Siết chặt kiểm tra sau đăng ký kinh doanh

Một lần nữa, hiện tượng lợi dụng sự thông thoáng và điều kiện dễ dàng khi thành lập DN để trốn tránh các nghĩa vụ tài chính, trốn nợ, làm ăn không chính đáng lại làm nóng dư luận. Như vậy, việc kiểm soát DN sau đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cần phải được chặt chẽ hơn nữa.
siet chat kiem tra sau dang ky kinh doanh 5 tháng 2019: Gần 45 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động, phá sản
siet chat kiem tra sau dang ky kinh doanh Sẽ giảm mạnh phí đăng ký doanh nghiệp
siet chat kiem tra sau dang ky kinh doanh Thúc đẩy đăng ký kinh doanh qua mạng
siet chat kiem tra sau dang ky kinh doanh Khoảng trống từ sự thông thoáng của pháp luật

Nhiều DN không có tại nơi đăng ký

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11, có tới gần 41,5 nghìn DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 38,7% so với 11 tháng năm 2018. Trong đó có nhiều DN mà cơ quan thuế tới kiểm tra thì không thấy, không liên lạc được. Thực trạng này cho thấy hiện tượng có những DN làm ăn không chân chính đã lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật và điều kiện thành lập DN dễ dàng. Điều này đặt ra vấn đề cần bổ sung những quy định mới để quản lý DN sau ĐKKD được tốt hơn. Đặc biệt đáng lưu ý là theo số liệu điều tra thì bình quân mỗi tháng có gần 7.000 DN “mất tích”.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký tập trung chủ yếu ở các ngành: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 14.201 DN, chiếm 34,2%; xây dựng với 6.413 DN, chiếm 15,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 4.848 DN, chiếm 11,7%. Các địa phương có số lượng DN kiểu này lớn nhất là TP.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng...

siet chat kiem tra sau dang ky kinh doanh
Top 10 tỉnh có số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đăng ký nhiều nhất 8 tháng năm 2019

Điều này cho thấy, thủ tục và điều kiện thành lập DN dễ dàng, thuận lợi đã tạo điều kiện cho số lượng DN tăng nhanh, lực lượng DN phát triển mạnh hơn, nhưng điều này cũng có mặt trái là bị nhiều DN làm ăn không chân chính lợi dụng để trục lợi chính sách… Hiện tượng này vừa ảnh hưởng xấu đến những DN đàng hoàng, làm ăn chân chính, vừa gây tổn thất không nhỏ cho cơ quan quản lý và NSNN. “Số lượng DN không hoạt động tại trụ sở ĐKKD rất nhiều và liên tục tăng dẫn đến chi phí cho việc gửi thông báo rất lớn mà không thể đến được DN. Mỗi năm, Sở chúng tôi chi từ 300 đến 500 triệu để gửi thông báo tới DN”, ông Trương Việt Dũng, Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP. Hà Nội cho biết.

Cùng với đó, vì điều kiện thành lập DN dễ dàng, nên không ít chủ DN nợ thuế hoặc có vi phạm về pháp luật thuế, khi cơ quan thuế có quyết định điều tra thuế với DN thì chủ DN thông báo xin ngừng hoạt động và thành lập DN mới. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai (Tổng cục Thuế) cho biết, nhiều người là đại diện pháp luật cho hơn một DN, và đó là một kẽ hở.

Siết chặt hậu kiểm

LS. Nguyễn Đức Mạnh - công ty luật Bizlink thì chỉ ra hiện tượng “ve sầu thoát xác” này: một người thành lập DN A, hoạt động một thời gian; rồi thành lập DN B và tìm cách chuyển dần tài sản sang DN B. Khi DN A “teo tóp”, thua lỗ… thì như thế có thể tránh được các nghĩa vụ tài chính, như, nợ thuế, nợ cước viễn thông, nợ tiền hàng. Thế là NSNN thất thu thuế, cơ quan quản lý thì tốn chi phí liên lạc, gửi thông báo, chi phí đi kiểm tra DN… Các đối tác, chủ nợ cũng không thu được nợ.

Một đại diện của VNPT cũng phản ánh tình trạng DN nợ cước viễn thông mà không có ở địa chỉ đăng ký dù “có thể họ vẫn hoạt động ở đâu đó mà không phải do họ khó khăn phải ngừng hoạt động. Nhiều năm qua đã phát hiện có nhiều cá nhân chủ DN hoặc người đại diện pháp luật, cổ đông góp vốn của DN tiếp tục đăng ký hoặc tham gia thành lập DN mới. Không ít DN mới này tiếp tục vi phạm pháp luật về thuế, vi phạm pháp luật về ĐKKD nhưng lại tiếp tục thành lập DN mới nữa để tiếp tục vi phạm...

“Rất mong Luật DN sửa đổi tới đây có quy định quản lý chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như có biện pháp quản lý, công bố công khai về người đại diện pháp luật, chủ sở hữu, người góp vốn… để các DN chân chính có thể kiểm tra trước khi hợp tác” – LS. Nguyễn Đức Mạnh đề nghị.

Thực tế đang đặt ra yêu cầu về siết chặt việc kiểm tra DN sau ĐKKD. Để quản lý chặt sau ĐKKD, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội thì hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động của DN cần được bổ sung thêm quy định về chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đăng ký và hoạt động của DN để thực hiện chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Gợi ý biện pháp cụ thể, ông đề nghị: để quản lý DN sau đăng ký thì việc đăng ký thông tin địa chỉ email của DN trong hồ sơ đăng ký DN là bắt buộc, trường hợp DN không đăng ký thì hồ sơ được coi là không hợp lệ. Việc gửi các thông báo, văn bản qua email sẽ giảm được rất nhiều chi phí thư tín, gửi thông báo.

Để khắc phục tình trạng “ve sầu thoát xác” và thành lập DN để làm ăn bất chính, theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, cần phải có các biện pháp kiểm soát tốt hơn đối với việc thành lập DN mới cũng như khi tạm ngừng, đóng cửa DN. “Nên chăng quy định khi đã có quyết định kiểm tra thuế thì chưa được tạm ngừng kinh doanh. Tương tự, liên quan đến quy định về tổ chức giải thể, phá sản DN, chương 9, điểm 5, điều 192 dự thảo quy định cơ quan ĐKKD cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị chia tách trong cơ sở dữ liệu về đăng ký DN”. Theo quy định về thuế, trước khi chia tách DN, cơ quan thuế sẽ có thanh tra, kiểm tra. Nếu cơ quan ĐKKD cấp giấy chứng nhận mới cho DN trước khi có phản hồi về kết quả thanh tra, kiểm tra từ cơ quan thuế thì có thể có những trường hợp trước khi chia DN vẫn còn nợ thuế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước. Vì vậy “trước khi cơ quan ĐKKD cấp giấy chứng nhận mới cho DN, cơ quan ĐKKD cần phải có phản hồi từ cơ quan thuế. Khi chưa hoàn thành nghĩa vụ ngân sách của DN trước thì chưa cấp ĐKKD cho DN mới”, bà đề nghị.

Quản lý DN sau ĐKKD là vấn đề quan trọng. Các chuyên gia và luật sư đề nghị cần sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. Trước hết là sự phối hợp giữa cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế, và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với DN tại địa phương, tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với DN. Bên cạnh đó là gia tăng sự phối hợp, giám sát để kịp phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, để ngăn chặn và hạn chế những tác động tiêu cực do DN gây ra cho xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và lành mạnh, tạo thuận lợi cho các DN chấp hành tốt pháp luật.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/siet-chat-kiem-tra-sau-dang-ky-kinh-doanh-95787.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.