Phát triển thiếu bền vững
Vùng duyên hải Nam Trung bộ bao gồm các địa phương từ TP. Ðà Nẵng đến tỉnh Bình Thuận. Khu vực này có diện tích tự nhiên gần 44,4 nghìn km2 với các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ðây là vùng biển giàu tiềm năng, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Tuy có nhiều lợi thế, song việc phát triển kinh tế biển ở khu vực vẫn đang gặp những khó khăn, thiếu bền vững, cần những giải pháp mang tính đột phá.
Trong vùng có nhiều vịnh, vũng có thể xây dựng thành các cảng biển nước sâu tiềm năng. Trong đó, có thể kể đến như Nhơn Hội, Vân Phong, vịnh Nha Trang, Cam Ranh. Bên cạnh những điều kiện về tự nhiên, khu vực này còn có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi. Ngoài các tuyến hàng hải còn có hệ thống đường bộ, đường sắt và hàng không dễ dàng kết nối giao thương với các khu vực khác ở trong lẫn ngoài nước. Bên cạnh đó, ngành du lịch, đặc biệt du lịch biển ở khu vực cũng đang trên đà phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư và khách du lịch.
![]() |
Công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển |
Những năm gần đây, đóng góp của các tỉnh, thành trong khu vực Nam Trung bộ vào GDP cả nước luôn đạt tỷ lệ cao. Trong đó, có những đóng góp quan trọng từ các khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm chế biến dầu khí ven biển ở khu vực. Xác định được vai trò quan trọng của kinh tế biển, các địa phương trong khu vực cũng đã xây dựng các kế hoạch dài hơi nhằm khai thác tốt từ biển, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng. Tại TP. Đà Nẵng, theo ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND thành phố, nhằm phát triển kinh tế biển, UBND TP. Đà Nẵng đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành kinh tế biển Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, dự kiến địa phương sẽ trích 49 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế biển, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng khách du lịch vào giai đoạn 2026 - 2030 đạt 13%, hàng hóa qua cảng đến năm 2025 đạt khoảng 12 đến 13 triệu tấn năm...
Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù có nhiều tiềm năng, song việc phát triển kinh tế biển ở duyên hải Nam Trung bộ cũng như các khu vực khác trong cả nước vẫn đang gặp những khó khăn. Tiềm năng về kinh tế biển vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả, tương xứng với những lợi thế vốn có. Sự liên kết giữa các vùng biển, ven biển và vùng nội địa, địa phương có biển với địa phương không có biển, với các ngành kinh tế trong khu vực chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt, do khai thác, phát triển “nóng” nên việc gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn. Hệ sinh thái biển đang bị suy giảm. Tài nguyên biển đang bị khai thác quá mức. Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn những hạn chế, bất cập. Ngoài ra, việc áp dụng khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa trở thành những nhân tố then chốt trong phát triển kinh tế biển một cách bền vững.
Giải pháp công nghệ
Thời gian gần đây, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển kinh tế biển, các địa phương trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, chính quyền các địa phương đã chú trọng việc xây dựng các cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; Phát triển các chuỗi đô thị ven biển, nguồn nhân lực có chất lượng. Đặc biệt, là việc tăng cường liên kết giữa các địa phương trong khu vực nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế biển một cách bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều giải pháp nêu trên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc phát triển kinh tế biển ở Việt Nam nói chung và kinh tế biển ở vùng duyên hải Nam Trung bộ nói riêng, không thể bền vững nếu không có vai trò của khoa học công nghệ. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ với những tác động quan trọng đến sự phát triển của nền kinh tế. Tại một hội nghị về khoa học và công nghệ do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức tại TP. Đà Nẵng, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhìn nhận, các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc phát triển kinh tế biển khu vực Nam Trung bộ đã đem lại những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội ở khu vực. Nhiều công trình đã tập trung vào nghiên cứu phát triển theo hướng ứng dụng sâu vào thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên thực tế, có nhiều mô hình áp dụng công nghệ vào việc phát triển kinh tế biển ở khu vực đã và đang mang lại hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nuôi trồng và chế biến thủy hải sản; Ứng dụng công nghệ làm đá tuyết từ nước biển phục vụ bảo quản hải sản; Chế tạo thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương... Đến các công trình nghiên cứu bảo vệ môi trường chống xói lở bờ biển, ứng dụng công nghệ viễn thám, quan trắc giám sát chất lượng nước...
Tuy nhiên, để áp dụng khoa học công nghệ vào sự phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả hơn, theo GS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Đại học Quốc gia Hà Nội, phát triển vùng biển Nam Trung bộ đòi hỏi phải thay đổi tầm nhìn, xoá bỏ định kiến trong chiến lược phát triển kinh tế biển theo hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh lam”. Tức là từ nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch. Để làm được điều đó thì cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học và công nghệ cũng như đổi mới phương thức đầu tư từ các nguồn lực. Để áp dụng công nghệ vào phát triển kinh tế biển, các địa phương trong khu vực phải tiếp tục tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Cải cách hành chính; khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút đa dạng các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó, hướng tới phát triển bền vững, khắc phục thách thức để kinh tế biển ở duyên hải Nam Trung bộ có thể bứt phá trong thời gian tới.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thuc-day-kinh-te-bien-bang-cong-nghe-89356.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.