Loạn danh xưng nhan sắc

Chục năm gần đây, các cuộc thi sắc đẹp liên tục diễn ra, thậm chí người ta không thể nhớ hết các cuộc thi. Nhiều cuộc thi dễ dãi để lại dư luận xấu, gây phản cảm, hoang mang, hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa và nhan sắc.

Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh những tấm thiệp mời của chương trình “Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” gửi tới những người đẹp có danh xưng rất lạ như: Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam, Á hoàng 2, Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam. Tìm hiểu thông tin được biết, tên đầy đủ của danh hiệu này là “Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam ngành Thực phẩm” do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp cùng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh tổ chức. Lễ trao giải diễn ra vào ngày 22/7/2019.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, khái niệm “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” là một khái niệm được lắp ghép rất ẩu. Mặc dù trong tâm linh có văn hóa, nhưng không ai đi ghép với một danh xưng sắc đẹp trước khái niệm này.

Loạn danh xưng nhan sắc
Thi nhan sắc, là để góp phần làm đẹp văn hóa, hướng tới giá trị nhân văn

Đây chỉ là một hiện tượng điển hình cho việc tôn vinh nhan sắc ở dạng “ao làng” và cho thấy chuẩn mực của nhan sắc đã bị làm nhiễu loạn. Một câu hỏi đặt ra từ nhiều năm qua là có nên ồ ạt tổ chức các cuộc thi hoa hậu? Có quá nhiều cuộc thi, cuộc nào cũng chọn ra được vài ba người đẹp khiến chúng ta cứ ngỡ đất “được mùa” nhan sắc. Thậm chí có cuộc thi chỉ 30 người tham gia thì 22 người có giải. Với người đạt giải, có thể thấy tự hào, còn khiến dư luận nhận ra nhiều bất cập, trong đó nổi bật nhất là vấn đề chất lượng tổ chức và trình độ học vấn của thí sinh.

Thi nhan sắc trở nên bão hòa khi các cuộc thi phần lớn có cấu trúc nội dung trùng lặp, đơn điệu, thiếu bản sắc riêng, thậm chí đến thí sinh cũng trùng do chạy show quá nhiều cuộc thi với quyết tâm đoạt bằng được một giải nào đó. Do sự dễ dãi này dẫn đến tình trạng khán giả nhàm chán, quay lưng với các cuộc thi sắc đẹp. Việc xã hội hóa thi nhan sắc là không nên.

Ở nước ngoài, thay vì có hàng loạt cuộc thi sắc đẹp thì họ chỉ tập trung cho vài cuộc thi như: Hoa hậu Quốc gia, Hoa hậu Hoàn vũ Quốc gia... Các thí sinh đăng quang tại các cuộc thi này sẽ là người đại diện quốc gia tại các đấu trường sắc đẹp quốc tế lớn như: Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất. Vì chúng ta dàn trải tổ chức quá nhiều các cuộc thi hoa hậu chất lượng thấp nên dẫn đến tình trạng thừa các cuộc thi hoa hậu nhưng lại thiếu các thí sinh đủ tầm văn hoá để đại diện đất nước tham gia các cuộc thi quốc tế.

Có thể nói, trường hợp “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” là một “cú sốc” văn hóa khiến chúng ta cười ra nước mắt. Tại sao chúng ta lại phải gánh chịu những cú sốc như vậy? Nó làm mất lòng tin của chúng ta, làm cho chúng ta hoang mang không biết thế nào là đẹp, thế nào là xấu và có nên tin tưởng vào những lần thi nhan sắc sau nữa không (?) Những cú sốc trong văn hóa thường để lại những tổn thương tâm lý lâu dài trong xã hội.

Mục tiêu của các cuộc thi nhan sắc hướng đến thường là vẻ đẹp chân thiện mỹ. Chẳng có cớ gì đi hạ thấp chuẩn mực của một cuộc thi nhan sắc xuống mức chỉ còn có... nhan sắc. Tôi cũng như nhiều người khác cho rằng, nhan sắc và vẻ đẹp không có lỗi. Lỗi là chúng ta sử dụng sai, vào những mục đích thiếu nhân văn, thiếu trong sáng. Để dẹp loạn, cần lắm sự vào cuộc nghiêm cẩn của các cơ quan chức năng, tránh để lợi dụng, trục lợi.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/loan-danh-xung-nhan-sac-89860.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.