ODA và nút thắt giải ngân

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi khẳng định, giải ngân là vấn đề Chính phủ rất quan tâm và Chính phủ đã nhận diện rõ những tồn tại, cản trở trong việc giải ngân và đã có những bước đi cụ thể để khắc phục...
Thủ tướng chỉ thị nâng cao hiệu quả sử dụng ODA
ODA báo động giải ngân chậm
ODA và nút thắt giải ngân
Nguồn vốn ODA có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ tầng

Nhà tài trợ muốn xoay chuyển tình thế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới.

Trước ngày Thủ tướng ban hành chỉ thị này, Bộ Tài chính đã có cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh thành và các bộ về tiến độ giải ngân vốn ODA. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Tài chính đã cảnh báo “giải ngân vốn ODA chậm ở mức đáng báo động”.

Tình hình giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán. Cụ thể, tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; trong đó có 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại.

Trong số này, 80% vốn ưu đãi và ODA là từ 6 nhà tài trợ chính là Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Nhưng những năm gần đây tốc độ giải ngân chậm lại và rất chậm với tỷ lệ giải ngân khá thấp. Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA của ADB năm 2018 chỉ ở mức 11,2%; trong khi tỷ lệ giải ngân trung bình toàn cầu của ADB là 21%, của WB là 20,2%.

Tốc độ giải ngân chậm dẫn đến dự án bị trì hoãn, thậm chí không đạt được kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư, làm giảm tác động đến tăng trưởng GDP. Và nếu vốn vay và vốn đầu tư công vẫn tiếp tục chậm giải ngân sẽ tạo hệ lụy tới tăng trưởng tương lai.

“Chậm giải ngân nếu không sớm xoay chuyển tình thế thì không chỉ là vấn đề hiện tại làm dự án đắt đỏ hơn mà còn ảnh hưởng tới tương lai lâu dài vì sẽ làm cho cơ sở hạ tầng vẫn cứ thiếu. Hạ tầng là yếu tố quan trọng cần thiết cho tăng trưởng”, ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cảnh báo.

Trong bối cảnh nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp, nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ hiện nay chủ yếu là vay ưu đãi với lãi suất gần với lãi suất thị trường, việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới là hết sức cần thiết.

Chính phủ thúc giục giải ngân

Theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), một trong những nguyên nhân khiến nguồn vốn vay về chậm được giải ngân là việc chuẩn bị đầu tư kéo dài nên phải gia hạn thời gian thực hiện dự án. Đơn cử từ đầu năm đến nay, đã có 37 Hiệp định vay phải làm thủ tục gia hạn với nhà tài trợ. Dự án kéo dài dẫn đến đội vốn và phải xin điều chỉnh vốn, lại tiếp tục làm chậm quá trình giải ngân.

Phản ánh về thiệt hại kinh tế khi chậm được bố trí vốn, ông Trần Dũng Nam, đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) cho biết, Cục có 2 dự án sử dụng vốn ODA ký với Hàn Quốc năm 2017 về việc trang bị 81 xe chữa cháy. Năm 2018 nhà thầu đã bàn giao toàn bộ 81 xe trị giá 500 tỷ đồng. Nhưng mới được giải ngân 200 tỷ đồng (40% giá trị dự án), 60% số vốn còn lại chưa được bố trí vốn và mới đây đã được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. “Nhà thầu đã thiệt hại gần 1 triệu USD, chúng tôi đang phải đối diện với nguy cơ bị phạt hợp đồng do chậm thanh toán”, ông Nam cho biết.

Bên cạnh đó, việc thông báo kế hoạch vốn và giao vốn rất chậm. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao nên rất nhiều nơi không có nguồn để giải ngân. Cụ thể nhu cầu vốn ODA cấp phát ngân sách trung ương cho 5 dự án là 11.491 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ phê duyệt bố trí vốn cho 3 dự án với tổng mức 199 tỷ đồng, 2 dự án là đường sắt Bến Thành - Suối Tiên và cải thiện môi trường nước có nhu cầu cấp vốn 2.500 tỷ đồng đều không được bố trí. 53% đơn vị được sử dụng vốn ODA cho biết phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn bị thiếu…

Giải thích chỉ 48% vốn được phân bổ, ông Lưu Quang Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do một số bộ, ngành, địa phương thiếu vốn đối ứng; do một số dự án có nhu cầu vốn lớn nhưng vẫn đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư, do chậm hoàn thiện thủ tục đấu thầu (52% số dự án gặp vướng mắc này), do chưa xong thiết kế cơ sở và còn do vấn đề “thâm căn cố đế” của các dự án đầu tư là giải phóng mặt bằng gặp khó và kéo dài (43% dự án gặp vướng mắc này).

Khẳng định Việt Nam cần tiếp tục huy động tài chính cho nhu cầu phát triển, thay mặt Nhóm 6 ngân hàng phát triển, ông Eric Sidgwick cho biết: “Mục tiêu rõ ràng của Nhóm 6 ngân hàng phát triển là sẽ luôn hỗ trợ Việt Nam đạt kết quả như mong đợi”. Riêng ADB cũng cam kết ưu tiên cao các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia của Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà tài trợ rất mong muốn đồng vốn cần phát huy đầy đủ hiệu quả của nó; các khoản đầu tư công được lấy từ những khoản nợ đó được sử dụng hiệu quả, tạo ra lợi nhuận góp phần tăng trưởng kinh tế để trong tương lai Việt Nam có thể trả nợ tốt.

Đó cũng là quan điểm của Chính phủ. Muốn vậy cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi khẳng định, giải ngân là vấn đề Chính phủ rất quan tâm và Chính phủ đã nhận diện rõ những tồn tại, cản trở trong việc giải ngân và đã có những bước đi cụ thể để khắc phục.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/oda-va-nut-that-giai-ngan-89538.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.