![]() | Lập hồ sơ di sản “cứu” tranh Đông Hồ |
![]() |
Cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” vừa ra mắt, được đánh giá như một bảo tàng thâu tóm được kỹ thuật, tinh hoa của tranh Đông Hồ |
“Dòng tranh dân gian Đông Hồ” được thực hiện bởi nhóm tác giả PGS-TS. Trịnh Sinh, Nguyễn Thị Thu Hòa, Lê Bích. Một trong những tác giả cuốn sách, PGS-TS. Trịnh Sinh cho biết, “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” được thực hiện trong gần 10 năm nghiên cứu, tìm tòi và khi đến tay độc giả chỉ dày 232 trang, chia thành 3 chương.
“Gần như chúng tôi “quét” hết những tư liệu, những công trình nghiên cứu về tranh dân gian nói chung và tranh dân gian Đông Hồ nói riêng của các tác giả đi trước. Trên cơ sở tư liệu, chúng tôi tổng hợp, tìm ra những nét đặc trưng nhất của dòng tranh dân gian này để có thể giải mã cho câu hỏi tại sao dòng tranh này có thể tồn tại cho đến tận hôm nay, nó đẹp ở chỗ nào, nó phục vụ cho ai...”, PGS-TS. Trịnh Sinh cho biết.
Với hơn 500 hình ảnh (phần lớn được chụp mới), cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” không chỉ giới thiệu rất kỹ về làng Hồ, về các nghệ nhân, về thăng trầm nghề in tranh của dòng tranh khắc gỗ và vẽ tay nổi tiếng, các tác giả cuốn sách còn giới thiệu với độc giả hai thể loại tranh khác cũng của làng Hồ nhưng còn ít người được biết là “tranh Đồ thế” - chủ yếu đáp ứng các nhu cầu tâm linh xưa, và “tranh Trổ giấy” - có tính chất trang trí, lưu niệm. Những loại tranh này chỉ còn một số rất ít nghệ nhân nhớ và giữ nghề.
Bên cạnh đó, cuốn sách này còn khắc họa chân dung một số nghệ nhân tiêu biểu của làng tranh Đông Hồ như Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Hữu Quả và 2 cố nghệ nhân - họa sĩ Nguyễn Đăng Khiêm và Nguyễn Đăng Sần để bạn đọc có thêm những thông tin mới về những người “giữ lửa” tranh Đông Hồ.
Nhiều người đọc “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” đánh giá, cuốn sách còn làm rõ vai trò của hợp tác xã trong việc sản xuất và duy trì tranh dân gian tại làng Đông Hồ xưa, đồng thời miêu tả chi tiết các bước làm tranh Đông Hồ, trong đó có nhiều chi tiết ít được biết như: quy trình khắc ván in, quy trình làm điệp, quy trình làm chổi thét, kỹ thuật “cản màu”, in chồng màu “nhị sắc” và các màu tiêu biểu...
Đặc biệt, trong cuốn sách này cho thấy nhiều phát hiện mới rất có giá trị. Đó là làng tranh Đông Hồ không sản xuất đơn lẻ theo các hộ gia đình như nhiều người từng biết, mà có thời gian người dân làm theo mô hình hợp tác xã, Nhà nước đặt hàng sáng tác tranh cổ động. Tranh Đông Hồ không chỉ có các bức: Vinh hoa Phú quý, Đánh ghen... mà còn có các bức tranh cổ động đấu tranh chính trị như: Không có gì quý hơn độc lập tự do, Tải lương ra tiền tuyến. Tất cả những điều này đã được các tác giả đưa vào cuốn sách.
Thông qua nhiều nguồn sử liệu khác, các tác giả cuốn sách cũng cho thấy phát hiện mới khi thời gian dòng tranh dân gian Đông Hồ xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ 17, thay vì thế kỷ 16 như các công trình đã công bố trước đây.
GS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, một thực tế đáng báo động, dù tranh Đông Hồ có lịch sử lâu đời, rất có giá trị nhưng đang có nguy cơ lụi tàn bởi thời buổi kinh tế thị trường. Hiện nay, làng tranh Đông Hồ có gần 5.000 bản khắc đang lưu giữ tại gia đình của 3 nghệ nhân nhưng hầu như bị cất trong kho, vì tranh làm ra rất ít người mua.
Đáng lưu tâm hơn, thế hệ nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân chạm khắc giỏi ngày càng ít đi, nguy cơ khan hiếm nguyên vật liệu ngày càng cao. Hiện làng Đông Hồ chỉ còn 34 người gắn bó với nghề làm tranh, tập trung trong 3 gia đình, còn lại các hộ gia đình khác đã chuyển qua làm đồ vàng mã hoặc công việc khác.
Do đó, hồ sơ trình Tổ chức Khoa học, Văn hóa và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận tranh dân gian Đông Hồ là “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” đang gấp rút được hoàn tất. Bởi vậy, việc cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” ra đời thời điểm này góp phần quan trọng để đưa đến cho công chúng góc nhìn cận cảnh hơn về giá trị của dòng tranh này.
Theo đánh giá của TS. Trần Đoàn Lâm (Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới), cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” như một bảo tàng thâu tóm được kỹ thuật, tinh hoa của dòng tranh dân gian độc đáo nhất Việt Nam. Qua từng trang sách có thể thấy được quá trình phát triển của làng tranh Đông Hồ, thấy được nghệ thuật dân gian vô cùng sống động. Bởi vậy, “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” xứng đáng một tài liệu quý, đáng tin cậy, nhất là với những ai muốn tìm hiểu về lịch sử của làng tranh và tranh Đông Hồ.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/lam-song-lai-dong-tranh-dong-ho-91420.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.