm bảo tính ổn định, dài hạn, dễ dự đoán của chính sách sẽ là điểm cộng lớn đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thuong-truc-noi-lo-thay-doi-chinh-sach-96162.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.