Ngành sữa: Nhu cầu đã hồi phục trở lại
09:44 | 16/09/2019
Sau giai đoạn giảm tốc tăng trưởng nhu cầu sữa nội địa (đặc biệt là khu vực thành thị), nửa đầu năm nay thị trường sữa đã có những chuyển biến tích cực hơn...
![]() | Viễn cảnh nào cho các 'ông lớn' ngành sữa |
![]() | Ngành sữa và bài toán liên kết chuỗi |
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo số liệu của Kantar Worldpanel, trong quý II/2019, sữa và các sản phẩm từ sữa tiếp tục là ngành hàng dẫn đầu thị trường các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) với mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt là 14,7% và 6,8% về giá trị tại khu vực nông thôn và thành thị (4 thành phố lớn). Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngành đã hồi phục trở lại.
Các yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học như dân số đông với tốc độ gia tăng dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ và thu nhập tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng sẽ là bệ đỡ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành trong dài hạn. Xu hướng tiêu dùng cũng đang có sự thay đổi khi người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe bản thân, chuyển dịch sang sử dụng các loại sản phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, với yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm. Nhu cầu cho các loại sản phẩm chất lượng cao như sữa organic, sữa A2, sữa chua hay sữa thực vật (đậu nành, sữa hạt…) ngày càng tăng. “Diễn tiến này mang lại lợi thế cho các DN nắm bắt sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng”, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết.
Trong đó, các DN đầu ngành như Vinamilk, TH True Milk sẽ có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh khi đã sở hữu được hệ thống nhà máy sữa đạt chuẩn quốc tế, cho ra mắt các dòng sản phẩm cao cấp phù hợp nhu cầu thị trường. Như với Vinamilk, phát triển dòng sản phẩm sữa cao cấp và giành thêm thị phần đang là yếu tố tiên quyết để phát triển bền vững.
Trong quý II/2019, Vinamilk đã cho ra mắt 17 dòng sản phẩm mới bao gồm sữa bột organic, bột ăn dặm organic, sữa chua và sữa đậu nành nhiều hương vị, được người tiêu dùng đón nhận khá tích cực. Đến hết tháng 6/2019, thị phần của Vinamilk đã tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,4% thị phần từ đầu năm đến nay nhờ vào sự tăng trưởng tích cực doanh thu nội địa và tăng số lượng điểm bán từ 250.000 lên 270.000 điểm trong nửa đầu năm 2019.
Công thêm các yếu tố nội lực làm điểm tựa cho Vinamilk bứt phá đó chính là việc công ty này tăng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu đầu vào thông qua việc phát triển vùng nuôi. Việc đầu tư vào các trang trại bò sữa tiêu chuẩn quốc tế cũng đã giúp ghi dấu ấn Vinamilk trên bản đồ sữa thế giới với “Hệ thống trang trại bò sữa theo tiêu chuẩn Global GAP lớn nhất của châu Á về số lượng trang trại”.
Báo cáo quý II của Vinamilk cũng đã phản ánh bức tranh của ngành và chính DN với doanh thu cao nhất trong lịch sử đạt gần 14.600 tỷ đồng, tăng 6,55% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinamilk đạt doanh thu 27.788 tỷ đồng, tăng 7,61% so với cùng kỳ năm, đặc biệt doanh thu xuất khẩu tăng 15% so với cùng kỳ, đóng góp 4.152 tỷ đồng tương ứng gần 15% tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đạt 5.701 tỷ đồng. EPS 6 tháng đầu năm 2019 đạt 2.953 đồng/cổ phiếu. Biên lãi gộp 6 tháng đầu năm 2019 của Vinamilk tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, đạt mức 47,4% so với con số vốn dĩ đã rất thành công cùng kỳ năm 2018 là 46,3%.
17 dòng sản phẩm mới vừa đưa vào phân phối sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng doanh thu cho Vinamilk nửa cuối năm. Nhìn về xa hơn, chiến lược đầu tư cho hệ thống các trang trại bò sữa trong và ngoài nước được đánh giá là đòn bẩy giúp Vinamilk tiến nhanh hơn đến mục tiêu Top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới cũng như dẫn đầu khu vực trong những xu hướng dinh dưỡng tiên tiến trên thế giới như Organic.
Dự báo sản phẩm sữa thực vật sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng trong giai đoạn 2019 - 2023 (theo Euromonitor) với mức tăng 10%/năm đang mang đến cơ hội cho DN dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành là Công ty Đường Quảng Ngãi (QNS). Hiện QNS đang chiếm 85% thị phần sữa có thương hiệu. Xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam đang dịch chuyển sang các sản phẩm có nhãn mác, chất lượng tốt, dinh dưỡng và tiện lợi hơn sẽ giúp thị phần sữa có nhãn mác vượt qua con số 35% thị phần sữa đậu nành của cả nước.
Việc phát triển mảng kinh doanh sữa đậu nành đang đóng vai trò quan trọng đối với QNS. Doanh thu niên vụ 2017/2018 đạt 7.695 tỷ đồng, trong đó mảng sữa đậu nành chiếm 42% tỷ trọng doanh thu song lại chiếm đến 74% tỷ trọng lợi nhuận gộp. Việc phát triển thêm các sản phẩm dinh dưỡng từ đậu nành như dầu đậu nành, bơ thực vật… với 4 dòng sản phẩm mới ra mắt trong quý II và quý III/2019 được kỳ vọng là chất xúc tác giúp kích cầu tiêu dùng, gia tăng doanh thu cho QNS.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, QNS đạt doanh thu 4.090 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 521 tỷ đồng. So với kế hoạch 8.400 tỷ doanh thu và 199 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, QNS đã thực hiện được 49% chỉ tiêu doanh thu đồng thời vượt xa kế hoạch lợi nhuận. 6 tháng cuối năm, biên lợi nhuận gộp mảng đường của QNS được kỳ vọng cải thiện nhờ việc tăng giá bán.
PV