Bi quan hơn về kinh tế Đức

Có nhiều lý do dẫn tới sự yếu kém của kinh tế Đức, bao gồm nhu cầu tư liệu sản xuất sụt giảm trên toàn thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức, cộng thêm sự không chắc chắn về chính trị và việc tái cơ cấu trong ngành công nghiệp ô tô.

Theo một dự báo chung từ các viện nghiên cứu hàng đầu của Đức, tăng trưởng năm 2019 của nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể chỉ ở mức 0,5% (giảm từ mức 0,8% trong dự báo đưa ra quý I). Dự báo tăng trưởng năm 2020 cũng bị giảm xuống còn 1,1% từ mức 1,8% của dự báo trước đó. Dự báo chung này bao hàm các nghiên cứu từ các viện nghiên cứu hàng đầu của Đức như Viện nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), Viện Ifo, IfW (Viện Kiel), IWH (Viện nghiên cứu kinh tế Halle) và RWI Essen (Viện Rheinisch-Westfälisches).

Có nhiều lý do dẫn tới sự yếu kém của kinh tế Đức, bao gồm nhu cầu tư liệu sản xuất sụt giảm trên toàn thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức, cộng thêm sự không chắc chắn về chính trị và việc tái cơ cấu trong ngành công nghiệp ô tô.

Bi quan hơn về kinh tế Đức
Ảnh minh họa

“Ngành công nghiệp của Đức đang suy thoái và điều này cũng ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ phục vụ cho các công ty đó”, Claus Michelsen – Trưởng bộ phận chính sách kinh tế và dự báo tại Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW Berlin) cho biết.

Theo chuyên gia này, nền kinh tế Đức đang tăng trưởng hoàn toàn dựa vào chi tiêu tích cực của các hộ gia đình nhờ chính sách lương tốt cộng thêm chính sách giảm thuế của chính phủ. Trong khi đó, rủi ro có thể phát sinh từ sự leo thang của cuộc chiến thương mại là đặc biệt cao. Chưa hết, trong trường hợp Anh chia tay EU mà không có thỏa thuận cũng có thể khiến tăng trưởng GDP của Đức thấp hơn 0,4% trong năm tới so với kịch bản Brexit có thỏa thuận, Michelsen nói thêm.

Báo cáo của các viện nghiên cứu cũng cho thấy tăng trưởng việc làm ở Đức đã mất đà do tăng trưởng chậm lại, trong đó ngành công nghiệp cắt giảm việc làm, còn các nhà cung cấp dịch vụ và ngành xây dựng vẫn đang tuyển dụng. Cụ thể, các viện dự báo tăng trưởng việc làm của Đức ở mức 380.000 việc làm trong năm nay; nhưng trong hai năm tới dự kiến chỉ có 120.000 và 160.000 vị trí việc làm thường xuyên mới được tạo ra. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 5,1% trong năm 2020 từ mức 5,0% của năm 2019 và sau đó dự kiến sẽ giảm xuống còn 4,9% vào năm 2021. Trong khi giá tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng với tốc độ vừa phải 1,4% vào năm 2019, 1,5% vào năm 2020 và 1,6% vào năm 2021.

Mặc dù được dự kiến sẽ duy trì thặng dư ngân sách khoảng 50 tỷ Euro (54,55 tỷ USD) trong năm nay, nhưng các nhà nghiên cứu dự đoán rằng điều này sẽ tiêu tan vào năm 2021 và Đức có thể thâm hụt ngân sách khoảng 4 tỷ Euro (4,37 tỷ USD).

Trước khi báo cáo chung này được công bố, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã đón nhận một thông tin không mấy tích cực là chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm từ mức 43,5 điểm trong tháng 8 xuống còn 41,7 điểm trong tháng 9 - mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khu vực đồng Euro, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tháng 9 cũng giảm tiếp 1,3 điểm xuống 45,7 điểm, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 46,0 kể từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Trong khi bức tranh toàn cầu cũng đang phản ánh một thực tế ngày càng khó khăn với việc Viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố hôm thứ Ba (1/10) rằng hoạt động sản xuất của Mỹ đã thu hẹp trong tháng 9 xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Chỉ số niềm tin sản xuất toàn cầu (GMC) của Barclays đã giảm trong tháng thứ 8 liên tiếp vào tháng 9, ở mức -0,58.

Niềm hy vọng duy nhất của kinh tế toàn cầu chính là các nền kinh tế mới nổi ở châu Á với việc chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của các nền kinh tế mới nổi châu Á được nâng lên bởi một số lạc quan thương mại trong tháng 9, đã tăng lên 50 điểm từ mức thấp nhất trong nhiều năm là 49,8 điểm trong tháng 8.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/bi-quan-hon-ve-kinh-te-duc-92974.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.