Cơ hội mở rộng tín dụng tam nông

Trong những năm vừa qua, thực hiện chương trình thí điểm cho vay theo chuỗi giá trị nông sản khép kín (cho vay theo Nghị quyết 14 của Chính phủ), các TCTD trên cả nước đã cho vay khoảng 7.000 tỷ đồng vào các mô hình liên kết DN – nông dân. 
Agribank đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại thị trường nông nghiệp, nông thôn
Sẽ có bước đột phá tín dụng tam nông
Cơ hội mở rộng tín dụng tam nông
Cơ hội tăng trưởng tín dụng nông nghiệp tỷ lệ thuận với số lượng DN tham gia hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi khép kín hiện đại

Đề án của những chuỗi khép kín

Theo Bộ NN&PTNT, trong vòng 5 năm tới sẽ triển khai đề Đề án Phát triển hệ thống Trung tâm cung ứng nông sản hiện đại Việt Nam giai đoạn 2020-2030. Các hạng mục chính mà đề án cần xây dựng bao gồm: Hệ thống Trung tâm cung ứng nông sản; hệ thống Trung tâm thu gom nông sản; hệ thống Trung tâm cung ứng nông sản đường biên và hệ thống chợ Vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ sẽ thu hút DN đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) vào hệ thống cung ứng nông sản hiện đại; xây dựng thí điểm khoảng 2-3 trung tâm cung ứng nông sản, 2-3 trung tâm thu gom nông sản và thủy sản, 2 trung tâm cung ứng nông sản đường biên và khoảng 20 chợ vệ sinh an toàn thực phẩm cấp xã. Khi hoàn thành và vận hành các hạng mục của đề án, đường đi của nông sản sẽ được khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

Cụ thể, hàng hóa nông sản từ các trang trại, hợp tác xã sẽ được các trung tâm thu gom kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, sơ chế, phân loại đóng gói và vận chuyển về các trung tâm cung ứng nông sản tập trung.

Tại đây, các hoạt động kiểm dịch, phân khu sản phẩm, hỗ trợ tài chính, kho bãi, sàn giao dịch, hỗ trợ xuất khẩu, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại… sẽ được thực hiện. Hàng hóa nông sản theo đó sẽ tỏa đi các trung tâm cung ứng nông sản đường biên, các hệ thống chợ, siêu thị tại thành thị và các chợ vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đi các thị trường quốc tế.

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, để huy động nguồn vốn thực hiện đề án này, trong vòng 5 năm tới, đơn vị sẽ trình Chính phủ để cho phép sử dụng khoảng 3.000 tỷ đồng vốn ngân sách (cả Trung ương và địa phương, tương đương 30% tổng vốn đầu tư đề án) nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng và các hạng mục hỗ trợ cố định.

Các DN tham gia đầu tư từng cấu phần của đề án sẽ chuẩn bị khoảng hơn 2.500 tỷ đồng (tương đương 25% tổng vốn đầu tư đề án). Số còn lại (khoảng 4.500 tỷ đồng, tương đương 45%) sẽ vay từ các TCTD thông qua các chương trình ưu đãi hỗ trợ phát triển nông nghiệp – nông thôn, hỗ trợ chuỗi giá trị nông sản, nông nghiệp công nghệ cao và tận dụng các nguồn lực từ các dự án vốn vay nước ngoài của WB, AFD, ADB…

Khách vay được chuẩn hóa và “bảo lãnh”

Theo Bộ NN&PTNT, để đảm bảo đề án được triển khai hiệu quả ngay trong giai đoạn thí điểm, việc chọn lựa địa điểm xây dựng các trung tâm thu gom, trung tâm cung ứng nông sản và chọn lọc các DN đầu tư từng cấu phần của đề án đều được tính toán kỹ lưỡng.

Đối với các trung tâm thu gom nông sản, vị trí đầu tư xây dựng sẽ được đặt tại các vùng nông sản chính, có sản lượng nông sản tối thiểu 10.000-20.000 tấn/năm (đối với rau, quả) hoặc có quy mô chăn nuôi tập trung tối thiểu 3 ha trở lên. Các DN tham gia đầu tư ngoài việc phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong quản lý chất lượng, quản lý chuỗi cung ứng cần phải có hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân, trang trại hoặc có khả năng tự xây dựng vùng nguyên liệu. Ngoài ra, các đơn vị DN cũng cần đảm bảo năng lực cung ứng các dịch vụ logistic, kho bãi, gia công; có ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và vận hành hệ thống thương mại điện tử.

Đối với các trung tâm cung ứng nông sản tập trung, vị trí sẽ được đặt tại các khu vực có dân số trên tại 500 ngàn người, cách trung tâm tối đa 15-20 km và có thị trường tiêu thụ tối thiểu 200 ngàn tấn/năm. Các DN đầu tư trung tâm cung ứng cần có diện tích quy mô đất phù hợp với từng loại hình sản phẩm; có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chất lượng, quản lý chuỗi cung ứng; có năng lực cung cấp các dịch vụ logistic, kho bãi; có khả năng xây dựng và vận hành các cơ sở hỗ trợ thương mại tại đô thị hoặc đáp ứng được yêu cầu thi công xây dựng.

Như vậy, tiêu chí để lựa chọn địa điểm đầu tư các trung tâm thu gom, cung ứng nông sản cũng như chọn lọc các DN tham gia đề án là khá rõ ràng. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho các TCTD khi thẩm định, cấp hạn mức cho vay đối với từng quy mô cấu phần đề án. Vì khi các DN được cho lựa tham gia đầu tư trung tâm thu gom hoặc trung tâm cung ứng nông sản, có thể xem như đã được Nhà nước “bảo lãnh” về mặt năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh cũng như đáp ứng đầy đủ các điều kiện về tài sản, kho bãi và liên kết vùng nguyên liệu.

Thực tế trong những năm vừa qua, thực hiện chương trình thí điểm cho vay theo chuỗi giá trị nông sản khép kín (cho vay theo Nghị quyết 14 của Chính phủ), các TCTD trên cả nước đã cho vay khoảng 7.000 tỷ đồng vào các mô hình liên kết DN – nông dân. Hiện nay, hầu như tất cả các TCTD đều quan tâm đến việc tài trợ tín dụng chuỗi cung ứng hàng hóa, trong đó ở khối ngành nông nghiệp.

Vì thế, khi đề án xây dựng hệ thống Trung tâm cung ứng nông sản được các địa phương triển khai rộng khắp thì các mô hình DN liên kết chuỗi giá trị sẽ tăng lên theo từng năm. Với nguồn vốn vay dự kiến huy động từ các TCTD ước khoảng 43.500 tỷ đồng trong vòng 10 năm (2020-2030) rõ ràng đề án này sẽ là cơ hội để các NHTM gia tăng cho vay vào lĩnh vực tam nông trong nhiều năm tới.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/co-hoi-mo-rong-tin-dung-tam-nong-94955.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.