![]() | Grab hỗ trợ phát triển giao thông thông minh |
![]() | Quảng Ngãi giao thông đi trước một bước |
![]() | TP.HCM: Kiến nghị bắt buộc ô tô dùng thẻ thu phí |
Thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư mạnh mẽ cho kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật. Đặc biệt, là các công trình trọng điểm mang tính kết nối đồng bộ đã được hoàn thành, khai thác đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, tăng cường liên kết vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
![]() |
Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khẳng định mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng ghi nhận trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị vẫn là điểm nghẽn cản trở sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Cùng với đó, việc tập trung đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông đô thị lớn nói riêng còn chậm so với nhu cầu phát triển. Trong khi ấy, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đô thị còn thấp. Số lượng phương tiện giao thông, cụ thể là phương tiện cá nhân liên tục tăng nhanh tại các đô thị, sự kết nối giữa các loại hình giao thông lại chưa hiệu quả. Thêm nữa, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đang tác động mạnh mẽ đến giao thông vận tải.
Từ đó đã góp phần khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, gia tăng ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng sống cộng đồng. Chính những yếu tố này đang cản trở sự phát triển bền vững của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang xúc tiến xây dựng thành phố thông minh.
“Đã đến lúc phải quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông phát thải thấp, giao thông xanh. Khi đó vừa đáp ứng được kỳ vọng của cả Chính phủ và người dân về sự chuyển đổi về hạ tầng đảm bảo an toàn môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Mục tiêu chiến lược của Việt Nam là phát triển hệ thống giao thông vận tải theo hướng hiện đại, chất lượng ngày càng được nâng cao với chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời phải tiết kiệm tối đa năng lượng. Chú trọng ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, đặc biệt là vận tải đa phương thức và logistics.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế nhằm tìm kiếm sự ủng hộ, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về phát triển giao thông vận tải bền vững để triển khai, ứng dụng phù hợp với thực địa của địa phương.
Đối với phát triển giao thông vận tải tại các thành phố, Việt Nam chủ trương phát triển mạnh hệ thống xe buýt; đồng thời nhanh chóng đầu tư các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tàu điện ngầm, từng bước tăng tỷ lệ đảm nhận của vận tải khách công cộng tại các thành phố; song song với đó là kiểm soát sự phát triển của xe máy, ô tô cá nhân đặc biệt là ở 2 thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; từng bước phát triển hệ thống giao thông thông minh tại các đô thị. Để đạt được mục tiêu này, trong điều kiện kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật như hiện nay, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, cần tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới, Bộ trưởng cho biết thêm.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/day-manh-phat-trien-giao-thong-thong-minh-94218.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.