![]() | Giảm lãi vay tăng hiệu quả ngân sách hỗ trợ |
![]() | Phấn đấu ổn định lãi vay sản xuất kinh doanh |
![]() |
Ngân sách sẽ giảm thu 6.500 tỷ đồng/năm nếu giảm 3-5% thuế TNDN cho khối DN nhỏ và siêu nhỏ |
Gấp rút “tháo” trần chi phí lãi vay
Cuối tháng 7 vừa qua, lần thứ ba trong vòng hai năm qua, câu chuyện sửa đổi Nghị định 20/2017 về quản lý thuế đối với DN có phát sinh giao dịch liên kết đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nhanh chóng ban hành dự thảo để Chính phủ xem phê duyệt, chỉnh sửa.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm DN tư nhân trong nước hiện nay có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3/1. Nếu áp theo các quy định tại Nghị định 20/2017, hàng ngàn DN tư nhân trong nước đang bị tăng lợi nhuận ảo dẫn đến phải nộp thuế TNDN cao hơn so với nhóm DN FDI. Do hầu hết các DN nước ngoài có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 1,8/1 và tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt mức trung bình 6,5% (cao gấp 5,4 lần so với DN tư nhân trong nước).
Các chuyên gia về kế toán, kiểm toán cho rằng, quy định khống chế trần chi phí lãi vay của Nghị định 20/2017 đang quản nhầm đối tượng DN. Bởi nếu xét ở góc độ mục tiêu chống chuyển giá thì các quy định về áp trần chi phí lãi vay không thể kiểm soát được nhóm FDI thực hiện chuyển thu nhập chịu thuế thông qua việc nâng giá trị máy móc, nguyên vật liệu. Trong khi đó, hiện nay, việc hình thành các mô hình công ty quản lý vốn ở các tập đoàn kinh tế tư nhân là xu hướng tất yếu để hỗ trợ các DN thành viên tiếp cận vốn tín dụng. Nếu áp quá nặng tỷ lệ chi phí lãi vay chịu thuế thì các lợi thế ưu đãi tài chính của DN tư nhân trong nước bị triệt tiêu.
Chưa kể, việc khống chế trần chi phí lãi vay sẽ khiến các DN hoạt động trong các ngành nghề như hạ tầng, bất động sản, khởi nghiệp… vừa phải trả lãi suất vừa phải nộp thuế trên số tiền vay vốn dẫn tới lãi suất tín dụng thực tế phải trả rất cao. Vì vậy, theo các doanh nghiệp, trong thời gian rà soát, chưa thể ban hành quy định thay thế Nghị định 20, Bộ Tài chính cần đề nghị tạm dừng áp dụng các quy định về trần chi phí lãi vay nhằm giảm thiểu tác động xấu đến kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2019 của cộng đồng DN trong nước.
Thực tế, trong suốt từ năm ngoái đến nay, hàng chục tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính khẩn cấp tháo gỡ những quy định về khống chế tỷ lệ chi phí lãi vay. Cụ thể, các tập đoàn lớn như: EVN, VICEM, LILAMA, TKV… đều cho rằng, quy định khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của DN ở mức 20% tại Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 là một quy định không hợp lý và quản lý không trúng đối tượng.
Theo đó, mặc dù Nghị định 20 được ban hành với mục tiêu là chống chuyển giá ở các DN FDI (vốn đầu tư nước ngoài) nhưng với quy định khống chế chi phí lãi vay, hàng ngàn DN nội địa đã phải hứng chịu hậu quả, làm giảm hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Năm 2020 thuế DN có nhiều sửa đổi
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thời gian qua đơn vị này đã tiếp nhận khá nhiều phản ánh từ cộng đồng DN về kiến nghị sửa đổi Nghị định 20/2017.
Hiện tại, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019), Bộ Tài chính đã báo cáo về kết quả thực hiện Nghị định này. Tổng cục Thuế cũng đang tiến hành rà soát đánh giá các khoản chi phí lãi vay của các DN thuộc diện điều chỉnh của Nghị định 20 để xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của chính sách. Khi có những đánh giá cụ thể sẽ đưa vào luật hóa cụ thể tại các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020).
Ngoài ra, trong kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2019, Tổng cục Thuế cũng đã nhấn mạnh việc cấp bách tham mưu sửa đổi Nghị định 20. Do vậy, các bất cập về trần chi phí lãi vay kỳ vọng sẽ sớm được điều chỉnh cho phù hợp.
Cũng liên quan đến lĩnh vực thuế, theo đại diện Bộ Tài chính, cuối tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất miễn, giảm thuế đối với DN nhỏ và siêu nhỏ của bộ này. Cụ thể, đề nghị áp dụng mức thuế suất 15% với DN siêu nhỏ (tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm, không quá 10 lao động), 17% đối với DN nhỏ (tổng doanh thu dưới 50 tỷ đồng/năm, không quá 100 lao động), đồng thời miễn thuế TNDN hai năm liên tục cho các DN chuyển lên từ hộ kinh doanh.
Các quy định mới này được đưa vào “Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN nhằm hỗ trợ phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ”, và đang được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Nếu ủy ban này thông qua, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14. Như vậy, rất có thể trong năm 2020 các ưu đãi về thuế TNDN đối với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ được xem xét điều chỉnh giảm 3-5% so với quy định hiện nay.
Nếu các văn bản pháp lý này được ban hành có thể làm nguồn thu ngân sách giảm khoảng 9.200 tỷ đồng/năm (bao gồm 6.500 tỷ đồng giảm thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ, 2.700 tỷ đồng miễn thuế hai năm đầu cho DN chuyển lên từ hộ kinh doanh). Điều này trong ngắn hạn có thể gây áp lực lên cân đối ngân sách Nhà nước nhưng về lâu dài sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ap-luc-thue-va-lai-vay-ky-vong-bot-nang-90950.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.