Có nhiều lúc họ tưởng sẽ bị gục ngã bởi vết thương chiến tranh trong người tái phát, lại phải trèo đèo, lội suối trong rừng thiêng, nước độc… nhưng cứ nghĩ đến linh hồn các đồng đội đang nằm lạnh lẽo ở đâu đó, bản thân họ lại được trấn an tinh thần.
Mệnh lệnh từ trái tim
Trong ngôi nhà nhỏ lọt thỏm giữa xóm Hưng Trung, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, người cựu chiến binh Nguyễn Như Trinh nhớ lại. Tháng 6/1974, cũng như bao thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và làm trinh sát quân báo của Tổng cục Tình báo (Bộ Quốc phòng). Nhiệm vụ chính của ông là đột nhập, luồn sâu vào trong lòng địch để tìm cách vẽ lại các sơ đồ cứ điểm của quân địch ở địa bàn Đồng Nai, Tây Ninh, Quảng Trị… sau đó báo về cho các đơn vị quân đoàn tổ chức lực lượng đánh địch.
![]() |
Ông Võ Văn Lâm (thứ 2 từ phải qua) cùng cán bộ chiến sĩ thị đội Hương Thủy trên đường tìm hài cốt liệt sĩ |
Rời quân ngũ trở về quê với tỷ lệ thương tật 35% và nhiễm chất độc hóa học tỷ lệ 55% nên mỗi khi trái gió trở trời, vết thương trong người ông Trinh lại tái phát với cơn đau ê ẩm. Dù phải đi bệnh viện chạy chữa thường xuyên, nhưng hễ cứ thấy trong người khỏe lại một chút là ông lại lập tức xin về để được thực hiện tâm nguyện “đền ơn đáp nghĩa” với thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Người cựu binh già tâm sự: Đêm nào ông cũng trằn trọc nghĩ về hình ảnh những người đồng đội, đồng chí của mình đang nằm lạnh lẽo lẩn khuất ở đâu đó dưới lòng đất tại các chiến trường vẫn chưa tìm được hài cốt… Chừng nào ông còn có sức khỏe, thì còn cố gắng hết sức đi tìm kiếm hài cốt đồng đội còn đang thất lạc trong chiến trường, cũng như giúp làm nhà tình nghĩa cho các gia đình đồng đội, góp một phần xoa dịu, làm vơi bớt đi nỗi đau thương mất mát, khó khăn trong cuộc sống cho gia đình thân nhân các liệt sĩ. Có như vậy ông mới cảm thấy yên lòng được.
Từ những suy nghĩ ấy, vào năm 2006 ông Trinh xin thành lập Ban liên lạc và làm trưởng ban này ở Hà Tĩnh để tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, giúp đỡ những người lính sau xuất ngũ ổn định cuộc sống, tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ tình báo bị mất tích… Đầu tháng 4/2007, ông Trinh bắt đầu cuộc hành trình đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đồng đội ở khắp các chiến trường từ Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông đến Tây Ninh và thậm chí sang tận Campuchia…
Để có tiền làm lộ phí đi đường, ông đã phải bán nhiều tài sản, thậm chí còn “cầm” cả sổ thương binh, bìa đất… để vay tiền. Sau này, cảm kích trước những việc làm cao cả của ông, một số nhà hảo tâm, doanh nghiệp, ngân hàng đã hỗ trợ thêm để ông có thêm lộ phí đi tìm hài cốt, nên cũng đỡ được phần nào. Cũng từ đó ông không những đã tìm thấy và cất bốc được 47 hài cốt liệt sĩ, mà còn vận động kinh phí xây dựng được 9 ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ chính sách khó khăn.
Đến nay, mặc dầu tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng nhiệt huyết của người lính Cụ Hồ năm xưa trong ông vẫn không hề suy giảm. Ông vẫn miệt mài với công việc tìm kiếm hài cốt đồng đội và xem đó như là một mệnh lệnh từ trái tim để tri ân đồng đội.
Bằng mọi giá tìm cho được đồng đội
Ngay sau ngày hòa bình, gói gọn trong chiếc balo trên lưng, ông Võ Văn Lâm ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế đã liên tục trở lại chiến trường xưa, tìm hài cốt liệt sĩ là những người đồng đội mà ông đã tự tay chôn cất để đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Ông Lâm chia sẻ: Bản thân tuổi đã cao, vết thương chiến tranh trên người thường xuyên tái phát. Lại còn phải trèo đèo, lội suối trong rừng thiêng, nước độc… nên nhiều lúc tưởng sẽ gục ngã, nhưng cứ nghĩ đến linh hồn các đồng đội đang nằm lạnh lẽo ở đâu đó, bản thân ông lại trấn an tinh thần bằng mọi giá phải tìm cho được đồng đội.
Song chiến trường xưa thay đổi theo thời gian, những vị trí trí chôn cất hài cốt liệt sĩ trước kia biến dạng theo địa hình, khiến việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hết sức khó khăn. Ông đã lặn lội kết nối các đồng đội còn sống, các đơn vị bộ đội có liên quan để xác minh địa điểm chôn cất các liệt sĩ. Đến nay, ông đã cùng đồng đội tìm được hơn 50 bộ hài cốt liệt sĩ đưa về an táng ở các nghĩa trang.
Nói về công việc đi tìm hài cốt liệt sĩ, ông Lâm tâm tư: Cứ nghĩ mình trực tiếp chôn cất đồng đội, thì sẽ sớm muộn gì cũng tìm ra, thế nhưng thời gian đã làm thay đổi địa hình, rất khó xác định vị trí nấm mồ. Ngày ấy, chiến sĩ nào hy sinh cũng cuốn lại bằng tấm nylon hoặc tấm chiếu, sau đó chôn tại gốc cây để sau này có thể nhận biết. Có những đợt phải hơn một tháng đào bới nhiều địa điểm trong rừng, ông mới tìm thấy hài cốt đồng đội dưới gốc cây khô để đưa về nghĩa trang thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông an táng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thủy Phương chia sẻ: Nếu sức khỏe cho phép, người lính già Võ Văn Lâm sẽ không ngừng đi tìm kiếm hài cốt những đồng đội của mình. Không chỉ vậy, người cựu binh này còn tham gia tích cực các công tác phong trào tại địa phương, là một điển hình về người lính Cụ Hồ không khuất phục nghèo đói, đi lên làm giàu từ hai bàn tay trắng, đáng để thế hệ trẻ noi theo.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-nguoi-linh-di-tim-dong-doi-90367.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.